Quy trình tiêu hủy tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu?

Chủ đề   RSS   
  • #601777 13/04/2023

    Quy trình tiêu hủy tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu?

    Tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu là một trong những công việc mà cơ quan nhà nước phải thực hiện khi tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đó thuộc các trường hợp như: văn hoá phẩm độc hại, hàng giả không có giá trị sử dụng, vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi,... Vậy quy trình tiêu hủy được thực hiện như thế nào mới đúng quy định?

    Hiện nay việc tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu căn cứ theo quy định nào?

    Trước đây tại Điều 82 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 có quy định về việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu. Tuy nhiên hiện nay quy định này đã được bãi bỏ bởi khoản 75 Điều 1 Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020.

    Mặc khác, tại khoản 42 Điều 1 Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 đã bổ sung cho Điều 81  Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 như sau: “Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã có quyết định tịch thu được xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công”.

    Như vậy, hiện nay việc tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sẽ được thực hiện theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sẽ là tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân – tài sản công theo quy định tại khoản 1 Điều 3 và điểm a khoản 1 Điều 106 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017.

    Các hình thức tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu:

    Các hình thức tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu được quy định tại khoản 2 Điều 46 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017, bao gồm:

    - Sử dụng hóa chất;

    - Sử dụng biện pháp cơ học;

    - Hủy đốt, hủy chôn;

    - Hình thức khác theo quy định của pháp luật.

    Thẩm quyền ra quyết định tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu:

    Thẩm quyền ra quyết định tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu được quy định tại Điều 32 Nghị định 151/2017/NĐ-CP, cụ thể như sau:

    - Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định tiêu hủy tài sản công tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương.

    - Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định tiêu hủy tài sản công tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

    Hồ sơ, trình tự, thủ tục tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu:

    Hồ sơ, trình tự, thủ tục tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu được quy định tại Điều 33 Nghị định 151/2017/NĐ-CP, cụ thể như sau:

    - Khi có tài sản công thuộc các trường hợp phải tiêu hủy, cơ quan nhà nước có tài sản lập 01 bộ hồ sơ đề nghị tiêu hủy tài sản công gửi cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) để xem xét, đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại Điều 32 Nghị định 151/2017/NĐ-CP xem xét, quyết định.

    - Hồ sơ đề nghị tiêu hủy tài sản công gồm:

    + Văn bản đề nghị tiêu hủy tài sản công của cơ quan nhà nước được giao quản lý, sử dụng tài sản công (trong đó nêu rõ hình thức tiêu hủy, trách nhiệm tổ chức tiêu hủy tài sản, dự kiến kinh phí tiêu hủy): 01 bản chính;

    + Văn bản đề nghị tiêu hủy tài sản công của cơ quan quản lý cấp trên (nếu có): 01 bản chính;

    + Danh mục tài sản đề nghị tiêu hủy (chủng loại, số lượng; tình trạng; nguyên giá, giá trị còn lại theo sổ kế toán; lý do tiêu hủy): 01 bản chính;

    + Các hồ sơ khác có liên quan đến đề nghị tiêu hủy tài sản (nếu có): 01 bản sao.

    - Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại Điều 32 Nghị định 151/2017/NĐ-CP quyết định tiêu hủy tài sản công hoặc có văn bản hồi đáp trong trường hợp đề nghị tiêu hủy không phù hợp.

    - Nội dung chủ yếu của Quyết định tiêu hủy tài sản công gồm:

    + Cơ quan nhà nước có tài sản tiêu hủy;

    + Danh mục tài sản tiêu hủy (chủng loại, số lượng; nguyên giá, giá trị còn lại theo sổ kế toán; lý do tiêu hủy);

    + Hình thức tiêu hủy;

    + Trách nhiệm tổ chức thực hiện việc tiêu hủy tài sản (theo nhiệm vụ do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao theo quy định tại khoản 3 Điều 46 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017).

    - Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định tiêu hủy của cơ quan, người có thẩm quyền, cơ quan được giao nhiệm vụ tiêu hủy tài sản công có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

    - Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc tiêu hủy tài sản, cơ quan nhà nước có tài sản tiêu hủy hạch toán giảm tài sản; báo cáo kê khai biến động tài sản công theo quy định tại Điều 126, Điều 127 Nghị định 151/2017/NĐ-CP

    - Kinh phí tiêu hủy tài sản công tại cơ quan nhà nước do ngân sách nhà nước bảo đảm.

    Như vậy, hiện nay toàn bộ quy trình tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sẽ được thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 và các văn bản hướng dẫn cho nó.

     
    21458 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn vantrinh4120@gmail.com vì bài viết hữu ích
    ThanhLongLS (14/04/2023)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận