Số hiệu
|
04/KT-GĐT
|
Tiêu đề
|
Quyết định giải quyết vụ án kinh tế về tranh chấp hợp đồng tín dụng
|
Ngày ban hành
|
23/06/2005
|
Cấp xét xử
|
Giám đốc thẩm
|
Lĩnh vực
|
Kinh tế
|
QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC SỐ04/KT-GĐT /> NGÀY 23-6-2005 VỀ VỤ ÁN “TRANH CHẤP
HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG”
HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
...
Ngày 23 tháng 6 năm 2005, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm xét vụ án kinh tế về tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa:
Nguyên đơn: Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam;
Có trụ sở tại: Số 5A Nguyễn Tri Phương, thành phố Hải Phòng.
Bị đơn: Công ty thương mại Hải Phòng.
Có trụ sở tại: số 22 Lý Tự Trọng, thành phố Hải Phòng.
NHẬN THẤY:
Ngày 14-12-1995 Công ty thương mại Hải Phòng cùng với Công ty SUNKYUNG LTD (Hàn Quốc) ký hợp đồng mua bán 5000 tấn thép tấm(±10%), theo phương thức trả chậm 360 ngày, tổng giá trị hợp đồng là 1.734.400USD. Để thực hiện hợp đồng nói trên, ngày 18-12-1995, Công ty thương mại Hải Phòng đã có đơn xin mở L/C tại Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam - Hội sở Hải Phòng. Công ty thương mại Hải Phòng cam kết ký quỹ 5% giá trị của L/C và cam kết thế chấp toàn bộ lô hàng nhập về cho Ngân hàng để đảm bảo cho việc thanh toán.
Chấp nhận yêu cầu của Công ty thương mại Hải Phòng, ngày 22-12-1995 Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam đã mở cho Công ty thương mại Hải Phòng một thư tín dụng (L/C) trả chậm không huỷ ngang nhập khẩu 5000 tấn thép tấm có số hiệu 0087 LCUHATRA 1295 giá trị 1.734.400 USD (±10%), thời hạn trả chậm 360 ngày kể từ ngày phát hành vận đơn đường biển (B/L). Ngày của B/L trên thực tế là ngày 31-12-1995, trị giá lô hàng thực tế theo hối phiếu và hoá đơn là 1.746.882,48 USD. Ngày 22 và ngày 23-12-1995 Công ty thương mại Hải Phòng đã nộp tiền ký quỹ 5% là 956.000.000 đ, Ngân hàng đã bán đổi thành 86.735, 62 USD.
Khi hàng về cảng Hải Phòng, Công ty thương mại Hải Phòng đã tiếp nhận hàng, Công ty cùng phối hợp với Ngân hàng quản lý và tiêu thụ lô hàng. Do tiến độ bán hàng thực tế diễn ra chậm hơn dự kiến, nên khi đến hạn thanh toán L/C, Công ty thương mại Hải Phòng vẫn chưa bán hết hàng, không đủ tiền để thanh toán cho phía nước ngoài. Do phía nước ngoài giao hàng chậm so với hợp đồng nên L/C đã được phía nước ngoài gia hạn toàn bộ giá trị L/C đến ngày 16-02-1997. Nhưng đến ngày 16-02-1997 Công ty thương mại Hải Phòng vẫn chưa bán hết hàng và cũng không đủ tiền để thanh toán, nên xin ra hạn lần thứ hai. Phía nước ngoài chỉ chập nhận cho gia hạn một phần L/C có trị giá là 546.882, 48USD phải thanh toán đúng hạn (16-02-1997) là: 1.200.000 USD. Toàn bộ tiền bán được từ lô hàng nhập khẩu nộp về ngân hàng và số tiền Công ty ký quỹ tính đến thời điểm đó, Công ty thương mại Hải Phòng mới chỉ có được 877.920 USD. Vì vậy ngày 18-02-1997 Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam - Hội sở Hải phòng đã phải cho Công ty thương mại Hải Phòng vay bắt buộc 322.080,76 USD để cho đủ số tiền 1.200.000 USD thanh toán cho phía nứơc ngoài. Việc cho vay trên được thể hiện tại hợp đồng tín dụng số 027-02/97 ngày 18-02-1997 (lần 1). Đến hạn thanh toán khoản tiền 546.882,48 USD Công ty thương mại Hải Phòng cũng không đủ tiền, nên ngày 16-5-1997 Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam - Hội sở Hải phòng lại phải cho Công ty vay bắt buộc số tiền là 546.882,48 USD, thể hiện tại hợp đồng tín dụng số 009-05/97 ngày 16-5-1997 (lần 2).
Toàn bộ khoản tiền bán lô hàng nhập khẩu từ ngày 18-02-1997 cho đến khi kết thúc, Công ty thương mại Hải Phòng nộp về Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam Hội sở Hải Phòng chỉ đủ thanh toán toàn bộ nợ gốc, nợ lãi của hợp đồng tín dụng số 027-02/97 ngày 18-02-1997 và một phần gốc, một phần lãi của hợp đồng tín dụng số 009-05/97 ngày 16-5-1997. Số tiền gốc còn nợ là 268.905 USD.
Do việc kinh doanh lô hàng thép nhập khẩu bị lỗ vốn, Công ty thương mại Hải Phòng đã đề nghị Ngân hàng dãn nợ, cho phép Công ty được thanh toán khoản nợ trên trong thời hạn 5 năm, có kế hoạch trả nợ cụ thể cho từng năm từ 1999 đến năm 2003. Mặc dù đã có kế hoạch trả nợ cụ thể cho từng năm, nhưng từ năm 1999 trở lại đây Công ty thương mại Hải Phòng vẫn chưa trả số tiền còn nợ cho Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam.
Ngày 21-10-2003 Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam có đơn khởi kiện tới Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng với yêu cầu Công ty thương mại Hải Phòng trả cho ngân hàng khoản nợ gốc là 268.905USD và khoản tiền lãi là 269.615, 21USD.
Tại bản án kinh tế sơ thẩm số 02/KTST ngày 08-3-2004, Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng đã quyết định:
Buộc Công ty thương mại Hải Phòng phải thanh toán trả nợ cho Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam số tiền còn nợ theo hợp đồng tín dụng số 009-05/97 ngày 16-5-1997 là 394.665, 08USD.
Trong đó: - nợ gốc 260.533, 38 USD; - nợ lãi 134.131, 70 USD.
Ngày 12-3-2004, Công ty thương mại Hải Phòng có đơn kháng cáo toàn bộ bản án kinh tế sơ thẩm.
Ngày 15-3-2004 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng có kháng nghị số176/KN-KT đối với bản án kinh tế sơ thẩm số 02
ngày 08-3-2004 của Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng yêu cầu Toà án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục phúc thẩm, huỷ bản án sơ thẩm số 02 ngày 08-3-2004 của Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng, tạm đình chỉ vụ án và chuyển sang Cơ quan điều tra làm rõ.
Tại quyết định bổ sung kháng nghị số406/KN-BS ngày 08-7-2004, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng giữ nguyên quyết định kháng nghị số176/KN-KT ngày 15-3-2004 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng và bổ sung kháng nghị với nhận định hợp đồng ngoại thương số SKTG/HR 951214 ngày 14-12-1995 là hợp đồng kinh tế vô hiệu và đưa Công ty xuất nhập khẩu Hải Phòng tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Tại bản án kinh tế phúc thẩm số 154/KTPT ngày 10-9-2004 Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã quyết định: y án sơ thẩm, buộc công ty thương mại Hải Phòng phải thanh toán cho Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam số tiền còn nợ theo hợp đồng tín dụng số 009-05/97
ngày 16-5-1997 là 394.665, 08 USD. Trong đó số tiền nợ gốc là 269.533,38USD; nợ lãi là 134.131,70USD quy đổi bằng 6.210.449.698,88 đồng (Sáu tỷ hai trăm mười triệu bốn trăm bốn mươi chín ngàn sáu trăm chín mươi tám đồng tám hào tám xu) tiền Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Sau khi vụ án được xét xử phúc thẩm, Công ty thương mại Hải Phòng có đơn khiếu nại, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng và Uỷ ban pháp luật của Quốc hội có công văn đề nghị xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.
Tại kháng nghị số05/KN-AKT ngày 28-01-2005, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhận định: Việc Công ty thương mại Hải Phòng phải vay bắt buộc Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam tại Hợp đồng tín dụng số 009-05/97 ngày 16-5-1997 bắt nguồn từ việc Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam mở thư tín dụng(L/C) số 0087 LCUHATRA 1295
ngày 22-12-1995 cho Công ty thương mại Hải Phòng. Tuy nhiên, việc mở L/C nêu trên của Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam có những vi phạm pháp luật sau:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Quy chế quản lý vay và trả nợ nước ngoài ban hành kèm theo Nghị định số 58/CP ngày 30-8-1993 thì một trong các điều kiện để doanh nghiệp quốc doanh được vay nước ngoài là: “phải có sự đánh giá, xét duyệt phương án và chấp thuận mức vay vốn của Chủ tịch UBND thành phố trực thuộc Trung ương (đối với doanh nghiệp địa phương)...”, Công ty thương mại Hải Phòng là một doanh nghiệp (quốc doanh) địa phương nên việc vay nước ngoài phải được sự đánh giá, xét duyệt về phương án và mức vay của Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng nhưng Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam mở L/C cho Công ty thương mại Hải Phòng khi chưa có sự đánh giá xét duyệt phương án và mức vay của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng.
Điều 12 Quy chế bảo lãnh và tái bảo lãnh vay vốn nước ngoài ban hành kèm theo quyết định số23/QĐ-NH14 ngày 21-2-1994 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định: “...Riêng đối với các Doanh nghiệp nhà nước, việc sử dụng tài sản để thế chấp phải được chủ sở hữu (hoặc đại diện chủ sở hữu) tài sản đó - tức cơ quan tài chính đồng ý bằng văn bản”. Công ty thương mại Hải Phòng là một doanh nghiệp Nhà nước vì vậy toàn bộ tài sản do Công ty quản lý thuộc sở hữu Nhà nước. Lô hàng 5000 tấn thép tấm mà Công ty dùng để thế chấp xin mở LC trả chậm không phải là tài sản của Công ty (Công ty chỉ nhận ủy thác nhập khẩu) và nếu là tài sản của Công ty thì cũng là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước, nên việc dùng lô hàng để thế chấp phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan tài chính thành phố Hải Phòng. Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam chấp nhận việc Công ty thương mại Hải Phòng thế chấp lô hàng 5000 tấn thép tấm để mở L/C khi chưa được sự đồng ý của cơ quan tài chính thành phố Hải phòng là vi phạm Quy chế nêu trên.
Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam còn căn cứ vào hợp đồng mua bán số SKTD/HR 951214 ngày 14-12-1995 giữa Công ty thương mại Hải Phòng và Công ty SUNKYUNG (Hàn Quốc) và Hợp đồng uỷ thác nhập khẩu số 02/UT ngày 15-12-1995 giữa Công ty xuất nhập khẩu Hải Phòng với Công ty thương mại Hải Phòng để mở L/C cho Công ty thương mại Hải Phòng trong khi các hợp đồng kinh tế nêu trên có các vi phạm pháp luật sau (Hợp đồng kinh tế vô hiệu):
Về Hợp đồng mua bán số SKTD/HR 951214: Tại thời điểm 2 bên ký kết hợp đồng, Công ty thương mại Hải Phòng chưa có giấy phép nhập khẩu 5000 tấn thép tấm (sau đó 1 ngày Công ty thương mại Hải Phòng mới được Công ty xuất nhập khẩu Hải Phòng uỷ thác nhập khẩu theo giấy phép nhập khẩu số 5605TM/XNK ngày 12-5-1995 ngày hết hạn: 31-12-1995 của Bộ thương mại).
Về hợp đồng uỷ thác số 02/UT ngày15-12-1995: Điểm 1 quy chế xuất nhập khẩu uỷ thác giữa các pháp nhân trong nước, ban hành theo quyết định 1172TM/XNK ngày 22-9-1994 của Bộ trưởng Bộ thương mại quy định: “Xuất nhập khẩu uỷ thác là hoạt động thương mại dưới hình thức thuê và nhận làm dịch vụ xuất khẩu hoặc nhập khẩu. Hoạt động này... phù hợp với những quy định của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế”. Như vậy việc ký kết và thực hiện hợp đồng uỷ thác số 02 phải theo đúng quy định của pháp lệnh và hợp đồng kinh tế và nghị định 17/HĐBT ngày 16-01-1991 quy định chi tiết thi hành pháp lệnh hợp đồng kinh tế. Nhưng tại Hợp đồng uỷ thác số 02 nêu trên phần ghi số, ngày... của giấy tờ uỷ quyền cho người ký hợp đồng phía Công ty xuất nhập khẩu Hải Phòng bị bỏ trống (người ký hợp đồng không có giấy uỷ quyền).Việc ký kết hợp đồng uỷ thác số 02 nêu trên đã vi phạm Điều 9 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế và Điều 6 Nghị định 17/HĐBT ngày 16-01-1991 về chủ thể ký kết Hợp đồng kinh tế cũng như chế định uỷ quyền ký kết hợp đồng kinh tế.
Ngoài ra trong việc mở L/C số 0087 LCUHATRA 1295 ngày 22-12-1995 cho Công ty thương mại Hải Phòng, Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam còn có một số vi phạm sau:
- Tại Văn bản số 705/KDTH ngày 20-12-1995 trình Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần hàng Hải Việt Nam, đề nghị mở L/C cho Công ty thương mại Hải Phòng, phòng kinh doanh tổng hợp Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam - Hội sở Hải Phòng, sau khi báo cáo tình hình tài chính của Công ty thương mại Hải Phòng (vốn lưu động, các khoản phải thu, các khoản phải trả các khoản vay Ngân hàng) đã ghi: “Công ty thương mại Hải Phòng là khách hàng loại A... mặc dù đơn vị hiện đang có số dư nợ cao nhưng việc mở L/C có phương án kinh doanh khả thi. Hợp đồng bán hàng đã được ký kết. Tiền hàng thu được sau khi tiêu thụ, được cam kết chuyển vào tài khoản tại Ngân hàng để đảm bảo thanh toán khi hết hạn”. Những nhận xét này là thiếu căn cứ, bởi tại thời điểm Công ty thương mại Hải Phòng có đơn yêu cầu Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam mở L/C. Công ty thương mại Hải Phòng không là chủ sở hữu lô hàng 5000 tấn thép (chỉ là đơn vị nhận uỷ thác nhập khẩu), do đó không có quyền tiêu thụ lô hàng, phòng kinh doanh tổng hợp Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam - Hội sở Hải Phòng đã bỏ qua các quy định về nghiệp vụ tín dụng thư trả chậm số 132/QĐ ngày 23-5-1995 của chính Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam để đề nghị lãnh đạo Ngân hàng mở L/C cho Công ty thương mại Hải Phòng. Trong bản án phúc thẩm cũng có nhận định về việc mở L/C của Ngân hàng cho Công ty thương mại Hải Phòng: “Hơn nữa căn cứ vào công văn số 170/CV ngày 30-12-1998 của Công ty thương mại Hải Phòng thì ngày 05-01-1996 Công ty đã ký kết hợp đồng tiêu thụ toàn bộ lô hàng cho Công ty kinh doanh vật tư thứ liệu Hà Nội tại Hợp đồng kinh tế số 04/HĐKT và phụ lục số 01/PLHĐ”. Nhận định này là không có căn cứ, không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án, bởi: Nếu Công ty thương mại Hải Phòng có quyền tiêu thụ lô hàng thì Hợp đồng kinh tế số 04 ngày 5-1-1996 có sau khi L/C đã được mở.
Trong hợp đồng mua bán số SKTD/HR 951214 ngày 14-12-1995, Điều 11 quy định về: “kỳ phiếu bảo đảm bán hàng: Bên bán sẽ mở một kỳ phiếu bằng 2% giá trị lô hàng tại Ngân hàng bên mua trong vòng 7 ngày sau khi nhận được L/C có thể chấp nhận được, để bảo đảm cho việc sẽ bán hàng của mình”. Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam không yêu cầu Công ty SUNKYUNG mở kỳ phiếu tại Ngân hàng theo đúng cam kết tại hợp đồng mua bán với Công ty thương mại Hải Phòng là làm trái với các quy định về nghiệp vụ tín dụng thư trả chậm trong hệ thống Ngân hàng thương mại hàng hải Việt Nam (Điều 9 Quyết định 132/QĐ ngày 25-3-1995).
Trong việc thanh toán L/C 0087 LCUHATRA 1295 của Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam có một số điểm chưa được Toà án sơ thẩm cũng như phúc thẩm làm rõ nhưng vẫn chấp nhận đó là:
Ngày 9-12-2003, Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam có văn bản số 1575/TGĐ9 gửi Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng, ghi nhận: “Ngày ký phát vận đơn đường biển (B/L) là ngày 16-1-1996”(văn bản này không được các cấp Toà án đưa vào hồ sơ vụ án). Nhưng đến ngày 5-3-2004, Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam lại có công văn số 187 xin sửa đổi sai sót trong công văn số 1575: “Ngày ký phát vận đơn đường biển (B/L) là
ngày 31-12-1995”. Đây là việc Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam đưa ra nhằm hợp pháp hoá cho việc thanh toán L/C của mình. Án sơ thẩm và án phúc thẩm chưa xác minh vấn đề này để xác định rõ ngày ký phát vận đơn đường biển (B/L) là ngày nào đã chấp nhận ngay việc đính chính của Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam tại văn bản 187/TGĐ ngày 5-3-2004 là chưa khách quan.
Theo quy định tại L/C số 0087 LCUHATRA 1295, thời hạn giao hàng chậm nhất là ngày 31-12-1995 và ngày hết hạn gửi bộ chứng từ thanh toán là ngày 30-1-1996 (theo dấu bưu điện gửi đi từ Hàn Quốc) nghĩa là đến hết
ngày 30-1-1996 mà bên bán không gửi bộ chứng từ thì L/C hết hiệu lực thi hành và L/C này tuân thủ các quy định của UCP sửa đổi năm 1993 ấn bản số 500
của ICC”.
Điểm a Điều 43 của UCP 500 quy định về ngày hết hạn nêu; “Ngoài những quy định ngày hết hiệu lực cho việc xuất trình chứng từ, mỗi tín dụng khi yêu cầu lập chứng từ vận tải cũng phải quy định 1 thời hạn xác định rõ ràng, tính từ ngày giao hàng, mà trong thời hạn đó chứng từ vận tải phải được xuất trình phù hợp với các điều kiện của tín dụng. Nếu không quy định 1 thời hạn như vậy, các Ngân hàng sẽ từ chối các chứng từ xuất trình cho Ngân hàng sau 21 ngày kể từ ngày giao hàng. Trong bất cứ trường hợp nào, chứng từ không thể được xuất trình sau ngày hết hạn hiệu lực của tín dụng”.
Tại biên lai gửi bộ chứng từ bằng dịch vụ chuyển phát nhanh DHL từ Hàn Quốc đến Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam thì ngày gửi bộ chứng từ là ngày 10-2-1996, có nghĩa là đã quá hạn cuối cùng của hiệu lực L/C 0087 LCUHATRA 1295 là 11 ngày, đối chiếu với quy định tại điểm a Điều 43 UCP 500 nói trên thì trường hợp này Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam không được chấp nhận bộ chứng từ trong bất cứ trường hợp nào. Với việc chấp nhận bộ chứng từ xuất trình sau ngày hết hạn và cam kết thanh toán cho bên bán hàng dựa trên một L/C đã hết hiệu lực sau 11 ngày Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam đã vi phạm nghĩa vụ của Ngân hàng quy định tại UCP 500 và vi phạm chính L/C số 0087 LCUHATRA 1295.
Trong đơn khiếu nại đề nghị giám đốc thẩm bản án kinh tế phúc thẩm
số 154/KTPT ngày 10-9-2004 của Công ty thương mại Hải Phòng có gửi kèm biên bản thoả thuận ngày 16-4-1996 giữa Công ty thương mại Hải Phòng và Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam. Theo các điều khoản có trong biên bản thoả thuận này thì Công ty thương mại Hải Phòng chuyển giao toàn bộ quyền sở hữu và quyền hưởng dụng bảo hiểm lô hàng cho Ngân hàng; việc giao hàng chỉ được thực hiện khi có lệnh giải chấp với đủ dấu, chữ ký của Giám đốc, Phó giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam - Hội sở Hải Phòng. Như vậy, theo biên bản thoả thuận này Công ty thương mại Hải Phòng không còn quyền định đoạt đối với lô hàng, việc bán hàng thu tiền đều thuộc quyền của Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam. Vì vậy, việc án sơ thẩm, phúc thẩm buộc Công ty thương mại Hải Phòng một mình chịu tổn thất trong việc kinh doanh lô hàng là chưa công bằng.
Trong vụ án này, vai trò của Công ty xuất nhập khẩu Hải Phòng cũng cần được xem xét. Cụ thể, Công ty xuất nhập khẩu Hải Phòng là người uỷ thác nhập khẩu 5000 tấn thép tấm cho Công ty thương mại Hải Phòng (giấy phép nhập khẩu số 5605-TM/XNK ngày 12-5-1995, ngày hết hạn là 31-12-1995 của Bộ thương mại) theo thoả thuận theo hợp đồng uỷ thác số 02/UT ngày 15-12-1995 thì Công ty thương mại Hải Phòng sẽ nhận được hoa hồng uỷ thác là 8000 USD trong vòng 7 ngày sau khi có kết quả giám định lô hàng (Điều 4). Nhưng trong biên bản làm việc giữa Công ty thương mại Hải Phòng và Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam ngày 30-8-1997 phần ghi các chi phí từ khi nhập hàng đến ngày 21-11-1996 có ghi: “chi phí trả cho Công ty xuất nhập khẩu Hải Phòng (phí uỷ thác) 60.000.000 đ”. Điều này cho thấy Công ty xuất nhập khẩu Hải Phòng được hưởng lợi trong việc nhập khẩu lô hàng dù Công ty đã từ chối nhận lô hàng theo Công văn ngày 12-4-1996 (văn bản này do Công ty thương mại Hải Phòng gửi theo đơn khiếu nại, không được các cấp Toà án thu thập đưa vào hồ sơ vụ án). Toà án các cấp căn cứ vào Công văn số417/CV-KD4 ngày 19-12-1995 của Công ty xuất nhập khẩu Hải Phòng do ông Nguyễn Đức Vinh trưởng phòng kinh doanh dịch vụ tổng hợp số 4 ký, để cho rằng Công ty xuất nhập khẩu Hải Phòng đã đồng ý cho Công ty thương mại Hải Phòng trực tiếp quản lý và tiêu thụ lô hàng là chưa đúng với quy định tại Điều 5 Hợp đồng uỷ thác số 02/UT: “ Nếu có gì vướng mắc, hai bên sẽ cùng nhau bàn bạc giải quyết bằng các phụ lục bổ sung”.
Mặc khác theo giấy phép nhập khẩu số 5605-TM/XNK ngày 12-5-1995 của Bộ thương mại thì ngày hết hạn của giấy phép này là ngày 31-12-1995 và Điều 3 Hợp đồng uỷ thác số 02/UT quy định: “Thời gian giao hàng trong
tháng 12-1995 và đầu tháng 1-1996”, nhưng đến đầu tháng 4-1996 hàng mới về đến cảng. Để lô hàng được nhập cảng, thì giấy phép nhập khẩu số 5605/XNK ngày 12-5-1995 phải được gia hạn và người xin gia hạn phải là Công ty xuất nhập khẩu Hải Phòng (đơn vị được cấp giấy phép). Vấn đề này được Công ty thương mại Hải Phòng nêu ra tại Toà án sơ thẩm nhưng Toà án các cấp đã bỏ qua không xem xét để không đưa Công ty xuất nhập khẩu Hải Phòng vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa cụ liên quan.
Từ các phân tích trên, Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhận thấy bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng; việc thu thập chứng cứ và chứng minh chưa thực hiện đầy đủ và có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật nên chưa đảm bảo quyền lợi của các bên.
Đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử theo trình tự giám đốc thẩm theo hướng: Huỷ bản án kinh tế sơ thẩm số 02/KTST ngày 8-3-2004 của Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng và bản án kinh tế phúc thẩm
số 154/KTPT ngày 10-9-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm xét xử lại vụ án từ giai đoạn sơ thẩm.
XÉT THẤY:
Công ty thương mại Hải Phòng còn nợ Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam xuất phát từ việc phải vay tín dụng để thanh toán cho lô hàng nhập khẩu 5000 tấn thép của Công ty SUNKYUNG (Hàn Quốc) theo L/C trả chậm 360 ngày; việc nhập khẩu lô thép này được thể hiện bằng hợp đồng uỷ thác số 02/UT ngày 15-12-1995 giữa Công ty thương mại Hải Phòng và Tổng Công ty xuất nhập khẩu Hải Phòng theo giấy phép nhập khẩu số 5605 TM/XNK ngày 12-5-1995 của Bộ thương mại cấp cho Tổng Công ty xuất nhập khẩu Hải Phòng.Vì vậy, để giải quyết toàn diện và triệt để vụ án cần phải xác minh rõ tại sao Công ty thương mại Hải Phòng chưa có hợp đồng uỷ thác, chưa có giấy phép nhập khẩu, nhưng trước đó một ngày đã ký hợp đồng ngoại với công ty SUNKYUNG (Hàn Quốc) có nội dung số lượng hàng đúng như giấy phép nhập khẩu?
Công ty thương mại Hải Phòng nhập khẩu lô hàng thép trên là theo hợp đồng uỷ thác số 02/UT ngày 15-12-1995 với Tổng Công ty xuất nhập khẩu Hải Phòng, đại diện cho Tổng Công ty xuất nhập khẩu Hải Phòng là ông Nguyễn Đức Vinh, chức vụ trưởng phòng kinh doanh, dịch vụ tổng hợp số 4 theo giấy uỷ quyến số1082/UQ-TCT ngày 15-12-1995 của Tổng giám đốc Phạm Văn Chinh; ngày 19-12-1995 ông Nguyễn Đức Vinh ký công văn số417/CV-KD4 đồng ý cho Công ty thương mại Hải Phòng được thay mặt Tổng Công ty xuất nhập khẩu Hải Phòng trực tiếp tổ chức tiếp nhận, quản lý và tiêu thụ lô hàng là vượt quá phạm vi ủy quyền; do đó, quyền sở hữu lô hàng vẫn thuộc về Tổng Công ty xuất nhập khẩu Hải Phòng; để xác định vai và trò trách nhiệm của Tổng Công ty xuất nhập khẩu Hải Phòng đối với việc thua lỗ, dẫn đến nợ Ngân hàng cũng cần phải được xác minh làm rõ, vì vậy cần phải đưa Tổng Công ty xuất nhập khẩu Hải Phòng vào tham gia vụ án với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
- Đối với trách nhiệm của Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam trong việc mở L/C có tuân thủ đúng pháp luật hay không? Có phù hợp với với Nghị định số 58/CP ngày 30-8-1993 của Chính phủ, Quyết định số23/QĐ-NH14 ngày 21-02-1994 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam và các quy định khác của pháp luật về việc mở và thanh toán L/C trả chậm với nước ngoài, trong đó có việc chấp nhận bộ chứng từ thanh toán có đúng trong thời hạn của L/C hay không cần phải được xác minh làm rõ. Trên cơ sở đó để xem xét lỗi và trách nhiệm của từng bên đối với thiệt hại của thương vụ này.
Vì vậy, cần phải huỷ bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm về vụ án này, giao hồ sơ vụ án cho Toà án cấp sơ thẩm chứng minh, thu thập chứng cứ và xét xử lại vụ án theo thủ tục chung.
Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 291, khoản 3 Điều 297, khoản 1 và khoản 2 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự;
QUYẾT ĐỊNH:
Huỷ bản án kinh tế phúc thẩm số 154/KTPT ngày 10-9-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội và bản án kinh tế sơ thẩm
số 02/KTST ngày 08-3-2004 của Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng.
Giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng giải quyết, xét xử sơ thẩm lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
____________________________________________
- Lý do huỷ bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm:
1. Cần làm rõ thêm một số tình tiết trong vụ án;
2. Đưa tổng Công ty xuất nhập khẩu Hải Phòng vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
- Nguyên nhân dẫn dến việc huỷ các bản án sơ thẩm và phúc thẩm:
1.Thiếu sót trong việc xác minh, làm rõ một số tình tiết quan trọng, có ý nghĩa trong việc xác định lỗi và trách nhiệm của từng bên trong vụ án;
2.Thiếu sót trong việc xác định người tham gia tố tụng.
Cập nhật bởi phamthanhhuu ngày 25/05/2013 04:36:27 CH