Quyết định Giám đốc thẩm số 03/HĐTP- dS ngày 27-01-2005 về vụ án “đòi nhà”

Chủ đề   RSS   
  • #264778 28/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định Giám đốc thẩm số 03/HĐTP- dS ngày 27-01-2005 về vụ án “đòi nhà”

    Số hiệu

    03/HĐTP-DS

    Tiêu đề

    Quyết định Giám đốc thẩm số03/HĐTP- dS ngày 27-01-2005 về vụ án “đòi nhà”

    Ngày ban hành

    27/01/2005

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Dân sự

     

    Quyết định Giám đốc thẩm số03/HĐTP- dS

    ngày 27-01-2005 về vụ án “đòi nhà”

     

    Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao

    ...

    Ngày 27 tháng 1 năm 2005, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao, đã xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án dân sự đòi nhà giữa các đương sự:

    Nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn Quế, sinh năm 1925.

    ủy quyền cho bà Huỳnh Thị Muông, sinh năm 1926

    Trú tại: Số 14/15 Cách Mạng Tháng Tám, phường 15, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.

    Bị đơn: Ông Đỗ Văn Mừng, sinh năm 1939 (đã chết).

    Có những người thừa kế quyền và nghĩa vụ theo luật định tham gia tố tụng: Bà Nguyễn Thị Thành, ông Đỗ Văn Nhiều, bà Đỗ Thị Kim Vân, ông Đỗ Văn Tấn, bà Đỗ Thị Kim Vui.

    Trú tại: Số 79/1 Nguyễn Thị Nhỏ, phường 9, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.

    Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

    Bà Trần Thị Hoàng Mai, sinh năm 1954;

    Trú tại: Số 98 D6 Quang Trung, phường 11, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh.

    Nhận thấy:

    Bà Nguyễn Thị Bé (bà Bé có chồng là ông Nguyễn Văn Trầm) mua căn nhà số 3 Lam Sơn, phường 5, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh của ông Đào Văn Nhơn. Ông Trầm và bà Bé có một người con là ông Nguyễn Văn Quế, ông Quế lấy vợ là bà Hoàng Thị Đủ và vợ chồng ông Quế cùng ở căn nhà này với vợ chồng ông Trầm. Năm 1969 bà Bé chết, không để lại di chúc. Năm 1978 ông Quế thuộc diện cải tạo, nên Nhà nước thu hồi căn nhà số 3 Lam Sơn, phường 5, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1979 ông Quế vượt biên định cư tại nước Bỉ. Năm 1982 ông Trầm có đơn khiếu nại xin lại căn nhà số 3 Lam Sơn, phường 5, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1983, bà Đủ xuất cảnh sang nước Bỉ.

    Ngày 02-8-1991, ông Trầm ủy quyền cho cháu là ông Đỗ Văn Mừng liên hệ với các cơ quan chức năng về việc xin lại căn nhà số 3 Lam Sơn, phường 5, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh và cùng ngày 02-8-1991 cũng có giấy ủy quyền khác đứng tên ông Trầm, có nội dung: ông Trầm ủy quyền cho ông Mừng “đến liên hệ với các cơ quan chức năng về việc xin lại căn nhà số 3 Lam Sơn, phường 5, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh, nếu thủ tục xong cháu tôi được quyền bán nhà đất nêu trên”. Hai tờ ủy quyền này đều có xác nhận của ủy ban nhân dân phường Nguyễn Thái Bình.

    Tại Quyết định số878/QĐ-UB ngày 28-11-1991, ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định trả lại căn nhà số 3 Lam Sơn, phường 5, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh cho ông Trầm. Ngày 23-12-1991 ông Trầm ủy quyền cho ông Mừng nhận thay căn nhà này, giấy ủy quyền có xác nhận của ủy ban nhân dân phường Nguyễn Thái Bình.

    Ngày 30-1-1992 ông Trầm có đơn đề nghị ủy ban nhân dân phường Nguyễn Thái Bình được bán căn nhà số 3 Lam Sơn, phường 5, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh, có xác nhận ủy ban nhân dân phường.

    Tại giấy tiêu đề “hợp đồng mua bán nhà” ngày 24-1-1992, không có xác nhận của chính quyền địa phương, với nội dung: Chúng tôi gồm bên bán ông Trầm và cháu là ông Đỗ Văn Mừng... “người được ông Trầm ủy quyền... 
    ngày 02-8-1991 đứng ra lo thủ tục bán nhà, nhận vàng và ký hợp đồng bán nhà. Bên mua là bà Trần Thị Hoàng Mai... Hai bên cùng nhau ký kết hợp đồng mua bán căn nhà số 3 Lam Sơn, phường 5, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh, với giá 160 lượng, 8 chỉ vàng, bên mua đặt cọc trước 10 lượng 8 chỉ vàng. Hai bên cam kết, tiến hành làm thủ tục mua bán nhà trong vòng 2 ngày có xác nhận của chính quyền địa phương, bên mua thanh toán 70 lượng vàng khi ủy ban phường 5, quận Phú Nhuận chứng thực hai bên ký vào hợp đồng mua bán, còn 80 lượng vàng còn lại bên mua giao cho bên bán, sau khi các bên hoàn tất thủ tục mua bán. Nếu bên mua không mua, bên bán không bán thì bị mất tiền cọc, giấy mua bán này có chữ ký của ông Mừng, ông Trầm, bà Mai”.

    Thực hiện việc mua bán ngày 24-1-1992, phía bà Mai đã giao cho ông Mừng 10 lượng 8 chỉ vàng và trong hồ sơ có hợp đồng mua bán nhà theo mẫu của ủy ban nhân dân, đề ngày 24-1-1992, với nội dung: ông Trầm và bà Mai xác lập hợp đồng mua bán căn nhà số 3 Lam Sơn, phường 5, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh, diện tích 144 m2, lợp ngói âm dương, vách gạch, trên tổng diện tích đất là 694m2, với giá 204.000.000 đồng. Hợp đồng này có đại diện ủy ban nhân dân phường 5 xác nhận: ông Trầm và bà Mai ký trước mắt Uỷ ban nhân dân về việc mua bán căn nhà, kính chuyển Phòng xây dựng quận nghiên cứu giải quyết. Ngày 28-1-1992 bà Mai giao tiếp cho ông Mừng 70 lượng vàng.

    Ngày 25-2-1992, Giám đốc Sở Nhà đất thành phố Hồ Chí Minh cho ông Trầm được bán căn nhà số 3 Lam Sơn, phường 5, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh cho bà Mai. Ngày 11-3-1992, ông Trầm và bà Mai nộp thuế trước bạ. Ngày 15-3-1992 ông Mừng nhận 80 lượng vàng của bà Mai. Bà Mai nhận căn nhà số 3 Lam Sơn, phường 5, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh. Theo bà Mai thì ông Trầm và ông Mừng là người giao nhà 3 Lam Sơn, phường 5, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh cho bà Mai vào ngày 26-2-1992.

    Ngày 11-7-1994, ông Trầm có đơn gửi Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh “khiếu nại về việc ông bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân”, với nội dung: ông Mừng là cháu, gọi ông bằng dượng đã lợi dụng ông già (83 tuổi), bị lòa mắt, liệt hai chân từ năm 1991, nên đã đưa giấy tờ bán căn nhà số 3 Lam Sơn, phường 5, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh, nhưng lại nói giấy tờ xin nhà để ông ký và ông Mừng đã nhận tiền cọc và kể cả tiền bán nhà rồi chiếm đoạt luôn, không cho ông biết. Còn bà Mai và ông Mừng cho rằng việc mua bán nhà giữa bà Mai và ông Trầm, ông Quế hoàn toàn tự nguyện. Việc ông Quế đồng ý bán nhà thể hiện qua hai bức thư bà Đủ viết cho ông Mừng, đề nghị công nhận hợp đồng.

    Ngày 24-8-1994, ông Trầm ủy quyền cho bà Huỳnh Thị Đủ và bà Huỳnh Thị Muông đại diện trước Toà án nhân dân. Ngày 15-11-1994, ông Trầm chết, ông Quế (con của ông Trầm, bà Bé) đứng tư cách nguyên đơn ủy quyền cho bà Đủ đại diện.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 13/DSST ngày 29-3-1995, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

    Bác yêu cầu của ông Nguyễn Văn Quế do bà Huỳnh Thị Đủ đại diện đòi bà Trần Thị Hoàng Mai và ông Đỗ Văn Mừng phải trả lại căn nhà số 3 Lam Sơn, phường 5, quận Phú Nhuận;

    Việc mua bán nhà nói trên giữa bà Mai và ông Trầm vào năm 1992 là hợp pháp;

    Tách yêu cầu đòi tiền bán nhà của ông Quế với ông Mừng thành một vụ kiện khác, giữ lại Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giải quyết sơ thẩm theo thẩm quyền;

    Giữ nguyên quyết định số 67/QĐKB ngày 18-3-1995 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc kê biên căn nhà số 79/1 Nguyễn Thị Nhỏ phường 24, quận Tân Bình (nay là phường 9, quận Tân Bình) cho đến khi có quyết định khác...

    Ngày 12-4-1995 bà Huỳnh Thị Đủ có đơn kháng cáo.

    Tại bản án dân sự phúc thẩm số 159/DSPT ngày 04-8-1995, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

    Huỷ bản án dân sự sơ thẩm số 13/DSST ngày 29-3-1995 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc tranh chấp “đòi nhà” giữa ông Nguyễn Văn Quế với ông Đỗ Văn Mừng để điều tra xét xử lại.

    Tại bản án dân sự sơ thẩm số 29/DSST ngày 03-4-1997, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

    Chấp nhận yêu cầu của ông Nguyễn Văn Quế do bà Huỳnh Thị Muông đại diện, xử:

    Huỷ bỏ việc mua bán căn nhà số 3 Lam Sơn, phường 5, quận Phú Nhuận giữa ông Nguyễn Văn Trầm và bà Trần Thị Hoàng Mai;

    Buộc bà Trần Thị Hoàng Mai giao trả căn nhà này cho ông Nguyễn Văn Quế, có bà Huỳnh Thị Muông đại diện nhận;

    Buộc ông Nguyễn Văn Quế do bà Muông đại diện phải giao cho bà Mai 47,61 lượng vàng 9999 ngay sau khi nhận lại căn nhà nêu trên;

    Buộc ông Đỗ Văn Mừng giao cho bà Mai 733,02 lượng vàng 9999.

    Bà Huỳnh Thị Muông căn cứ vào bản án này được quyền liên hệ các cơ quan chức năng để thực hiện thủ tục xin đứng tên quản lý căn nhà số 3 Lam Sơn, phường 5, quận Phú Nhuận cho ông Quế và chịu mọi khoản thuế theo quy định;

    Các đương sự thi hành việc giao nhận vàng, nhà và giấy tờ nhà kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật;

    Duy trì Quyết định kê biên bảo thủ tài sản số 67/QĐKB ngày 18-3-1995 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc kê biên căn nhà số 79/1 Nguyễn Thị Nhỏ, phường 24, quận Tân Bình (nay là phường 9, quận Tân Bình) để đảm bảo việc thi hành án;

    án phí dân sự sơ thẩm, ông Mừng phải chịu 30.738.402 đồng và hoàn tạm nộp án phí sơ thẩm cho nguyên đơn.

    Ngày 8-4-1997, bà Mai có đơn kháng cáo.

    Ngày 10-4-1997, ông Mừng có đơn kháng cáo.

    Ngày 12-4-1997, bà Muông có đơn kháng cáo.

    Ngày 17-6-1998, ông Mừng chết.

     

    Tại Quyết định số 14/DSPT ngày 14-02-1998, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định: Tạm đình chỉ giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm.

    Tại bản án số 319/PTDS ngày 13-12-2002, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

    Bác yêu cầu kháng cáo của bà Trần Thị Hoàng Mai, ông Đỗ Văn Mừng, chấp nhận việc rút yêu cầu kháng cáo của bà Huỳnh Thị Đủ do bà Huỳnh Thị Muông làm đại diện và căn cứ giám định lại về giá nhà đất để sửa quyết định của án sơ thẩm.

    Chấp nhận yêu cầu của ông Nguyễn Văn Quế do bà Huỳnh Thị Muông làm đại diện, xử:

    Huỷ bỏ việc mua bán căn nhà số 3 Lam Sơn, phường 5, quận Phú Nhuận giữa ông Nguyễn Văn Trầm và bà Trần Thị Hoàng Mai;

    Buộc bà Trần Thị Hoàng Mai giao trả căn nhà số 3 Lam Sơn, phường 5, quận Phú Nhuận cùng toàn bộ giấy tờ chủ quyền căn nhà này cho ông Nguyễn Văn Quế có bà Huỳnh Thị Muông đại diện nhận;

    Buộc ông Nguyễn Văn Quế do bà Huỳnh Thị Muông làm đại diệm phải giao cho bà Mai 119,11 lượng vàng JSC ngay sau khi nhận căn nhà nêu trên;

    Buộc ông Đỗ Văn Mừng (đã chết) có bà Thành và các con chung Đỗ Văn Tấn, Đỗ Văn Nhiều, Đỗ Thị Kim Vân, Đỗ Thị Kim Vui là các đại diện thừa kế quyền và nghĩa vụ theo luật định giao cho bà Mai 1.833,49 lượng vàng JSC.

    Bà Huỳnh Thị Muông căn cứ vào bản án này được quyền liên hệ các cơ quan chức năng để thực hiện thủ tục xin đứng tên quản lý căn nhà số 3 Lam Sơn, phường 5, quận Phú Nhuận cho ông Quế và chịu mọi khoản thuế theo quy định;

    Các đương sự thi hành việc giao nhận vàng, nhà và giấy tờ nhà kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật;

    Duy trì Quyết định kê biên bảo thủ tài sản số 67/QĐKB ngày 18-3-1995 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc kê biên căn nhà số 79/1 Nguyễn Thị Nhỏ, phường 24, quận Tân Bình (nay là phường 9, quận Tân Bình) để đảm bảo việc thi hành án.

    Các bên không phải chịu án phí phúc thẩm;

    án phí dân sự sơ thẩm, bà Muông đại diện ông Quế chịu thay cho ông Mừng là 38.055.944 đồng, được cấn trừ tiền tạm ứng án phí và tạm ứng án phí kháng cáo đã nộp theo biên lai số 000434 ngày 11-4-1997, số 427 ngày 12-7-1994 của Phòng thi hành án thành phố Hồ Chí Minh tổng số tiền 2.550.000 đồng, nên còn phải nộp 35.505.944 đồng;

    Ông Đỗ Văn Mừng (đã chết) có bà Thành và các con chung Đỗ Văn Tấn, Đỗ Văn Nhiều, Đỗ Thị Kim Vân, Đỗ Thị Kim Vui là các đại diện thừa kế quyền và nghĩa vụ theo luật định được nhận lại tiền tạm ứng án phí kháng cáo đã nộp là 50.000 đồng theo biên lai thu tiền số 000428 ngày 10-4-1997 của Phòng thi hành án thành phố Hồ Chí Minh.

    Bà Trần Thị Hoàng Mai được nhận lại tiền tạm ứng án phí kháng cáo đã nộp là 50.000 đồng, theo biên lai thu tiền số 000425 ngày 9-4-1997 của Phòng thi hành án thành phố Hồ Chí Minh.

    Sau khi xét xử phúc thẩm, bà Trần Thị Hoàng Mai, bà Nguyễn Thị Thành, ông Đỗ Văn Nhiều, bà Đỗ Thị Kim Vân, ông Đỗ Văn Tấn có đơn khiếu nại.

    Tại công văn số 72CV/DS ngày 15-1-2004 Toà án nhân dân tối cao trả lời đơn khiếu nại của bà Trần Thị Hoàng Mai, bà Nguyễn Thị Thành, ông Đỗ Văn Nhiều, bà Đỗ Thị Kim Vân, ông Đỗ Văn Tấn không có cơ sở chấp nhận các yêu cầu của các ông, bà nêu trong đơn khiếu nại.

    Tại quyết định số87/KN-VKSTC-V5 ngày 21-12-2004, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số 319/PTDS 
    ngày 13-12-2002 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh, với nhận định: “trong quá trình xác minh Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm mới chỉ thu thập: giấy ủy quyền của cụ Trầm do ông Mừng xuất trình trong đó có nội dung sau khi xin được nhà cho phép ông Mừng bán nhà, mà không thu thập tờ ủy quyền (bản gốc) của cụ Trầm được lưu trữ tại cơ quan quản lý nhà đất và chỉ lập biên bản xác minh tại cơ quan quản lý nhà đất quận Phú Nhuận là thiếu sót. Mặt khác, Toà án cũng chưa làm rõ đâu là tài liệu lưu trữ nhà và đâu là hồ sơ chuyển dịch từ cụ Trầm sang bà Mai thông qua hợp đồng mua bán.

    Về bức thư bà Đủ (vợ ông Quế) từ Bỉ gửi về cho ông Mừng đề 
    ngày 27-3-1992 thể hiện nội dung: Bà Đủ biết việc ông Mừng bán nhà ở đường Chi Lăng nhưng không rõ căn nhà đó có trùng với nhà số 3 Lam Sơn hay không? mà án sơ thẩm và phúc thẩm đã khẳng định vợ chồng ông Quế, bà Đủ không biết việc ông Mừng bán nhà.

    Từ phân tích trên cho thấy chưa đủ cơ sở vững chắc khẳng định ông Mừng lừa dối cụ Trầm để bán nhà cho bà Mai, để ra quyết định huỷ hợp đồng mua bán nhà giữa cụ Trầm với bà Mai. Mặt khác, án sơ thẩm và phúc thẩm duy trì quyết định kê biên bảo thủ toàn bộ căn nhà số 79/1 Nguyễn Thị Nhỏ, phường 24 (nay là phường 9) quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh để đảm bảo thi hành án là không đúng, vì nhà trên thuộc sở hữu chung của vợ chồng ông Mừng, bà Thành và các con. Ngoài ra, Toà sơ thẩm, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh còn ra quyết định kê biên tài sản từ lúc ông Mừng còn sống đến khi xét xử phúc thẩm thì ông Mừng đã chết trước đó hơn bốn năm (17-6-1998) đã phát sinh thừa kế nhưng Toà án không tiến hành xem xét mà vẫn duy trì quyết định kê biên là thiếu sót”.

    Đề nghị Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng huỷ án phúc thẩm; giao hồ sơ về Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xác minh làm rõ nội dung trên xét xử lại theo thủ tục chung và huỷ quyết định kê biên tài sản nhà của gia đình ông Mừng.

    xét thấy:

    Trong hồ sơ có 2 tờ ủy quyền cùng ngày 02-8-1991 do ông Trầm ký ủy quyền cho ông Mừng với nội dung khác nhau: Một tờ chỉ ủy quyền xin lại nhà đất số 3 Lam Sơn còn tờ ủy quyền khác lại có thêm nội dung ủy quyền bán nhà đất nêu trên nếu xin được. Về việc này ông Mừng có nhiều lời khai khác nhau. Tại biên bản ngày 29-9-1994 ông Mừng khai ngày 02-8-1991 ông Trầm có ký ủy quyền cho ông đòi nhà đất và bán nhà đất, khi đó ông Trâm được con gái của ông Mừng và một người thợ dìu ra phường để ký xác nhận vào tờ ủy quyền này. Tại phiên Toà ngày 27-02-1995 ông Mừng lại khai ông Trầm làm cho ông 2 tờ ủy quyền, tờ thứ nhất ủy quyền đòi nhà đất số 3 Lam Sơn, tờ thứ hai ủy quyền đòi nhà đất và cho phép bán. Đến ngày 6-3-1995 ông Mừng lại khai rằng ông Trầm làm 3 tờ ủy quyền, có 2 tờ chỉ ủy quyền đòi nhà đất, còn tờ thứ 3 thì phần đầu là ủy quyền đòi nhà đất, đoạn ở dưới cho phép ông bán nhà đất nếu xin lại được; phần nội dung cho phép ông bán nhà đất là do ông cho đánh máy thêm vào bản chưa ký của tờ ủy quyền thứ 2, sau đó ông Trầm ký, còn việc ký ở nhà hay ở Uỷ ban nhân dân thì ông Mừng không nhớ. Tờ giấy ủy quyền này bản chính ông không nhớ đưa cho ai, ông Mừng chỉ xuất trình bản phô tô, nhưng tại lời khai ngày 27-2-1995, ông Mừng lại khai bản chính ông đưa cho ông Quế. Tại biên bản phiên Toà ngày 29-3-1995, ông Mừng khai chỉ đưa giấy ủy quyền cho bà Mai và phường xem. Tại biên bản lời khai ngày 29-9-1994, bà Muông đại diện cho ông Trầm khai: ông Trầm không ủy quyền cho ông Mừng bán nhà, còn giấy ủy quyền có hàng chữ cho phép ông Mừng bán nhà là do ông Mừng ghi thêm. Như vậy, nếu tờ ủy quyền thứ 3 là có thật, thì ông Mừng thừa nhận đã cho đánh máy thêm nội dung ủy quyền bán nhà đất vào tờ ủy quyền đòi nhà đất ngày 02-8-1991 và ông Mừng không chứng minh được ông Trầm đã đồng ý với đoạn đánh máy thêm và ông Trầm ký sau khi đánh máy thêm. Mặt khác, trong quá trình giải quyết vụ án, tại biên bản xác minh ngày 28-2-1995 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao đã cử cán bộ đến phòng quản lý đô thị quận Phú Nhuận xin sao y bản chính trong giấy ủy quyền không có nội dung về việc ông Trầm ủy quyền cho ông Mừng bán nhà đất. Do vậy, không cần thiết phải thu thập tờ ủy quyền (bản gốc) của cụ Trầm được lưu trữ tại cơ quan quản lý nhà đất như kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đặt ra.

    Trong hợp đồng mua bán nhà ngày 24-01-1992, có ghi (theo mẫu in sẵn) ông Trầm ký trước mặt Uỷ ban nhân dân phường 5, quận Phú Nhuận. Nhưng ông Trầm cho rằng ông Mừng lợi dụng ông đã già (83 tuổi), mắt của ông bị lòa, liệt hai chân từ năm 1991, nên đã đưa giấy tờ bán căn nhà số 3 Lam Sơn, phường 5, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh, nhưng lại nói giấy tờ xin nhà để ông ký và ông Mừng chiến đoạt toàn bộ tiền bán nhà. Tại biên bản xác minh ngày 20-3-1995 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, ủy ban nhân dân phường cho biết có lưu việc xác nhận chữ ký của ông Trầm trong văn tự mua bán ngày 24-01-1992, nhưng không có chữ ký của hai bên tại sổ lưu, vì lúc đó chưa có quy định, Uỷ ban nhân dân phường cũng không còn nhớ ông Trầm đã ký giấy bán nhà tại Uỷ ban nhân dân phường hay tại nhà. Tại biên bản lấy lời khai ngày 6-3-1995 ông Mừng cho biết, ông cũng không nhớ việc này, tại biên bản phiên Toà ngày 7-8-1995, bà Mai khai, khi ra phường bà ra trước và ký tên, sau đó ông Mừng ra ký sau. Tại biên bản ngày 29-9-1994 ông Mừng khai rằng trước đó (ngày 28-1-1992) ông và ông Nguyễn Văn Cung đã đưa ông Trầm ra Uỷ ban nhân dân phường 5, quận Phú Nhuận để xác nhận việc mua bán nhà 
    số 3 Lam Sơn và ông Trầm đã ký vào sổ lưu. Song chính ông Cung khai tại biên bản lấy lời khai ngày 05-10-1994 là: ông thường xuyên ở chăm sóc ông Trầm từ năm 1992 nhưng chưa từng nghe nói việc ông Trầm bán nhà số 3 Lam Sơn. Theo biên bản xác minh ngày 28-2-1995 của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tại Uỷ ban nhân dân phường 5, quận Phú Nhuận thì sổ lưu của phường vào ngày 28-01-1992 có lưu chữ KT tức là ký thay ở cột tên Trầm là người bán, bằng mắt thường nhận thấy chữ ký phần ông Trầm ở sổ lưu khác với chữ ký trong giấy tờ mua bán nhà đề ngày 24-1-1992. Ngay sau khi biết được kết quả điều tra này của Toà án, ông Mừng đã không thể giải thích được, mãi đến phiên Toà ngày 29-3-1995 ông Mừng mới khai rằng tuy ông có chở ông Trầm ra phường nhưng để ông Trầm ngồi ngoài xe, phường nói không cần ông Trầm phải ký mà ông ký thay cũng được, nên chính ông đã ký vào sổ lưu chứ không phải ông Trầm.

    Tại biên bản lấy lời khai ngày 29-9-1994 ông Mừng khai rằng, ông có chở ông Trầm ra Sở Nhà đất để nhận giấy phép mua bán nhà, sau đó Sở Nhà đất chấp nhận tờ ủy quyền nên đồng ý để ông ký thay, còn ông Trầm thì ngồi ngoài xe. Cũng tại biên bản này bà Mai khai khi ra Sở Nhà đất chỉ có ông Mừng, không có ông Trầm.

    Tại biên bản lấy lời khai ngày 29-9-1994 bà Mai khai nhận, vì tin vào tờ ủy quyền ngày 02-8-1991 của ông Trầm, có nội dung ủy quyền cho ông Mừng xin lại nhà và được quyền bán nên bà chỉ giao dịch với ông Mừng, bàn bạc xong bà có yêu cầu gặp chủ mua, ông Mừng có dẫn bà đến gặp ông Trầm. Song bà Mai có lúc khai bà mua bán nhà với ông Trầm không biết ông Mừng là ai hoặc ông Trầm có chứng kiến 2 trong 3 lần bà giao vàng cho ông Mừng... nhưng do có sự ủy quyền của ông Trầm, nên không yêu cầu ông Trầm ký vào giấy nhận vàng. Những lời khai này của bà Mai không thống nhất và không có cơ sở. Bởi lẽ, khi còn sống ông Trầm đã phủ nhận, thực tế trong tất cả 3 lần bà Mai giao tiền mua bán nhà số 3 Lam Sơn (vào ngày 24-1-1992 là 10 lượng 8 chỉ vàng, ngày 28-1-1992 là 70 lượng vàng, ngày 25-3-1992 là 80 lượng vàng), thì ông Mừng đều là người nhận, không có chữ ký của ông Trầm, thậm chí không thấy ghi ông Trầm là người chứng kiến. Ông Mừng có khai giao cho ông Quế 
    24 lượng vàng nhưng không có cơ sở chứng minh.

