Ngày 03/11/2022, Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Quyết định 02/2022/QĐ-KTNN về Quy định theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.
Theo đó, Quy định ban hành kèm theo Quyết định nêu rõ Kiểm toán nhà nước tổ chức thực hiện kiểm tra cơ quan theo trình tự, thủ tục như sau:
(1) Công bố quyết định và kế hoạch kiểm tra
Chậm nhất sau 15 ngày làm việc kể từ ngày ký ban hành quyết định kiểm tra, Trưởng Đoàn kiểm tra phải tổ chức công bố quyết định, kế hoạch kiểm tra với đơn vị được kiểm tra.
Thành phần dự cuộc họp phải có:
- Thủ trưởng đơn vị được kiểm tra (hoặc người được ủy quyền).
- Trưởng Đoàn kiểm tra công bố toàn văn Quyết định kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Trong đó, thông báo mục đích, yêu cầu của cuộc kiểm tra, nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền, trách nhiệm của Đoàn kiểm tra.
Đồng thời. quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của đơn vị được kiểm tra và thống nhất sự phối hợp hoạt động giữa Đoàn kiểm tra và đơn vị được kiểm tra.
(2) Thực hiện kiểm tra
Căn cứ Kế hoạch kiểm tra đã được duyệt, Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra, từ đó đưa ra đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị về việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; cụ thể:
- Nội dung kiểm tra chủ yếu:
+ Việc lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể lãnh đạo, người đứng đầu trong việc chỉ đạo, điều hành thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.
+ Thời hạn báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán so với quy định.
+ Tình hình thực hiện đối với các kết luận, kiến nghị kiểm toán (bao gồm cả những kết luận, kiến nghị chưa thực hiện những năm trước).
+ Xác định những kết luận, kiến nghị kiểm toán đã thực hiện, đang thực hiện, chưa thực hiện; nguyên nhân của kết luận và kiến nghị xử lý.
- Hoạt động nghiệp vụ kiểm tra chủ yếu:
+ Yêu cầu đơn vị được kiểm tra cung cấp tài liệu như:
Báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán của tổ chức, đơn vị.
Bằng chứng thực hiện kiến nghị kiểm toán.
Văn bản khiếu nại, kiến nghị của đơn vị về kết luận, kiến nghị kiểm toán và tài liệu liên quan (nếu có).
+ Nghiên cứu, phân tích, xem xét, xử lý thông tin và số liệu, bằng chứng để kiểm tra.
+ Yêu cầu giải trình, đối thoại chất vấn, xác minh, làm việc với cơ quan liên quan để làm rõ, xác nhận tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán phải được thể hiện bằng văn bản để làm căn cứ kết luận.
- Phương pháp kiểm tra chủ yếu:
+ Phương pháp đối chiếu.
+ Phương pháp phỏng vấn.
+ Phương pháp phân tích.
+ Phương pháp tổng hợp.
(3) Thực hiện thông tin, báo cáo trong quá trình kiểm tra
Đối với thành viên Đoàn kiểm tra:
Trong quá trình kiểm tra, các thành viên có trách nhiệm thường xuyên báo cáo với Trưởng đoàn về tình hình, kết quả công việc được phân công và những vấn đề cần xin ý kiến chỉ đạo. Chế độ báo cáo được quy định cụ thể trong Kế hoạch kiểm tra.
Đối với Trưởng Đoàn kiểm tra:
- Trong quá trình kiểm tra, Trưởng Đoàn kiểm tra có trách nhiệm báo cáo tình hình, kết quả kiểm tra theo yêu cầu của Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm tra.
Trong báo cáo nêu rõ những thuận lợi, khó khăn, nội dung, kết quả kiểm tra, những vấn đề cần phải xin ý kiến chỉ đạo và kế hoạch tiếp theo.
- Trường hợp vấn đề khó khăn vướng mắc vượt khả năng và thẩm quyền của Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm tra thì Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm tra báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước xin ý kiến chỉ đạo.