Số hiệu
|
04/2007/KDTM-GĐT
|
Tiêu đề
|
Quyết định giám đốc thẩm số:04/2007/KDTM-GĐT ngày 14 tháng 8 năm 2007 về việc tranh chấp hợp đồng
|
Ngày ban hành
|
14/08/2007
|
Cấp xét xử
|
Giám đốc thẩm
|
Lĩnh vực
|
Kinh tế
|
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
TÒA KINH TẾ
------------------
Quyết định giám đốc thẩm
Số:04/2007/KDTM-GĐT
Ngày 14 tháng 8 năm 2007
V/v: tranh chấp hợp đồng
Mua bán hàng hóa
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------------------------
|
NHÂN DANH
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TÒA KINH TẾ
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO TẠI HÀ NỘI
Với thành phần Hội đồng giám đốc thẩm gồm có:
Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa: Bà Bùi Thị Hải;
Các Thẩm phán: Ông Đỗ Cao Thắng;
Ông Hà Tiến Triển.
Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên tòa: Ông Nguyễn Văn Quang, Thẩm tra viên chính Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tối cao.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham gia phiên tòa: Bà Vũ Thị Thanh Nga-Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Họp phiên tòa ngày 14 tháng 8 năm 2007, tại trụ sở Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tối cao, để giám đốc thẩm vụ án kinh doanh thương mại về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Công ty xuất nhập khẩu thiết bị toàn bộ và kỹ thuật.
Trụ sở tại: 16-18 phố Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội;
Có ông Doãn Xuân Huy, Trưởng phòng Phòng xuất nhập khẩu 5 làm đại diện theo ủy quyền của Tổng giám đốc Công ty.
Bị đơn: Công ty thiết kế và chuyển giao công nghệ cơ khí, có trụ sở tại số 4, Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội; có bà Phạm Thu Hằng đại diện theo Giấy ủy quyền số37/UQ-CTCK ngày 17/5/2006 của Giám đốc Công ty.
Do có Quyết định kháng nghị số 09/QĐ/KN-AKT ngày 10/05/2007 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số48/2006/KDTM-ST ngày 21/6/2006 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội .
NHẬN THẤY
Ngày 18/7/2001 Trung tâm thiết kế chế tạo và chuyển giao công nghệ cơ khí (nay là Công ty thiết kế và chuyển giao công nghệ cơ khí) do ông Nguyễn Huy Hiếu, chức vụ giám đốc làm đại diện (gọi tắt là bên A) và Công ty xuất nhập khẩu thiết bị toàn bộ (nay là Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thiết bị toàn bộ) do ông Doãn Xuân Huy, chức vụ Phó trưởng phòng Phòng xuất nhập khẩu 5 làm đại diện, theo giấy ủy quyền số 06/BP5 ngày 18/7/2001 của Tổng giám đốc Phan Mai Phương (gọi tắt là bên B), đã cùng nhau ký kết hợp đồng kinh tế số 06/2001/HĐKT với nội dung chính như sau: Bên B bán cho bên A một dàn máy nghiền sàng đá SMD 186-187 đồng bộ do SNG chế tạo, công suất 33m3/h mới chưa qua sử dụng và 3 bộ khung băng tải thành phẩm dài 15m; 200m dây băng tải cao su với tổng giá trị hợp đồng là 1.052.100.000 đồng (đã bao gồm thuế VAT 5%). Thanh toán trong vòng 4 tháng kể từ ngày nhận máy; nếu thanh toán chậm bên A phải trả lãi phạt chậm trả theo quy định của Ngân hàng. Quá 4 tháng mà bên A không thanh toán được thì bên B có quyền lấy lại máy và bên A phải thanh toán các chi phí phát sinh cùng với giá trị khấu hao trong thời gian sử dụng.
Ngày 19/7/2001 ba bên gồm bên A, bên B và Công ty Khoa Đô đã lập biên bản bàn giao nhận dàn máy và các phụ kiện đi kèm tại kho của Công ty Khoa Đô ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Bên A đã thanh toán cho bên B được 617.800.000 đồng, còn nợ chưa trả là 434.300.000 đồng.
Ngày 24/10/2002, bên A có công văn số 85/CV/2002 CTTK gửi bên B đề nghị thu hồi lại dàn máy theo Điều 4 của hợp đồng (BL.42).
Ngày 04/11/2002 bên B có công văn số 645/P5 gửi Viện trưởng Viện nghiên cứu cơ khí Bộ Công nghiệp (cơ quan chủ quản của bên A) và bên A không đồng ý nhận lại máy và yêu cầu bên A trả đủ số tiền còn nợ (BL 57).
Ngày 30/10/2005 bên B có đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, đề nghị can thiệp giải quyết.
Ngày 21/11/2005 Tòa án nhân dân quận Đống Đa, thành phố Hà Nội thụ lý vụ án.
Ngày 07/4/2006 Tòa án nhân dân quận Đống Đa, thành phố Hà Nội ra Quyết định số 07 chuyển vụ án cho Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy để giải quyết theo thẩm quyền (BL 87).
Ngày 21/4/2006 Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy thụ lý vụ án.
Ngày 25/4/2006 Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy có Quyết định số 01/QĐCVA chuyển vụ án cho Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để giải quyết theo thẩm quyền.
Tại Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số48/2006/KDTM-ST ngày 21/6/2006, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định:
Công ty cổ phần thiết kế và chuyển giao công nghệ cơ khí thanh toán trả Công ty xuất nhập khẩu thiết bị toàn bộ và kỹ thuật tiền hàng còn thiếu của hợp đồng kinh tế số 06/2001/HĐKT ngày 18/7/2001 là 434.300.000 đồng và lãi suất của số tiền trên là 165.700.000 đồng. Cộng lại là 600.000.000 đồng, được trả thành 4 kỳ, kỳ đầu tiên là ngày 21/7/2006, kỳ cuối cùng là ngày 21/10/2006, mỗi kỳ trả 150.000.000 đồng. Nếu Công ty cổ phần thiết kế và chuyển giao công nghệ cơ khí vi phạm bất kỳ kỳ hạn trả nợ nào thì phải chịu lãi theo mức lãi suất tín dụng quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định cho kỳ hạn chậm trả đó. Ngoài ra, Tòa án còn quyết định về án phí.
Sau khi có Quyết định số48/2006/KDTM-ST nêu trên của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Công ty cổ phần thiết kế và chuyển giao công nghệ cơ khí có nhiều đơn khiếu nại đề nghị xem xét lai vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.
Tại Quyết định kháng nghị số 09/QĐ/KN-AKT ngày 10/05/2007 đối với Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số48/2006/KDTM-ST ngày 21/6/2006 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng: Hủy Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số48/2006/KDTM-ST ngày 21/6/2006 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội , giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội giải quyết theo quy định của pháp luật với nhận định:
Ngày 04/11/2002 Công ty xuất nhập khẩu thiết bị toàn bộ và kỹ thuật có công văn số 645/P5 gửi ông Viện trưởng Viện nghiên cứu cơ khí Bộ Công nghiệp (cơ quan chủ quản của Công ty cổ phần thương mại và chế biến nông sản/Công ty cổ phần thiết kế và chuyển giao công nghệ cơ khí) và Công ty cổ phần thương mại và chế biến nông sản/Công ty cổ phần thiết kế và chuyển giao công nghệ cơ khí với nội dung: Không nhất trí nhận lại máy và yêu cầu Công ty cổ phần thương mại và chế biến nông sản/Công ty cổ phần thiết kế và chuyển giao công nghệ cơ khí phải trả hết số tiền mua máy cho Công ty xuất nhập khẩu thiết bị toàn bộ và kỹ thuật. Căn cứ Điều 159 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 thì thời điểm ngày 04/11/2002 được tính là thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện nhưng đến 30/10/2005 Công ty xuất nhập khẩu thiết bị toàn bộ và kỹ thuật mới làm đơn khởi kiện là đã hết thời hiệu khởi kiện theo Điều 159 Bộ luật tố tụng dân sự, cụ thể tại tiết a, khoản 2 Điều 159 quy định: “thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự là 2 năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm”. Việc Tòa án nhân dân quận Đống Đa thụ lý theo đơn khởi kiện của Công ty xuất nhập khẩu thiết bị toàn bộ và kỹ thuật là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, vi phạm Điều 159 Bộ luật tố tụng dân sự đã viện dẫn trên.
Trong quá trình giải quyết vụ án, Công ty cổ phần thương mại và chế biến nông sản/Công ty cổ phần thiết kế và chuyển giao công nghệ cơ khí đều thể hiện ý chí thanh lý hợp đồng, trả lại máy hoặc trả tiếp phần nợ còn lại là 434.300.000 đồng cho Công ty xuất nhập khẩu thiết bị toàn bộ và kỹ thuật chỉ yêu cầu không tính lãi. Công ty cổ phần thương mại và chế biến nông sản/Công ty cổ phần thiết kế và chuyển giao công nghệ cơ khí ủy quyền cho người đại diện để thực hiện ý chí này nhưng người được ủy quyền đã không thực hiện đúng yêu cầu, ý chí và quyền lợi của người ủy quyền.
Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nêu quan điểm quyền khởi kiện và thời hiệu khởi kiện áp dụng theo quy định tại Điều 241 và 242 Luật Thương mại 1997, đề nghị Hội đồng xét xử giám đốc thẩm hủy Quyết định số48/2006/KDTM-ST của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội ; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm xác minh lại, nếu nguyên đơn đã mất quyền khởi kiện thì phải đình chỉ việc giải quyết vụ án.
XÉT THẤY
Hợp đồng kinh tế số 06/2001/HĐKT ngày 18/7/2001 về mua bán dàn máy giữa Trung tâm thiết kế chế tạo và chuyển giao công nghệ cơ khí (nay là Công ty cổ phần thiết kế và chuyển giao công nghệ cơ khí) và Công ty xuất nhập khẩu thiết bị toàn bộ và kỹ thuật là hợp đồng mua bán hàng hóa; do đó quyền khởi kiện và thời hiệu khởi kiện trong vụ án này phải theo quy định tại Điều 241 và Điều 242 Luật Thương mại 1997.
Tại khoản 1 Điều 241 Luật Thương mại 1997 quy định: “thời hạn khiếu nại là thời hạn mà bên có quyền lợi vi phạm có quyền khiếu nại đối với bên vi phạm. Quá thời hạn khiếu nại, bên có quyền lợi bị vi phạm mất quyền khởi kiện tại Trọng tài, Tòa án có thẩm quyền”.
Theo quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 242 Luật Thương mại 1997 và Nghị quyết số746/2005/NQ-UBTVQH 11 ngày 28/01/2005 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc giải thích điểm c, khoản 2 Điều 241 Luật Thương mại năm 1997 thì: “thời hiệu khiếu nại về nghĩa vụ thanh toán là 3 tháng kể từ khi bên vi phạm phải hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng”.
Căn cứ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thì thấy: ngày 19/7/2001 các bên lập biên bản giao nhận giàn máy; theo thỏa thuận tại hợp đồng thì thời hạn thanh toán trong vòng 4 tháng kể từ ngày nhận máy. Sau thời hạn đó đến ngày 19/02/2002 nguyên đơn không có khiếu nại hay công văn đòi thanh toán tiền dàn máy nghiền sàng đá. Tới ngày 04/11/2002 nguyên đơn mới có công văn số 646/P5 (BL 57) gửi Viện trưởng Viện nghiên cứu cơ khí Bộ Công nghiệp và bị đơn có nội dung không đồng ý nhận lại máy và yêu cầu bị đơn trả đủ số tiền còn nợ là đã quá thời hạn khiếu nại theo quy định của pháp luật. Tòa án cấp sơ thẩm chưa xác định làm rõ việc nguyên đơn có khiếu nại trong thời hạn quy định tại điểm Công ty cổ phần thiết kế và chuyển giao công nghệ cơ khí khoản 2 Điều 41 Luật Thương mại 1997 hay không để xác định quyền khởi kiện và thời hiệu khởi kiện của nguyên đơn theo quy định của pháp luật mà đã chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn để thụ lý và giải quyết vụ án là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Mặt khác, trong quá trình giải quyết vụ án bị đơn chỉ thể hiện ý chí trả lại máy hoặc trả số tiền còn lại cho bị đơn với yêu cầu không tính lãi. Sau đó, bị đơn đã ủy quyền bà Phạm Thu Hằng đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích của mình tại Tòa án, nhưng người được ủy quyền đã không thực hiện yêu cầu và ý chí đó, gây thiệt hại đến lợi ích của bị đơn.
Bởi các lẽ trên và căn cứ vào khoản 3 Điều 297 và Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự,
QUYẾT ĐỊNH
Hủy Quyết định số48/2006/KDTM-ST ngày 21/6/2006 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội công nhận sự thỏa thuận của các đương sự giữa nguyên đơn là Công ty xuất nhập khẩu thiết bị toàn bộ và kỹ thuật với bị đơn là Công ty cổ phần thiết kế và chuyển giao công nghệ cơ khí; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật.
CÁC THẨM PHÁN
Đỗ Cao Thắng Hà Tiến Triển
(Đã ký) (Đã ký)
THẨM PHÁN-CHỦ TỌA PHIÊN TÒA
Bùi Thị Hải
(Đã ký)