    Từ những căn cứ trên có cơ sở để xác định, việc bán nhà số 3 Lam Sơn cho bà Mai là do ông Mừng tự ý thực hiện bằng cách giả tạo tờ ủy quyền bán nhà đất ngày 02-8-1991 và ghi thêm nội dung cho phép ông Mừng bán nhà đất, nhằm tạo nên chứng cứ giả để được toàn quyền thực hiện việc mua bán nhà với bà Mai. Mặt khác, sau khi bà Bé chết, căn nhà số 3 Lam Sơn, phường 5, quận Phú Nhuận thuộc quyền sở hữu của ông Trầm và ông Quế nhưng khi bán căn nhà này không có sự đồng ý của ông Quế. Vì trong bưc thư bà Đủ viết cho ông Mừng thì không có căn cứ để kết luận ông Quế và bà Đủ cùng thảo bức thư này, thậm chí lúc viết lá thư này bà Đủ còn chưa biết được giá mua bán thực sự của căn nhà số 3 Lam Sơn là bao nhiêu. Điều này chứng tỏ không có một sự thông tin nào giữa ông Trầm với ông Quế và giữa ông Quế với ông Mừng về việc mua bán, cũng như giá cả khi ông Mừng bán trong khoảng thời gian từ khi xin lại nhà đến khi bán nhà. Như vậy, việc mua bán đã được thực hiện thông qua hành vi lừa dối của ông Mừng nên Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm đã quyết định huỷ bỏ hợp đồng mua bán nhà. Do vậy, không cần thiết xác minh xem căn nhà mà bà Đủ viết trong bức thư gửi cho ông Mừng có phải là căn nhà số 3 Lam Sơn hay không.

    Về quyết định kê biên bảo thủ toàn bộ căn nhà số 79/1 Nguyễn Thị Nhỏ thấy: Ông Mừng đã lừa dối ông Trầm, giao dịch bán nhà và nhận toàn bộ tiền trong khi đang chung sống hòa thuận cùng gia đình. Do đó, việc Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao kê biên bảo thủ Toàn bộ căn nhà số 79/1 Nguyễn Thị Nhỏ là tài sản chung của vợ chồng để đảm bảo thi hành án là không trái pháp luật.

     

    Do ông Mừng đã chết, nên Toà án cấp phúc thẩm buộc các thừa kế của ông Mừng thực hiện các nghĩa vụ theo luật định là phù hợp với Điều 640 Bộ luật dân sự.

    Bởi các lẽ trên và căn cứ vào khoản 3 Điều 291, khoản 1 Điều 297 Bộ luật tố tụng dân sự;

    quyết định:

    Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên quyết định của bản án dân sự phúc thẩm số 319/PTDS ngày 13-12-2002 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử vụ án đòi nhà giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Quế với bị đơn là ông Đỗ Văn Mừng (đã chết), có những người thừa kế quyền và nghĩa vụ theo luật định tham gia tố tụng là bà Nguyễn Thị Thành, ông Đỗ Văn Nhiều, bà Đỗ Thị Kim Vân, ông Đỗ Văn Tấn, bà Đỗ Thị Kim Vui và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Trần Thị Hoàng Mai.

    ____________________________________________

    - Lý do không chấp nhận kháng nghị:

    1. Không cần thiết phải thu thập tờ ủy quyền (bản gốc) như yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

    2. Việc mua bán căn nhà được thực hiện thông qua hành vi lừa dối của bị đơn, do đó, việc Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm quyết định huỷ hợp đồng mua bán nhà là đúng;

    3. Quyết định của Toà án cấp phúc thẩm về việc kê biên bảo thủ căn nhà của bị đơn để đảm bảo thi hành án là không trái pháp luật;

    4. Do bị đơn đã chết nên Toà án cấp phúc thẩm buộc các thừa kế của bị đơn thực hiện các nghĩa vụ theo luật định là phù hợp với quy định tại Điều 640 của Bộ luật dân sự.

     

     

     
    2861 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận