Quyết định giám đốc thẩm số 03/2006/hs-gđt ngày 20-02-2006 về vụ án phạm thị lê phạm tội “tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa”

Chủ đề   RSS   
  • #265025 29/05/2013

    phamthanhhuu
    Top 25
    Male
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:20/07/2012
    Tổng số bài viết (3535)
    Số điểm: 109378
    Cảm ơn: 401
    Được cảm ơn 4357 lần


    Quyết định giám đốc thẩm số 03/2006/hs-gđt ngày 20-02-2006 về vụ án phạm thị lê phạm tội “tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa”

    Số hiệu

    03/2006/HS-GĐT

    Tiêu đề

    Quyết định giám đốc thẩm số03/2006/hs-gđt ngày 20-02-2006 về vụ án phạm thị lê phạm tội “tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa”

    Ngày ban hành

    20/02/2006

    Cấp xét xử

    Giám đốc thẩm

    Lĩnh vực

    Hình sự

     

    QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM SỐ03/2006/HS-GĐT NGÀY 20-02-2006 VỀ VỤ ÁN PHẠM THỊ LÊ 
    PHẠM TỘI “THAM Ô TÀI SẢN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA”

     

    HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

    ...

    Ngày 20 tháng 02 năm 2006, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:

    Phạm Thị Lê sinh năm 1950; trú tại tổ 16 phường Thịnh Đán, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; khi phạm tội là chủ cửa hàng kinh doanh xăng dầu (tư nhân); con ông Phạm Đức Minh và bà Phạm Thị Hài (đều đã chết); có chồng và 02 con; bị tạm giam từ ngày 19-5-1996 đến ngày 20-7-1997.

    Nguyên đơn dân sựKho bạc nhà nước tỉnh Thái Nguyên.

    (Trong vụ án còn có 10 bị cáo khác)

    NHẬN THẤY:

    Kho bạc nhà nước tỉnh Thái Nguyên (sau đây viết tắt là Kho bạc) tham gia thanh toán bù trừ từ năm 1993 và mở tài khoản thanh toán bù trừ tại Ngân hàng nhà nước tỉnh Thái Nguyên để phục vụ cho việc thanh toán. Tại Phòng kế toán của Kho bạc, Nguyễn Thị Thời là kế toán phụ trách thanh toán bù trừ, có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra tính hợp lệ của séc, bảng kê nộp séc của khách hàng sau đó chuyển séc cùng với bảng kê nộp séc cho Nông Thanh Phú là Trưởng phòng kế toán hoặc Dương Thị Chiến, Dương Thị Hồi là các Phó trưởng phòng kế toán của Kho bạc ký duyệt thanh toán. Sau khi các bảng kê nộp séc được Phú, Chiến hoặc Hồi kiểm tra và ký duyệt, Nguyễn Thị Thời tiến hành thủ tục chuyển tiền từ tài khoản thanh toán bù trừ của Kho bạc vào tài khoản của người thụ hưởng.

    Phạm Thị Lê là cá nhân kinh doanh xăng dầu và Nguyễn Thị Kim Thư là cá nhân kinh doanh vật liệu xây dựng có mở tài khoản tại Ngân hàng nông nghiệp và Ngân hàng công thương ở địa phương. Do có quan hệ quen biết từ trước, Thời nói với Lê và Thư là có một số cơ quan nhà nước có nhu cầu đổi séc lấy tiền mặt. Theo thoả thuận của hai bên, sau khi số tiền ghi trên séc được chuyển vào tài khoản, Lê và Thư giao lại số tiền mặt tương ứng cho Thời và được trả tiền hoa hồng do “đổi séc” là 0,35%.

    Trong khoảng thời gian từ năm 1993 đến năm 1996, Nguyễn Thị Thời đã có nhiều hành vi gian dối để chuyển 4.910.937.960 đồng (112 khoản) của Kho bạc vào tài khoản của tư nhân để chiếm đoạt; cụ thể như sau:

    - Chuyển vào tài khoản của Phạm Thị Lê 108 khoản với số tiền là 4.851.937.960 đồng. Trong số các chứng từ liên quan đến 108 khoản tiền này, Lê đã ký tên vào 14 bảng kê nộp séc khống theo đề nghị của Thời. Các bảng kê nộp séc này do Thời viết sẵn nội dung hoặc đọc cho Lê ghi nội dung vào bảng kê. Tuy không có séc kèm theo nhưng Lê đã ký vào 14 bảng kê nộp séc này rồi giao lại cho Thời để thanh toán, tổng số tiền ghi trên 14 bảng kê là 753.800.000 đồng (Toà án các cấp chỉ buộc Phạm Thị Lê phải chịu trách nhiệm hình sự về số tiền này). Đối với 94 khoản tiền (4.098.137.960 đồng) còn lại, Thời đã tự lập các bảng kê nộp séc khống và giả mạo chữ ký người nộp séc là Phạm Thị Lê, dùng bảng kê nộp séc đã thanh toán để thanh toán lần thứ hai và sửa chữa chứng từ để rút tiền chuyển vào tài khoản của Lê.

    - Chuyển vào tài khoản của Nguyễn Thị Kim Thư 04 khoản với số tiền là 59.000.000 đồng. Các bảng kê nộp séc khống này do Kim Thư ký rồi giao cho Thời để thanh toán.

    Sau khi chuyển tiền vào tài khoản, Thời báo cho Lê và Thư biết để chuẩn bị số tiền mặt tương ứng cho Thời đến lấy. Lê, Thư thấy tiền đã được chuyển vào tài khoản của mình thì dùng tiền mặt có sẵn ở nhà hoặc ra ngân hàng rút tiền giao cho Thời. Tổng số tiền Lê được hưởng là 17.000.000 đồng và số tiền Thư được hưởng là 250.000 đồng.

    Tại bản án hình sự sơ thẩm số 68 ngày 05-5-1998, Toà án nhân dân tỉnh Thái Nguyên áp dụng khoản 3 Điều 133; khoản 3 Điều 38 Bộ luật hình sự năm 1985, xử phạt Phạm Thị Lê 09 năm tù về tội “tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa”; buộc Phạm Thị Lê liên đới cùng bị cáo Nguyễn Công Danh bồi thường cho Kho bạc nhà nước tỉnh Thái Nguyên 4.911.000.000 đồng, trong đó Lê phải bồi thường 753.800.000 đồng.

    Ngày 10-5-1998, Phạm Thị Lê kháng cáo đề nghị xem xét lại về trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự của bị cáo.

    Tại Quyết định kháng nghị số 04 ngày 15-5-1998, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên đề nghị Toà án cấp phúc thẩm tăng hình phạt đối với Phạm Thị Lê.

    Tại bản án hình sự phúc thẩm số 2136 ngày 31-10-1998, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội áp dụng khoản 3 Điều 133; khoản 3 Điều 38 Bộ luật hình sự năm 1985, xử phạt Phạm Thị Lê 09 năm tù về tội “tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa”, tuyên các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực thi hành.

    Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số24/KN-VKSTC-V3  ngày 01-11-2005, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm số 2136 ngày (30) 31-10-1998 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ phần tội danh và hình phạt đối với Phạm Thị Lê để xét xử phúc thẩm lại theo hướng tuyên Phạm Thị Lê phạm tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, cho bị cáo hưởng án treo, với lý do:

    Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm căn cứ vào 14 bảng kê nộp séc mà không có séc do Phạm Thị Lê ký để kết án Lê 09 năm tù về tội “tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa”. Sau khi xét xử cơ quan điều tra đã bắt được Nguyễn Thị Thời và đưa ra xét xử, Thời đã nhận toàn bộ hành vi phạm tội do Thời làm với thủ đoạn dùng bảng kê nộp séc của Lê để đưa vào thanh toán ở kho bạc. Việc làm này của Thời, Lê hoàn toàn không biết, các bảng kê nộp séc khống đều do bị cáo Thời đọc cho Lê viết.

    Với những tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án chưa đủ căn cứ để kết luận Phạm Thị Lê đồng phạm tham ô với Nguyễn Thị Thời. Theo Thông tư 08 ngày 02-6-1994 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam và văn bản hướng dẫn 
    số 1338 ngày 05-11-1994 của Ngân hàng nông nghiệp Việt Nam thì có đủ căn cứ kết luận Phạm Thị Lê phạm tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 165 Bộ luật hình sự năm 1999. 
    Vụ án xảy ra đã lâu, Lê khai báo thành khẩn, đã khắc phục xong hậu quả, nhân thân là công nhân viên chức nghỉ hưu, hiện nay Phạm Thị Lê được tại ngoại, do đó nên cân nhắc đường lối xử lý đối với Phạm Thị Lê.

    Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng việc kết án Phạm Thị Lê về tội “tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa” là có căn cứ, nhưng cân nhắc tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và nhân thân của bị cáo thì mức hình phạt Toà án các cấp đã tuyên là quá nghiêm khắc, đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao huỷ bản án hình sự phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại, giảm hình phạt cho Phạm Thị Lê và cho bị cáo hưởng án treo.

    XÉT THẤY:

    Thông qua tài khoản của Phạm Thị Lê, Nguyễn Thị Thời đã chiếm đoạt của Kho bạc nhà nước tỉnh Thái Nguyên 108 khoản với số tiền là 4.851.937.960 đồng. Trong 108 khoản tiền trên, có 14 bảng kê nộp séc khống tương ứng với số tiền là 753.800.000 đồng liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của Phạm Thị Lê, cụ thể: mặc dù không có séc kèm theo bảng kê nộp séc theo quy định trong thanh toán nhưng Phạm Thị Lê đã nhiều lần ký vào các bảng kê nộp séc theo đề nghị của Thời, bỏ mặc hậu quả xảy ra. Hành vi của Phạm Thị Lê là điều kiện cho Nguyễn Thị Thời chiếm đoạt 753.800.000 đồng của Kho bạc nhà nước tỉnh Thái Nguyên. Do đó, Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm kết án Phạm Thị Lê về tội “tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa” với vai trò đồng phạm giúp sức cho Nguyễn Thị Thời là có căn cứ, đúng pháp luật.

    Tuy nhiên, trong vụ án này một nguyên nhân quan trọng trong việc để xảy ra hậu quả của vụ án là hành vi thiếu trách nhiệm của các bị cáo là cán bộ tại Phòng kế toán của Kho bạc nhà nước tỉnh Thái Nguyên (Nông Thanh Phú, Dương Thị Chiến, Dương Thị Hồi), việc ký duyệt của các bị cáo này có ý nghĩa quyết định đối với việc các bảng kê nộp séc khống được chấp nhận thanh toán. Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và kết quả thẩm vấn công khai tại phiên toà sơ thẩm và phiên toà phúc thẩm thì Lê không được bàn bạc, không biết ý định phạm tội của Nguyễn Thị Thời, vì tư lợi mà đã có hành vi tạo điều kiện cho Thời chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Bị cáo đã nộp trả toàn bộ số tiền chiếm hưởng, khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, nhân thân tốt, hoàn cảnh gia đình khó khăn, xét thấy không cần thiết phải cách ly bị cáo khỏi xã hội.

    Vụ án xảy ra trong khoảng thời gian từ năm 1993 đến năm 1996, căn cứ vào quy định tại điểm c khoản 2 Nghị quyết số 32/1999/QH10 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật hình sự năm 1999 thì đối với trường hợp phạm tội của Phạm Thị Lê có thể áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 38 Bộ luật hình sự 
    năm 1985 để giảm hình phạt cho bị cáo xuống dưới mức thấp nhất của khung hình phạt quy định tại khoản 3 Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1985 (trước khi được sửa đổi, bổ sung ngày 10-5-1997) và cho bị cáo được hưởng án treo.

    Vì các lẽ trên, căn cứ vào Điều 285 và Điều 287 Bộ luật tố tụng hình sự;

    QUYẾT ĐỊNH:

    Huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 2136 ngày 31-10-1998 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội về phần đã xét xử và quyết định đối với Phạm Thị Lê; giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội để xét xử phúc thẩm đối với hành vi phạm tội của Phạm Thị Lê theo đúng quy định của pháp luật.

    Các quyết định khác của bản án hình sự phúc thẩm nêu trên không bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật.

    ____________________________________________

    - Lý do huỷ bản án phúc thẩm:

    1. Không cần thiết phải cách ly bị cáo khỏi xã hội;

    2. Cần áp dụng Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Bộ luật hình sự 
    năm 1999 để giảm hình phạt cho bị cáo.

    - Nguyên nhân dẫn đến việc huỷ bản án phúc thẩm:

    Thiếu sót trong việc cân nhắc, quyết định hình phạt.

     

    Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 29/05/2013 11:34:16 SA
     
    3040 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận