Quyết định giám đốc thẩm số: 05/2008/KDTM-GĐT ngày 03 tháng 6 năm 2008 về việc tranh chấp về hợp đồng dịch vụ giao nhận hàng hóa

Chủ đề   RSS   
  • #264091 25/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm số: 05/2008/KDTM-GĐT ngày 03 tháng 6 năm 2008 về việc tranh chấp về hợp đồng dịch vụ giao nhận hàng hóa

    Số hiệu

    05/2008/KDTM-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm số:05/2008/KDTM-GĐT ngày 03 tháng 6 năm 2008 về việc tranh chấp về hợp đồng dịch vụ giao nhận hàng hóa

    Ngày ban hành

    03/06/2008

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Kinh tế

     

    TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    TÒA KINH TẾ

    ------------------

    Quyết định giám đốc thẩm

    Số:05/2008/KDTM-GĐT

    Ngày 03 tháng 6 năm 2008

    V/v: tranh chấp về hợp đồng

    dịch vụ giao nhận hàng hóa.

    CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ----------------------------------

     

    NHÂN DANH

    NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    TÒA KINH TẾ

    TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO TẠI HÀ NỘI

    Với thành phần Hội đồng giám đốc thẩm gồm có:

    Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa: Ông Nguyễn Huy Tiến;

    Các Thẩm phán: Ông Nguyễn Ngọc Vân;

    Bà Hoàng Thị Bắc.

    Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên tòa: Ông Nguyễn Văn Quang, Thẩm tra viên chính Tòa án nhân dân tối cao.

    Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham gia phiên tòa: Ông Đoàn Văn Thắng-Kiểm sát viên.

    Họp phiên tòa ngày 03 tháng 6 năm 2008, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao, để giám đốc thẩm xét xử vụ án kinh doanh, thương mại về “tranh chấp đòi tiền cước vận chuyển” hàng hóa bằng đường hàng không, mà Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử sơ thẩm tại bản án số475/KDTM-ST ngày 21/9/2006 (có hiệu lực pháp luật từ ngày 12/4/2007) giữa các đương sự:

    Nguyên đơn: Công ty liên doanh Dịch vụ giao nhận Quốc tế TFS

    Trụ sở tại: Phòng 306, lầu 3, số 02 Thi Sách, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh

    Do ông Huỳnh Bá Anh Vũ đại diện theo giấy ủy quyền ngày 20/02/2006 của Giám đốc Công ty liên doanh Dịch vụ giao nhận Quốc tế TFS.

    Bị đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn Kyung Rhim Vina

    Trụ sở tại: E4/48 phường Bình Trị Đông, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh.

    Do bà Min Kyung Hee, Phó tổng giám đốc làm đại diện theo giấy ủy quyền ngày 28/3/2006 của Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Kyung Rhim Vina Co., Ltd.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty G.F Textile – Hàn Quốc

    Trụ sở tại: 203 B-Dong, Champselysees Center, 889-5, Deachy-Dong, Kangnam-Ku, Seoul, Hàn Quốc.

    do có Quyết định kháng nghị số05/KN-VKSTC-V12 ngày 28/3/2008 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

    NHẬN THẤY

    Ngày 19/9/2005, Công ty liên doanh Dịch vụ giao nhận Quốc tế TFS (viết tắt là TFS) có đơn khởi kiện (BL 148-146) đối với bị đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn Kyung Rhim Vina (viết tắt là KRV) và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty G.F Textile Hàn Quốc (viết tắt là GFT) để đòi tiền cước vận chuyển hàng hóa còn thiếu.

    1. Trình bày của nguyên đơn:

    Ngày 28/02/2004, KRV và TFS có ký với nhau “Hợp đồng dịch vụ giao nhận hàng hóa”, theo đó TFS sẽ chở một lô hàng may mặc từ thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam sang Miami, Florida, Hoa Kỳ. Hợp đồng này được thể hiện bằng một Phiếu yêu cầu chuyên chở ngày 26/02/2004 của KRV (BL.54-51) và thư xác nhận ngày 28/02/2004 của TFS (BL.84-83).

    Thực hiện hợp đồng, TFS đã vận chuyển lô hàng đi Miami, Florida, Hoa Kỳ, theo vận đơn hàng không (AWB) số TFS-400053 ngày 03/3/2004 (BL.78-73) trên chuyến bay 0Z392 và OZ222 ngày 03/3/2004 đến Hoa Kỳ và giao cho người nhận hàng ghi trên vận đơn một cách an toàn. Cước phí vận chuyển lô hàng trên là 61.395,20USD.

    Sau khi TFS hoàn tất nghĩa vụ giao hàng, phía KRV mới thanh toán tiền cước vận chuyển được 33.000USD thông qua GFT, cụ thể: Ngày 05/5/2004 trả 20.000USD, ngày 04/6/2004 trả 8.000USD và ngày 21/9/2004 trả 5.000USD. Hiện còn nợ 28.395,20USD chưa thanh toán (BL.63).

    Ngày 21/10/2004, TFS có văn bản yêu cầu KRV (người chính thức có quan hệ hợp đồng với TFS ) phải chịu trách nhiệm trả số tiền 28.395,20USD (BL.80).

    TFS yêu cầu Tòa án xét xử buộc KRV phải trả cho TFS số tiền còn nợ là 28.395,20USD và tiền lãi phát sinh do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

    2. Trình bày của bị đơn:

    KRV xác nhận có yêu cầu TFS vận chuyển bằng đường hàng không lô hàng may mặc mà KRV gia công cho GFT (BBPTST-BL.163; 208), nhưng cho rằng mình không có trách nhiệm thanh toán số tiền cước vận chuyển còn thiếu này vì điều khoản thanh toán ghi trên yêu cầu vận chuyển của KRV gửi cho TFS ngày 26/02/2004 (được TFS chấp nhận ngày 28/02/2004) và trong vận đơn hàng không đã ghi rõ “cước phí trả trước bởi Công ty G.F Textile-Hàn Quốc” (BL.75). Do đó, GFT mới là người có trách nhiệm thanh toán cước phí vận chuyển cho TFS và phải thanh toán trước khi vận chuyển. KRV chỉ ký hợp đồng gia công cho GFT và không nhận được bất kỳ L/C nào từ người thụ hưởng và cũng không ký hợp đồng FOB. Vì vậy, KRV không có trách nhiệm thanh toán cước phí vận chuyển.

    TFS cung cấp vận đơn hàng không cho lần xuất hàng ngày 03/3/2004, nhưng không gửi cho KRV bất kỳ hóa đơn nào. TFS đã nhận được 33.000USD cước phí vận chuyển từ GFT và số cước phí vận chuyển còn lại là 28.395,20USD cũng vẫn do GFT có trách nhiệm thanh toán tiếp cho TFS .

    Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số475/KDTM-ST ngày 21/9/2006 (BL.176-169), Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã xử:

    1-Chấp nhận yêu cầu của Công ty liên doanh Dịch vụ giao nhận Quốc tế TFS , buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Kyung Rhim Vina phải trả cho Công ty liên doanh Dịch vụ giao nhận Quốc tế TFS số tiền 28.395,20USD theo tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định vào thời điểm trả tiền.

    2-Về án phí:

    a- Công ty trách nhiệm hữu hạn Kyung Rhim Vina phải chịu án phí là 16.668.000 đồng, nộp tại Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh.

    b-Hoàn trả cho Công ty liên doanh Dịch vụ giao nhận Quốc tế TFS số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 8.229.615 đồng theo biên lai thu tiền số 000669 ngày 11/11/2005 của Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh.

    Ngày 04/10/2006, KRV có đơn kháng cáo.

    Tại Quyết định phúc thẩm số32/2007/QĐ-PT ngày 12/4/2007 (BL.219-218), Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án “Tranh chấp đòi tiền cước vận chuyển” với lý do: Người kháng cáo là Công ty trách nhiệm hữu hạn Kyung Rhim Vina đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt; bản án dân sự sơ thẩm số475/KDTM-ST ngày 21/9/2006 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có hiệu lực pháp luật.

    Khi nhận được quyết định phúc thẩm nêu trên, Công ty trách nhiệm hữu hạn Kyung Rhim Vina có đơn đề nghị xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm đối với bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật số475/KDTM-ST ngày 21/9/2006 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh .

    Tại Quyết định số05/KN-VKSTC-V12 ngày 28/3/2008, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhận định:

    Về thủ tục tố tụng:

    Bản án xác định GFT là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là không đúng. Lẽ ra trong trường hợp này Tòa án phải trả lại đơn khởi kiện và hướng dẫn TFS khởi kiện GFT mới đúng quan hệ pháp luật.

    Về nội dung:

    - Bản án sơ thẩm áp dụng Điều 59 Luật hàng không dân dụng năm 2001, có hiệu lực từ 01/6/2002 để xét xử là không chính xác vì không có đạo luật này.

    - Việc áp dụng Luật hàng không dân dụng để điều chỉnh quan hệ giữa TFS và KRV là không chính xác, mà phải áp dụng Bộ luật dân sự 1995 tại các Điều 538, khoản 1 Điều 541. Quan hệ giữa TFS và Hãng hàng không trực tiếp vận chuyển lô hàng mới thuộc sự điều chỉnh của Luật hàng không dân dụng.

    Với những nhận định trên, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số475/KDTM-ST ngày 21/9/2006 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Đề nghị Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tối cao xử giám đốc thẩm, hủy bản án sơ thẩm nêu trên, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.

    XÉT THẤY

    1. Về thủ tục tố tụng:

    - Về việc xác định tư cách tham gia tố tụng của các đương sự:

    Tòa án cấp sơ thẩm xác định TFS (người khởi kiện) là nguyên đơn, KRV (người bị nguyên đơn khởi kiện) là bị đơn và GFT (người không khởi kiện, không bị kiện nhưng nguyên đơn đề nghị tham gia tố tụng) là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là đúng với quy định tại Điều 56 BLTTDS. Tòa án không được tùy tiện thay đổi tư cách tham gia tố tụng của các đương sự.

    Tòa án cấp sơ thẩm không trả lại đơn khởi kiện, mà tiến hành thụ lý giải quyết vụ án là đúng với quy định tại khoản 1 Điều 168 BLTTDS.

    Vì vậy, không có căn cứ để chấp nhận quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về phần này của Quyết định kháng nghị.

    - Về giá trị chứng cứ của các tài liệu có trong hồ sơ vụ án:

    Hầu hết các tài liệu có trong hồ sơ vụ án không có giá trị chứng cứ vì không được giao nộp, thu thập theo trình tự, thủ tục quy định tại BLTTDS (Điều 81). Cụ thể: Hầu hết các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đều là các bản sao không có công chứng, chứng thực hợp pháp (vi phạm khoản 1 Điều 83 BLTTDS); Hầu hết các bản dịch có trong hồ sơ vụ án đều được dịch từ các bản sao không hợp pháp trên và đều không được công chứng, chứng thực dịch thuật hợp pháp (vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 84 BLTTDS).

    2. Về nội dung:

    - Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng Luật hàng không dân dụng 2001, có hiệu lực pháp luật từ 01/6/2002 để giải quyết vụ án là không đúng, không có đạo luật này. Trên thực tế chỉ có Luật hàng không dân dụng 1991, có hiệu lực từ ngày 01/6/1992. Đến năm 1995, Luật này được sửa đổi bổ sung và sau này được thay thế bằng Luật hàng không dân dụng năm 2006.

    - Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ giữa KRV và TFS là quan hệ hợp đồng vận chuyển hàng không, để rồi áp dụng Luật hàng không dân dụng trong giải quyết vụ án là không đúng. Trong vụ án này, chính TFS mới là “người gửi hàng” ký hợp đồng vận chuyển với Hãng hàng không (“người vận chuyển”) và đã thanh toán cho họ cước phí vận chuyển (BL.110). Trong mối quan hệ với KRV, TFS không phải là Hãng hàng không làm nhiệm vụ vận chuyển, mà là “người làm dịch vụ giao nhận hàng hóa”. Ngay tại đơn khởi kiện (BL.148), TFS đã xác nhận rõ quan hệ tranh chấp là quan hệ “hợp đồng dịch vụ giao nhận hàng hóa” được giao kết vào ngày 28/02/2004. Vận đơn hàng không số TFS-400053 ngày 03/3/2004 (BL.78-73) mà TFS cấp cho KRV thực chất chỉ là loại “vận đơn thứ cấp” như quy định tại Điều 141 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 (tham khảo). Vì vậy, luật nội dung điều chỉnh quan hệ tranh chấp phải là Luật Thương mại 1997 (có hiệu lực pháp luật từ ngày 01/01/1998 đến hết ngày 31/12/2005), cụ thể là các quy định về hành vi thương mại “Dịch vụ giao nhận hàng hóa” từ Điều 163 đến Điều 171.

    Khoản 4 Điều 167 Luật Thương mại 1997 quy định: “Người làm dịch vụ giao nhận hàng hóa có những quyền và nghĩa vụ sau đây:

    Sau khi ký kết hợp đồng, nếu xảy ra trường hợp có thể dẫn đến việc không thực hiện được toàn bộ hoặc một phần những chỉ dẫn của khách hàng thì phải thông báo ngay cho khách hàng biết để xin chỉ dẫn thêm”.

    Tại phiếu yêu cầu chuyên chở ngày 26/02/2004 gửi cho TFS (BL.54-51), KRV đã “chỉ dẫn” rõ “cước phí trả trước bởi Công ty G.F Textile Hàn Quốc ”. Ngày 28/02/2004, TFS gửi thông báo cho KRV , xác nhận đã đặt chỗ cho lô hàng cần vận chuyển của KRV. Như vậy, hợp đồng kinh tế bằng “tài liệu giao dịch” (như quy định tại Điều 11 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế) đã được ký kết giữa KRV và TFS , với điều khoản thanh toán được thỏa thuận là “cước phí trả trước bởi Công ty G.F Textile Hàn Quốc”. Tuy nhiên, khi thực hiện nghĩa vụ vận chuyển lô hàng trên vào ngày 03/3/2004, TFS vẫn chưa được GFT thanh toán tiền cước phí, “không thực hiện được toàn bộ chỉ dẫn của khách hàng”, nhưng TFS đã không thông báo cho KRV để xin chỉ dẫn thêm như quy định tại khoản 4 Điều 167 Luật Thương mại 1997 đã dẫn chiếu trên (chỉ đến ngảy 21/10/2004, TFS mới có thư điện tử (BL.80) thông báo việc không được thanh toán đủ cho KRV).

    Khoản 7 Điều 168 Luật Thương mại 1997 quy định: “Khách hàng có những quyền và nghĩa vụ sau đây:

    Bồi thường thiệt hại, trả các chi phí phát sinh cho người làm dịch vụ giao nhận hàng hóa nếu người đó đã thực hiện đúng chỉ dẫn của khách hàng hoặc do lỗi của khách hàng gây ra”.

    Việc không nhận được đẩy đủ cước phí vận chuyển trên vận đơn thứ cấp hoàn toàn do lỗi “Không thực hiện đúng chỉ dẫn của khách hàng” của TFS. Không có lỗi của KRV. Theo quy định tại khoản 7 Điều 168 Luật Thương mại 1997 đã dẫn chiếu trên, KRV không có nghĩa vụ trả cho TFS số tiền cước phí vận chuyển còn thiếu.

    Theo các tài liệu có trong hồ sơ thấy: Trước khi KRV có yêu cầu vận chuyển gửi cho TFS vào ngày 26/02/2004 thì từ ngày 09/02/2004, giữa GFT và TFS đã có thỏa thuận với nhau về việc vận chuyển lô hàng này với điều kiện cước phí trả trước (BL.203-201). Khi không được thanh toán, TFS đã lập “Phiếu ghi nợ” cho G.F TEXTILE INC Hàn Quốc (BL.63) chứ không phải là KRV. Tại phiên tòa sơ thẩm (BL.162, 161) đại diện của TFS xác nhận “ngay sau khi liên lạc với phía Công ty GFT không được thanh toán, chúng tôi đòi Công ty trách nhiệm hữu hạn Kyung Rhim Vina qua Email ngày 21/10/2004. Như vậy, tại thời điểm giao kết, thực hiện hợp đồng và hơn bảy tháng sau ngày vận chuyển lô hàng, TFS đã xác định rõ người có trách nhiệm trả tiền cho mình là GFT chứ không phải là KRV. Chỉ sau khi gặp rủi ro do không thực hiện đúng thỏa thuận “cước phí trả trước bởi Công ty G.F Textile Hàn Quốc ” trên hợp đồng và vận đơn thứ cấp, TFS mới tìm đến người yêu cầu vận chuyển là KRV để đòi tiền.

    Từ những nhận định trên,

    Căn cứ vào khoản 2 Điều 291; khoản 3 Điều 297 và khoản 1, 2 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự;

    QUYẾT ĐỊNH

    Chấp nhận yêu cầu kháng nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

    Hủy bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số475/KDTM-ST ngày 21/9/2006 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, giao hố sơ vụ án về Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

    Quyết đinh giám đốc này có hiệu lực pháp luật.

    T/M.HỘI ĐỒNG GIÁM ĐỐC THẨM

    THẨM PHÁN-CHỦ TỌA

    Bùi Huy Tiến

    (Đã ký)



     

    Nơi nhận:

    - Các đương sự ;

    - TAND TP.Hồ Chí Minh (kèm theo hồ sơ);

    - Vụ 12 VKSNDTC;

    - THA dân sự TP.Hồ Chí Minh;

    - Đ/C Phó Chánh án TANDTC Từ Văn Nhũ (để b/c);

    - Lưu: VP, TKT TANDTC.

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 25/05/2013 10:49:40 SA
     
    3592 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận