Có thể thực hiện công chứng online không? Điều kiện công chứng online là gì? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé
>>> Bài viết dựa trên Dự thảo Luật công chứng sửa đổi cập nhật ngày 20/5/2024
>>> Xem cập nhật mới nhất tại: Dự thảo Luật công chứng sửa đổi
(1) Điều kiện công chứng online
Thực tế, hiện nay việc công chứng chỉ đang được diễn ra bằng hình thức thực hiện trực tiếp tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng hoặc công chứng viên sẽ công chứng ngoài trụ sở đối với các trường hợp có lý do chính đáng để công chứng ngoài trụ sở.
Nghĩa là dù công chứng tại trụ sở hay ngoài trụ sở thì công chứng viên đều phải gặp mặt, làm việc trực tiếp với người yêu cầu công chứng, chứng kiến bằng mắt, nghe bằng tai những gì mình sắp sửa công chứng, chứng thực.
Tuy nhiên, để bắt nhịp theo công cuộc chuyển đổi số các dịch vụ công, tại dự thảo Luật Công chứng sửa đổi, có một mục quy định về việc Công chứng điện tử. Hình thức công chứng điện tử này có thể xem là hình thức công chứng online. Đây là một hình thức công chứng hoàn toàn mới. Cùng tìm hiểu một số quy định về việc công chứng điện tử này nhé.
Theo đề xuất tại Điều 60 dự thảo Luật Công chứng sửa đổi, điều kiện để cung cấp dịch vụ công chứng điện tử được quy định như sau:
Điều kiện đối với công chứng viên:
- Đã đăng ký tài khoản tại cơ sở dữ liệu công chứng
- Đã đăng ký chữ ký số và dịch vụ cấp dấu thời gian theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử
Điều kiện đối với tổ chức hành nghề công chứng
- Đã đăng ký tài khoản tại cơ sở dữ liệu công chứng
- Đã đăng ký chữ ký số và dịch vụ cấp dấu thời gian theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử
- Có đầy đủ trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện công chứng điện tử
Như vậy, điều kiện để cung cấp dịch vụ công chứng điện tử hiện tại chỉ quy định đối với công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng mà không có quy định đối với người yêu cầu công chứng.
Theo đó, công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng tương đối là giống nhau là đều phải đăng ký tài khoản tại cơ sở dữ liệu công chứng và đăng ký chữ ký số, dich vụ cấp dấu thời gian. Tổ chức hành nghề công chứng có thêm một điều kiện là phải trang bị các thiết bị kỹ thuật để thực hiện được việc công chứng điện tử.
(2) Quy trình, thủ tục công chứng online thế nào?
Theo đề xuất tại Điều 62 dự thảo Luật Công chứng sửa đổi, quy trình, thủ tục công chứng điện tử được quy định như sau:
Việc công chứng điện tử được thực hiện theo quy trình công chứng điện tử trực tiếp hoặc công chứng điện tử trực tuyến:
- Công chứng điện tử trực tiếp là việc người yêu cầu công chứng giao kết giao dịch trước sự chứng kiến trực tiếp của công chứng viên; công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng xác nhận giao dịch bằng chữ ký số để tạo ra văn bản công chứng điện tử.
- Công chứng điện tử trực tuyến là việc người yêu cầu công chứng giao kết giao dịch thông qua phương tiện trực tuyến trước sự chứng kiến của công chứng viên; công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận giao dịch bằng chữ ký số để tạo ra văn bản công chứng điện tử.
- Thủ tục công chứng điện tử thực hiện theo quy định tại mục 1, mục 2 của Chương V dự thảo Luật Công chứng sửa đổi.
Theo đề xuất trên, dịch vụ công chứng điện tử sẽ chia thành hai loại là công chứng điện tử trực tiếp và công chứng điện tử trực tuyến. Theo đề xuất về hình thức công chứng điện tử trực tuyến, có thể thấy hình thức này khá giống với việc công chứng online, người yêu cầu công chứng có thể thực hiện công chứng tại nhà, thông qua phương tiện trực tuyến nhưng phải trước sự chứng kiến của công chứng viên.
Về thủ tục, công chứng điện tử được quy định thực hiện thủ tục công chứng giống với thủ tục công chứng tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
Tuy nhiên, việc công chứng điện tử cũng phải tuân thủ theo một số các nguyên tắc như:
- Bảo đảm an ninh, an toàn, bảo vệ thông điệp dữ liệu và bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật.
- Công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng được cung cấp dịch vụ công chứng điện tử khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 60 dự thảo Luật Công chứng sửa đổi
(Căn cứ Điều 59 dự thảo Luật Công chứng sửa đổi)
Có thể thấy, công chứng điện tử là một khái niệm hoàn toàn mới, do đó, căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội, nhu cầu và khả năng cung cấp dịch vụ công chứng điện tử trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ quy định về phạm vi các giao dịch được công chứng điện tử.
Luật công chứng sửa đổi đang được thảo luận và xem xét thông qua tại Kỳ họp Quốc hội thứ 7.
>>> Bài viết dựa trên Dự thảo Luật công chứng sửa đổi cập nhật ngày 20/5/2024
>>> Xem cập nhật mới nhất tại: Dự thảo Luật công chứng sửa đổi