Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại

Chủ đề   RSS   
  • #465673 26/08/2017

    trang_u
    Top 25
    Female
    Đại học

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:18/11/2015
    Tổng số bài viết (2972)
    Số điểm: 44888
    Cảm ơn: 1413
    Được cảm ơn 1721 lần


    Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại

    Bộ Tư pháp vừa công bố Dự thảo Thông tư ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại, dự kiến sẽ tổ chức Tọa đàm về vấn đề này, vào ngày 28/8/2017 tại TP.HCM.

    Chương I: QUY TẮC CHUNG

    Điều 1. Bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức

    Thừa phát lại có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc, vì lợi ích của nhân dân, bằng hoạt động nghề nghiệp của mình góp phần thể hiện tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong xã hội.

    Điều 2. Đảm bảo tính độc lập, chặt chẽ

    1. Với địa vị và thông qua hoạt động của mình để thi hành quyền lực được Nhà nước trao, Thừa phát lại phải giữ độc lập hoàn toàn, trong mọi tình huống, đối với người yêu cầu, các bên liên quan, nhằm đảm bảo tính công minh, trung thực là những cơ sở để tạo dựng lòng tin với người khác.

    2. Thừa phát lại phải thực hiện công việc được giao một cách chặt chẽ, tuân thủ nghiêm ngặt pháp luật và các quy định của Quy tắc này.

    Điều 3. Tôn trọng, bảo vệ uy tín, thanh danh nghề nghiệp

    1. Thừa phát lại có trách nhiệm coi trọng, giữ gìn uy tín nghề nghiệp, không được có hành vi làm tổn hại đến danh dự, uy tín cá nhân, thanh danh nghề nghiệp.

    2. Thừa phát lại cần phải ứng xử văn minh, lịch sự trong hành nghề; lành mạnh trong lối sống để nhận được sự yêu quý, tôn trọng, tin cậy và vinh danh của đồng nghiệp, người yêu cầu và xã hội về bản thân và nghề nghiệp của mình.

    Điều 4. Rèn luyện, tu dưỡng bản thân

    Thừa phát lại phải không ngừng trau dồi đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn, tích cực tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và nỗ lực tìm tòi để nâng cao chất lượng công việc và phục vụ người yêu cầu.

    Chương II: QUAN HỆ VỚI NGƯỜI YÊU CẦU

    Điều 5. Trách nhiệm trong việc thực hiện yêu cầu

    1. Thừa phát lại phải tận tâm với công việc, phát huy năng lực, sử dụng kiến thức chuyên môn, các kỹ năng nghề nghiệp để bảo đảm tốt nhất chất lượng, hiệu quả công việc; có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết yêu cầu của cá nhân, tổ chức một cách nhanh chóng, kịp thời, trách nhiệm khi yêu cầu đó không vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội.

    2. Thừa phát lại sẵn sàng tiếp nhận và giải quyết kịp thời các yêu cầu của người yêu cầu bằng cách không ngại khó, ngại khổ.

    3. Thừa phát lại phải giải thích cho người yêu cầu hiểu rõ về quyền, nghĩa vụ, hậu quả pháp lý phát sinh của việc thực hiện yêu cầu, nhất là giá trị pháp lý của vi bằng.

    4. Thừa phát lại có trách nhiệm cung cấp cho người yêu cầu các thông tin có liên quan về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm nghề nghiệp của Thừa phát lại trong hành nghề Thừa phát lại theo yêu cầu của họ.

    Điều 6. Bảo mật thông tin, bảo quản hồ sơ công việc

    1. Thừa phát lại có trách nhiệm giữ bí mật các thông tin trong hồ sơ công việc và tất cả thông tin biết được về nội dung công việc trong quá trình hành nghề cũng như khi không còn là Thừa phát lại; trừ trường hợp được sự đồng ý bằng văn bản của người yêu cầu hoặc pháp luật có quy định khác.

    2. Thừa phát lại có trách nhiệm bảo quản cẩn thận hồ sơ công việc trong quá trình giải quyết yêu cầu và bàn giao đầy đủ hồ sơ công việc theo quy định của pháp luật.

    3. Thừa phát lại có trách nhiệm hướng dẫn Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại, nhân viên của Văn phòng mình không được tiết lộ bí mật thông tin về công việc mà họ biết theo nội quy, quy chế của Văn phòng, quy định của pháp luật; đồng thời, giải thích rõ trách nhiệm pháp lý của họ trong trường hợp tiết lộ những thông tin đó, trừ trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của người yêu cầu hoặc pháp luật có quy định.

    Điều 7. Đối xử bình đẳng giữa những người yêu cầu

    Thừa phát lại không được phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, địa vị xã hội, khả năng tài chính, tuổi tác giữa những người yêu cầu khi họ đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định pháp luật để thực hiện việc yêu cầu, bảo đảm đối xử bình đẳng giữa những người yêu cầu.

    Điều 8. Thu chi phí, thù lao

    Thừa phát lại có trách nhiệm thu đúng, thu đủ và công khai chi phí, thù lao theo thỏa thuận; khi thu chi phí, thù lao phải ghi hóa đơn, chứng từ đầy đủ và thông báo cho người yêu cầu biết rõ về các khoản thu và số tiền mà họ phải nộp.

    Điều 9. Những việc Thừa phát lại không được làm trong quan hệ với người yêu cầu

    1. Sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người yêu cầu.

    2. Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ người yêu cầu ngoài chi phí, thù lao đã được xác định, thỏa thuận.

    3. Nhận tiền hoặc bất kỳ lợi ích vật chất nào khác từ người thứ ba để thực hiện hoặc không thực hiện yêu cầu dẫn tới hậu quả gây thiệt hại đến lợi ích chính đáng của người yêu cầu và các bên liên quan.

    4. Tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của mình mà không được sự đồng ý bằng văn bản của người yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật cho phép; sử dụng thông tin về hoạt động của Thừa phát lại để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

    5. Thực hiện yêu cầu trong trường hợp mục đích và nội dung của yêu cầu vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội.

    6. Gây áp lực, ép buộc người yêu cầu phải sử dụng dịch vụ của mình hoặc Văn phòng mình.

    7. Lập vi bằng có liên quan về mặt lợi ích giữa Thừa phát lại và người yêu cầu.

    8. Tư vấn, xúi giục, tạo điều kiện cho người yêu cầu thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật hoặc các hành vi gian dối khác.

    9. Không giải thích hoặc giải thích không đầy đủ cho người yêu cầu về quyền, nghĩa vụ và hậu quả pháp lý của việc thực hiện yêu cầu, nhất là giá trị pháp lý của vi bằng.

    10. Thông đồng, tạo điều kiện cho người yêu cầu xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

    11. Trả tiền hoa hồng, chiết khấu cho người yêu cầu hoặc người môi giới.

    12. Đưa ra những lời hứa hẹn nhằm lôi kéo người yêu cầu hoặc tự ý thu tăng hoặc giảm chi phí, thù lao đã được xác định, thỏa thuận.

    13. Câu kết, thông đồng với người yêu cầu, những người có liên quan làm sai lệch nội dung của vi bằng, hồ sơ công việc đã thực hiện hoặc hành vi gian dối khác.

    14. Không mặc trang phục, không đeo Thẻ Thừa phát lại hoặc có mặc trang phục, có đeo Thẻ Thừa phát lại nhưng không đúng quy định; sử dụng rượu, bia hoặc chất kích thích khác trong quá trình làm việc, tiếp xúc với người yêu cầu.

    Chương III:  QUAN HỆ VỚI ĐỒNG NGHIỆP, VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI, TỔ CHỨC XÃ HỘI - NGHỀ NGHIỆP CỦA THỪA PHÁT LẠI

    Điều 10. Quan hệ của Thừa phát lại với đồng nghiệp, Văn phòng Thừa phát lại, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Thừa phát lại

    1. Tôn trọng, bảo vệ danh dự của đồng nghiệp; giữ gìn và phát huy tinh thần đoàn kết, thân thiện, hợp tác, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ.

    2. Có trách nhiệm giám sát lẫn nhau, tận tâm và kiên quyết đấu tranh loại bỏ những hành vi sai trái trong hành nghề trên cơ sở tôn trọng đồng nghiệp, bảo đảm bí mật nghề nghiệp, vì sự phát triển bền vững của nghề Thừa phát lại.

    3. Khi phát hiện đồng nghiệp có sai sót trong hành nghề, Thừa phát lại có nghĩa vụ góp ý thẳng thắn nhưng không được hạ thấp danh dự, uy tín của đồng nghiệp và báo cáo với cá nhân, cơ quan có trách nhiệm nếu đó là hành vi vi phạm pháp luật hoặc gây tổn hại đến thanh danh nghề nghiệp.

    4. Chấp hành các nội quy, quy chế của Văn phòng Thừa phát lại, điều lệ của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Thừa phát lại mà mình là thành viên, đóng phí thành viên tổ chức xã hội - nghề nghiệp mà mình là thành viên.

    5. Hướng dẫn, giúp đỡ những đồng nghiệp mới vào nghề; tăng cường trao đổi nghiệp vụ với các đồng nghiệp, giúp nhau cùng tiến bộ.

    6. Tham gia vào các hoạt động nghề nghiệp và hoạt động xã hội khác do Nhà nước, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại tổ chức hoặc phát động nhằm đóng góp vào sự phát triển chung của nghề Thừa phát lại.

    Điều 11. Những việc Thừa phát lại không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp, Văn phòng Thừa phát lại

    1. Xúc phạm hoặc có hành vi làm tổn hại uy tín của đồng nghiệp, Văn phòng Thừa phát lại.

    2. Gây áp lực, đe dọa hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội để giành lợi thế cho mình hoặc Văn phòng mình trong hành nghề trước Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại khác.

    3. Tiến hành bất kỳ hành vi quảng cáo bản thân và Văn phòng của mình không đúng quy định của pháp luật nhằm cạnh tranh không lành mạnh với Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại khác.

    5. Hoạt động môi giới, nhận hoặc đòi tiền hoa hồng khi giới thiệu cho đồng nghiệp về yêu cầu mà mình không đảm nhận.

    6. Mở chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch khác ngoài trụ sở Văn phòng Thừa phát lại.

    7. Các hành vi khác trái đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật.

    Điều 12. Quan hệ với người tập sự hành nghề Thừa phát lại

    1. Thừa phát lại có bổn phận tham gia vào công tác hướng dẫn tập sự hành nghề Thừa phát lại; nêu cao trách nhiệm, tận tâm truyền đạt kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm nghề nghiệp đối với người tập sự hành nghề Thừa phát lại.

    2. Thừa phát lại hướng dẫn tập sự không được thực hiện những việc sau:

    a) Phân biệt đối xử với những người tập sự do mình hướng dẫn;

    b) Đòi hỏi lợi ích vật chất, tiền bạc từ người tập sự;

    c) Thông đồng với người tập sự để báo cáo sai sự thật, báo cáo khống về kết quả tập sự;

    d) Lợi dụng tư cách là người hướng dẫn tập sự để buộc người tập sự phải làm những việc không thuộc phạm vi tập sự hoặc những hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội nhằm đạt được những lợi ích cho mình.

    Chương IV: QUAN HỆ VỚI CHẤP HÀNH VIÊN, CƠ QUAN THI HÀNH ÁN DÂN SỰ, VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN, TÒA ÁN NHÂN DÂN VÀ CƠ QUAN, TỔ  CHỨC, CÁ NHÂN KHÁC

    Điều 13. Quan hệ với Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự

    1. Sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ trong công việc hướng tới hiệu quả công việc cao nhất; vì mục tiêu phát triển nghề nghiệp.

    2. Không có hành vi sai trái, lệch chuẩn nào gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín của Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự.

    3. Không có hành vi thông đồng, câu kết với Chấp hành viên trong quá trình hành nghề, gây tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu và các bên liên quan.

    4. Tích cực trao đổi, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng giải quyết các công việc được giao với Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự.

    5. Khi phát hiện Chấp hành viên có hành vi sai phạm trong thực thi công vụ thì phải có trách nhiệm báo cáo với cá nhân, cơ quan có trách nhiệm để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

    6. Trách nhiệm trong việc thực hiện thỏa thuận tống đạt đã ký với cơ quan thi hành án dân sự.

    Điều 14. Quan hệ với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân

    1. Tuân thủ nghiêm sự kiểm sát của Kiểm sát viên, Viện kiểm sát nhân dân trong hoạt động hành nghề; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ báo cáo phục vụ hoạt động kiểm sát của Kiểm sát viên, Viện kiểm sát nhân dân theo quy định.

    2. Nỗ lực, trách nhiệm, kịp thời trong việc tổ chức thi hành đúng nội dung các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân được yêu cầu; phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với Tòa án nhân dân trong việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án.

    3. Có trách nhiệm cùng với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân bảo đảm các bản án, quyết định của Tòa án chính xác, đúng pháp luật để tổ chức thi hành, bảo đảm tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật.

    4. Phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân trong việc xem xét, đánh giá tính xác thực của vi bằng.

    5. Trách nhiệm trong việc thực hiện thỏa thuận tống đạt đã ký với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân.

    Điều 15. Quan hệ với cơ quan, tổ chức, cá nhân khác

    Thừa phát lại phải tuân thủ quy định của pháp luật trong khi làm việc với các cơ quan nhà nước, cá nhân, tổ chức khác; có thái độ lịch sự, tôn trọng cán bộ, công chức, cá nhân, tổ chức khác trong quá trình thực thi nhiệm vụ, liên hệ công tác.

    Mời các bạn xem chi tiết tại file đính kèm. 

     
    11943 | Báo quản trị |  
    2 thành viên cảm ơn trang_u vì bài viết hữu ích
    Quihihi2003 (01/03/2022) anthuylaw (28/08/2017)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #465696   26/08/2017

    Trước có người bạn làm ở thừa phát lại mình cũng chỉ biết làm giấy tờ hồ sơ liên quan tới thru tục hành chính hay gì gì đó liên quan tới luật chứ cũng chưa tìm hiểu rõ cụ thể xem thừa phát lại là làm công việc gì. Chắc phải tìm hiểu thêm.

     
    Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn yenhuong94 vì bài viết hữu ích
    tuyet38 (26/08/2017)
  • #465710   26/08/2017

    tuyet38
    tuyet38
    Top 500
    Female
    Mầm

    Gia Lai, Việt Nam
    Tham gia:27/09/2016
    Tổng số bài viết (126)
    Số điểm: 735
    Cảm ơn: 8
    Được cảm ơn 20 lần


    yenhuong94 viết:

    Trước có người bạn làm ở thừa phát lại mình cũng chỉ biết làm giấy tờ hồ sơ liên quan tới thru tục hành chính hay gì gì đó liên quan tới luật chứ cũng chưa tìm hiểu rõ cụ thể xem thừa phát lại là làm công việc gì. Chắc phải tìm hiểu thêm.

    Nguyên tắc vẫn chỉ là nguyên tắc rồi thực hiện sẽ như thế nào.

    " những vẫn đề về thừa phát lại còn nhiều lắm ví dụ như những người làm nghề này liên quan về những giấy tờ cần tống đạt đi của các cơ quan chức năng. Thay đổi trong nghề này cũng ổn định nên mình nghĩ bạn không mất quá nhiều thời gian để tìm hiểu đâu"

    Cố gắng lên nhé

     
    Báo quản trị |  
  • #465827   28/08/2017

    anthuylaw
    anthuylaw
    Top 50
    Female
    Lớp 9

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:29/04/2017
    Tổng số bài viết (1322)
    Số điểm: 11747
    Cảm ơn: 252
    Được cảm ơn 273 lần


    Liên quan tới thừa phát lại mình thường nghĩ đến việc thực hiện các thủ tục giấy tờ, hồ sơ như lập vi bằng... mình cũng chưa có điều kiện tìm hiểu chuyên sâu về thừa phát lại. Nay thì địa vị pháp lý của thừa phát lại được quy định cụ thể, rõ ràng mình sẽ dành thời gian để tìm hiểu thêm về nó.

    Không có gì là không thể.

     
    Báo quản trị |  
  • #465841   28/08/2017

    Trantranglong
    Trantranglong
    Top 500
    Female


    Nghệ An, Việt Nam
    Tham gia:18/05/2017
    Tổng số bài viết (292)
    Số điểm: 1970
    Cảm ơn: 30
    Được cảm ơn 52 lần


    Mình cũng đã tìm hiểu những quy định về thừa phát lại mình thấy, đây là một chế định tiến bộ cần được nhân rộng. Thừa phát lại phần nào đó hỗ trợ giúp cho hoạt động tư pháp đúng phát luật, giúp làm giảm khối lượng công việc cho các cơ quan nhà nước, giảm số lượng án còn tông đọng tại các cơ quan tư pháp.

     
    Báo quản trị |