Quyết định giám đốc thẩm số 06/2005/HĐTP-HS Ngày 24-02-2005 Về vụ án Phạm Văn Cường phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân”

Chủ đề   RSS   
  • #264808 28/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm số 06/2005/HĐTP-HS Ngày 24-02-2005 Về vụ án Phạm Văn Cường phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân”

    Số hiệu

    06/2005/HĐTP-HS

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm số06/2005/HĐTP-HS Ngày 24-02-2005 Về vụ án Phạm Văn Cường phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân”

    Ngày ban hành

    24/02/2005

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Hình sự

     

    Quyết định giám đốc thẩm số06/2005/HĐTP-HS

    Ngày 24-02-2005 Về vụ án Phạm Văn Cường
    phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm 
    chiếm đoạt tài sản của công dân”

    Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao

    ...

    Ngày 24 tháng 02 năm 2005 tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:

    Phạm Văn Cường sinh năm 1940; trú tại số 30 đường 21A Lộc Hoà, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định; khi phạm tội là cán bộ Phòng tổ chức lao động thành phố Nam Định; con ông Phạm Văn Đầm (liệt sỹ) và bà Trần Thị Cà (đã chết); vợ là Trần Thị Tỉnh và có 3 con, bị bắt giam từ ngày 27-5-1998 đến ngày 22-5-2000.

    Nhận thấy:

    Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm kết án Phạm Văn Cường về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân với nội dung sự việc 
    như sau:

    Vào tháng 4-1997, Phạm Ngọc Mỹ nguyên là cán bộ Phòng tiền lương Ty lao động tỉnh Hà Nam Ninh (cũ) đã bị buộc thôi việc và là người quen của Phạm Văn Cường cho Cường biết Công ty nơi Mỹ làm việc đang cần tuyển và làm thủ tục cho người đi lao động tại Hàn Quốc. Tuy không biết cụ thể Phạm Ngọc Mỹ làm việc ở cơ quan nào, có chức năng đưa người đi lao động nước ngoài không, nhưng Phạm Văn Cường vẫn nhận lời với Mỹ tìm người đi lao động ở nước ngoài. Ban đầu, Phạm Văn Cường có ý định giới thiệu anh Phạm Văn Đức, nhưng vì anh Đức không có tiền nên anh Đức đã giới thiệu bà Lê Thị Chiến (là hàng xóm của anh Đức) với Phạm Văn Cường để nhờ Cường làm thủ tục cho con gái bà Chiến là chị Nguyễn Thị Hoàng Oanh đi lao động tại Hàn Quốc. Ngày 20-4-1997, vợ chồng bà Chiến đến nhà Cường để thoả thuận việc làm thủ tục thì gặp Phạm Ngọc Mỹ ở đó. Hai bên thoả thuận khi chị Oanh đi Hàn Quốc được, thì vợ chồng bà Chiến đặt giấy tờ nhà cho Mỹ để làm tin, khi nào chị Oanh gửi tiền về trả đủ 3.500 USD thì sẽ trả lại giấy tờ nhà, Phạm Văn Cường là người đứng ra bảo lãnh.

    Ngày 29-4-1997, Mỹ đã đưa chị Oanh đi khám sức khoẻ tại bệnh viện Bạch Mai. Sau khi chị Oanh đi khám sức khỏe về, Phạm Văn Cường đã nhận của bà Chiến hai lần tổng cộng là 5.000.000 đồng: ngày 11-5-1997 Cường nhận 4.000.000 đồng nói là tiền đặt cọc, nhưng vì sợ người yêu chị Oanh không cho đi nên Cường viết giấy với nội dung vay tiền; ngày 03-8-1997 Cường nhận 1.000.000 đồng nói là để đi làm vida, hộ chiếu nhưng chưa viết giấy biên nhận. Đến ngày 26-01-1998 bà Chiến đã yêu cầu Cường viết giấy biên nhận khoản tiền này.

    Đầu năm 1998, chị Oanh không có ý định đi lao động ở nước ngoài nữa mà ở nhà để lấy chồng, bà Chiến đòi tiền nhưng Cường khất lần không trả và có viết một giấy hẹn đến ngày 30-4-1998 dương lịch sẽ trả. Đến hạn Cường không trả, nên ngày 04-5-1998 bà Chiến có đơn đề nghị gửi cơ quan Công an để yêu cầu Cường phải trả tiền cho bà. Ngày 25-5-1998 Cường viết tiếp một giấy hẹn đến ngày 10-6-1998 sẽ trả, nhưng đến ngày 27-5-1998 Cường bị bắt do bị khởi tố bị can về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa.

    Tại cơ quan điều tra Cường khai số tiền mà Cường nhận của bà Chiến thì Cường đã đưa cho Phạm Ngọc Mỹ, nhưng không khai rõ thời điểm giao tiền và không có giấy biên nhận. Do Mỹ chưa trả cho Cường nên Cường chưa có tiền để trả lại cho bà Chiến, nhưng Cường vẫn viết giấy khất nợ với bà Chiến. Tuy nhiên, khi cơ quan điều tra hỏi Mỹ ở đâu thì Cường khai không rõ ràng nên cơ quan điều tra không xác định được Phạm Ngọc Mỹ ở đâu, đang làm gì có đúng như Phạm Văn Cường khai hay không? Sau khi được tha, Cường đã trả số tiền 5.000.000 đồng cho bà Lê Thị Chiến.

    Cũng trong thời gian này, Cường còn nhận làm thủ tục đưa người quen của ông Lê Ngọc Bội là anh Phạm Tuấn Hùng và anh Trần Đức Cường đi Hàn Quốc. Việc giao dịch làm thủ tục cũng thực hiện tại nhà Cường và có mặt Phạm Ngọc Mỹ. Sau đó, Mỹ cũng đưa hai anh đi khám sức khỏe ở bệnh viện Bạch Mai. Khi hai anh khám sức khoẻ về, Phạm Văn Cường đã nhận của ông Lê Ngọc Bội 100USD và 16.500.000 đồng tổng cộng bằng 17.600.000 đồng và viết giấy biên nhận với nội dung vay tiền. Tháng 8-1997 khi thấy hai anh không đi được, nên ông Bội đòi lại tiền thì Cường đã trả cho ông Bội 12.000.000 đồng. Số tiền còn nợ của ông Bội, Cường đã đưa giấy phép sử dụng đất của em vợ Cường cho ông Bội để làm tin. Về hành vi này Phạm Văn Cường bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân” nhưng Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm xác định đây là quan hệ dân sự.

    Ngoài ra, năm 1996 vợ chồng Phạm Văn Cường và Trần Thị Tỉnh còn vay của Ngân hàng Công thương tỉnh Nam Định 200.000.000 đồng, về hành vi này Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm kết án Phạm Văn Cường và Trần Thị Tỉnh về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”, nhưng Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã tuyên bố Phạm Văn Cường và Trần Thị Tỉnh không phạm tội.

    Tại bản án hình sự sơ thẩm số 27/HSST ngày 25-01-1999, Toà án nhân dân tỉnh Nam Định áp dụng khoản 1 Điều 158, khoản 2 và khoản 3 Điều 38 Bộ luật hình sự năm 1985, xử phạt Phạm Văn Cường 06 tháng tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân”, buộc Phạm Văn Cường phải bồi thường cho bà Lê Thị Chiến số tiền 5.000.000 đồng.

    Sau khi xét xử sơ thẩm, bà Lê Thị Chiến có đơn kháng cáo yêu cầu Phạm Văn Cường phải trả ngay số tiền 5.000.000 đồng và tiền lãi.

    Tại Quyết định số 52/KSXXHS ngày 30-01-1999, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định đề nghị Toà án cấp phúc thẩm chuyển tội danh từ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân sang tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân và tăng hình phạt đối với Phạm Văn Cường.

    Tại Quyết định số 09/PT1 ngày 14-02-2000, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã rút toàn bộ kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định.

    Tại bản án hình sự phúc thẩm số 947/HSPT ngày 22-5-2000, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội áp dụng khoản 1 Điều 158, các điểm a, d khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 38 Bộ luật hình sự năm 1985 xử phạt Phạm Văn Cường 04 tháng tù về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân”.

    Tại kháng nghị giám đốc thẩm số46/2004/HS-TK ngày 31-12-2004, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao huỷ bản án hình sự phúc thẩm và bản án hình sự sơ thẩm đã kết án Phạm Văn Cường về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân và đình chỉ vụ án; tuyên bố Phạm Văn Cường không phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân vì hành vi không cấu thành tội phạm.

    xét thấy:

    Việc giao nhận khoản tiền 5.000.000 đồng giữa Phạm Văn Cường và bà Lê Thị Chiến xuất phát từ sự tự nguyện của bà Chiến muốn cho con mình đi lao động ở nước ngoài. Mọi việc giao dịch làm thủ tục cho người đi nước ngoài đều có sự tham gia của Phạm Ngọc Mỹ. Khi bà Chiến đòi lại tiền thì Cường nêu lý do số tiền bà Chiến đưa Cường đã giao hết cho Mỹ, nhưng Mỹ chưa trả tiền nên Cường chưa trả cho bà Chiến được. Như vậy, hành vi của Cường có liên quan đến một người tên là Phạm Ngọc Mỹ, nhưng Mỹ quan hệ, bàn bạc với Cường như thế nào về việc đưa người đi nước ngoài, có ý thức chiếm đoạt tài sản của họ hay không thì trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử trước đây chưa được chứng minh làm rõ. Tuy nhiên, vụ án này xảy ra cách đây đã hơn 07 năm, nếu điều tra lại xác định có hành vi phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 158 Bộ luật hình sự năm 1985 hoặc khoản 1 Điều 140 Bộ luật hình sự năm 1999 thì theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 23 Bộ luật hình sự năm 1999 thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự cũng đã hết; do đó việc huỷ bản án sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên để điều tra lại là không cần thiết. Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đang có trong hồ sơ vụ án thì cần xác định hành vi nêu trên của Phạm Văn Cường không cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân.

    Vì các lẽ trên, căn cứ vào Điều 285, Điều 286 và khoản 2 Điều 107 Bộ luật tố tụng hình sự;

    Quyết định:

    Huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 947/HSPT ngày 22-5-2000 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội và bản án hình sự sơ thẩm 
    số 27/HSST ngày 25-01-1999 của Toà án nhân dân tỉnh Nam Định về phần đã xét xử và kết án Phạm Văn Cường về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân; tuyên bố Phạm Văn Cường không phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân và đình chỉ vụ án đối với Phạm Văn Cường về tội này.

    ____________________________________________

    - Lý do huỷ bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm:

    1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Phạm Văn Cường đã hết;

    2. Không có căn cứ để xác định Phạm Văn Cường phạm tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân”.

    - Nguyên nhân dẫn đến việc huỷ bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm:

    1. Thiếu sót trong việc thu thập chứng cứ;

    2. Thiếu sót trong việc nhận thức và áp dụng quy định của Bộ luật hình sự về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 28/05/2013 04:08:14 CH
     
    3506 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận