Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP về việc hướng dẫn thi hành một số quy định trong
Phần thứ nhất "Những quy định chung của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004" do Hội
đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ban hành
2. Về quy định tại điểm d khoản 2
Điều 58 của BLTTĐS
2.1. Đương sự chỉ được yêu cầu ghi
chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án trước khi Toà án mở phiên
toà xét xử vụ án- Khi có yêu cầu ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ, thì họ
phải làm đơn gửi Toà án có thẩm quyền. Nếu họ trực tiếp đến Toà án trình bày yêu
cầu được ghi chép, sao chụp tài liệu chứng cứ, thì họ cũng phải thể hiện bằng
văn bản nộp cho Toà án.
Nếu đương sự là người không biết
chữ, thì Toà án lập biên bản ghi rõ yêu cầu của họ. Biên bản phải được đọc lại
cho người có yêu cầu nghe, ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận.
Đơn hoặc văn bản yêu cầu phải ghi
cụ thể các tên tài liệu, chứng cứ mà mình cần ghi chép, sao chụp.
2.2. Trên cơ sở đề nghị của đương
sự, Toà án tạo điều kiện cho họ được ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ mà họ
có yêu cầu- Tuy nhiên, theo quy định về chế độ bảo quản hồ sơ vụ án, về trách
nhiệm của cán bộ, công chức của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc bảo
quản hồ sơ vụ án, thì Toà án yêu cầu đương sự thực hiện quyền ghi chép, sao chụp
các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án như sau:
a. Toà án cung cấp cho đương sự
những tài liệu, chứng cứ cần ghi chép, sao chụp theo yêu cầu của họ, để họ thực
hiện việc ghi chép, sao chụp bằng máy ảnh hoặc phương tiện kỹ thuật khác của họ.
Các tài liệu chứng cứ đó phải liên quan đến vụ án, không liên quan đến bí mật
nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư. Nếu không cung
cấp tài liệu nào theo đề nghị của đương sự thì cần nêu rõ lý do.
b. Trong trường hợp đương sự không
có máy ảnh hoặc phương tiện kỹ thuật khác để tự mình thực hiện việc sao chụp và
nhờ Toà án sao chụp giúp, thì tuỳ theo các điều kiện cụ thể, lực lượng cán bộ
của Toà án mà có thể sao chụp giúp được thì đương sự phải trả chi phí sao chụp
theo quy định chung.
Việc sao chụp có thể được thực
hiện ngay hoặc có thể trong một thời hạn hợp lý do Toà án ấn định.
c. Việc ghi chép, sao chụp phải
được thực hiện tại trụ sở của Toà án dưới sự giám sát của cán bộ Toà án và phải
tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật nghề
nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư.