Theo báo dantri.com.vn, một cô chủ trường mầm non tư thục tại Bình Dương quyết định cắt giảm 1/3 giáo viên tại trường vì không đủ khả năng trả lương trong mùa dịch Corona. Đây không phải là trường hợp duy nhất thực hiện việc này.
Đây được xem là trường hợp mà người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do bất khả kháng theo quy định tại Điều 38 Bộ luật lao động 2012, cụ thể như sau:
“1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:
…
c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;
…”
Trong đó khái niệm “lý do bất khả kháng” được liệt kê là do địch họa, dịch bệnh; do di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (quy định tại Nghị định 05/2015/NĐ-CP)
Có thể thấy, việc các cơ sở giáo dục tự chủ tài chính cắt giảm biên chế giáo viên vì mất nguồn thu do dịch bệnh Corona là phù hợp với quy định pháp luật khi dịch bệnh viêm phổi nCoV được cảnh báo ở mức đại dịch toàn cầu dẫn đến việc học bị đình trề dài hạn (điều mà NSDLĐ không thể khắc phục được).
*Quyền lợi của người lao động khi bị buộc thôi việc vì dịch bệnh nCoV
- Thứ nhất, trách nhiệm của NSDLĐ khi chấm dứt HĐLĐ
Theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định 148/2018/NĐ-CP hướng dẫn trách nhiệm của NSDLĐ khi chấm dứt hợp đồng với NLĐ, cụ thể như sau:
"Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động và người lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên. Trường hợp đặc biệt, thời hạn thanh toán có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, thuộc một trong các trường hợp sau:
...
2. Người sử dụng lao động hoặc người lao động gặp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm;
..."
Như vậy, trong vòng 07 ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến người lao đồng (ví dụ: lương chưa chi trả). Trường hợp gặp thiên tai, dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể gia hạn thời gian nhưng không quá 30 ngày.
- Thứ hai, trường hợp đơn phương chấm dứt HĐ trái luật
Theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Bộ luật lao động 2012, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì NSDLĐ phải thông báo ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn.
Trường hợp NSDLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật do vi phạm thời hạn mà NSDLĐ không muốn nhận người lao động trở lại làm việc thì phải trả cho NLĐ các khoản theo hướng dẫn tại Công văn 4754/LĐTBXH-LĐTL , bao gồm:
- Tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất hai tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có);
- Trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 42 của Bộ luật lao động;
- Khoản tiền bồi thường thêm để chấm dứt hợp đồng lao động do hai bên thỏa thuận.
- Bồi thường một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.
Cập nhật bởi pigreen ngày 18/02/2020 08:27:14 SA