Quy định về tiêu chuẩn tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Ngoại giao Việt Nam

Chủ đề   RSS   
  • #614299 19/07/2024

    Quy định về tiêu chuẩn tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Ngoại giao Việt Nam

    Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Ngoại giao Việt Nam” là hình thức khen thưởng của Bộ Ngoại giao được xét tặng hằng năm nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập ngành Ngoại giao hoặc xét tặng đột xuất theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho cá nhân có đóng góp vào triển khai các nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao, xây dựng và phát triển ngành Ngoại giao.
     
    Hiện nay tiêu chuẩn xét tặng đối với kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Ngoại giao Việt Nam” được quy định cụ thể với từng đối tượng theo quy định tại Điều 7 Thông tư 01/2024/TT-BNG có hiệu lực từ 29/08/2024 như sau:
     
    Đối với cá nhân công tác trong ngành Ngoại giao
     
    Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Ngoại giao Việt Nam” được xét tặng đối với cá nhân công tác trong ngành Ngoại giao đạt một trong các tiêu chuẩn sau:
     
    - Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Bộ Ngoại giao không tính thâm niên công tác khi xét tặng Kỷ niệm chương.
     
    - Cá nhân có tổng thời gian công tác tại Bộ Ngoại giao và/hoặc các Cơ quan đại diện từ 20 năm trở lên đối với nam và 15 năm đối với nữ; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian công tác.
     
    - Cá nhân chuyển từ cơ quan khác về Bộ Ngoại giao công tác, nếu chưa có đủ tổng thời gian công tác tại Bộ Ngoại giao và/hoặc các Cơ quan đại diện thì được xét tặng trước khi nghỉ hưu nếu có đủ 30 năm công tác liên tục trở lên đối với nam và đủ 20 năm trở lên đối với nữ, trong đó có ít nhất 10 năm công tác tại Bộ Ngoại giao và/hoặc Cơ quan đại diện.
     
    - Thâm niên công tác để xét tặng Kỷ niệm chương được tính như sau:
     
    + Thời gian công tác được tính từ ngày có quyết định tuyển dụng, điều động đến thời điểm đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương hoặc đến ngày quyết định nghỉ hưu; thời gian công tác theo diện hợp đồng ngắn hạn không tính vào thâm niên công tác.
     
    + Cá nhân được cử đi học, đi nghĩa vụ quân sự hoặc biệt phái sang cơ quan khác sau đó trở lại Bộ Ngoại giao công tác thì được tính công tác liên tục trong ngành Ngoại giao.
     
    + Cá nhân có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân dẫn đến bị thương tích cần điều trị, điều dưỡng thì thời gian điều trị, điều dưỡng được tính vào thâm niên công tác.
     
    + Cá nhân công tác tại Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện không liên tục thì thời gian công tác được cộng dồn tổng số thời gian làm việc tại các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện; đủ 12 tháng được tính là 01 năm công tác trong ngành Ngoại giao.
     
    - Cá nhân được tặng thưởng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng trong quá trình công tác được đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương sớm hơn thời gian quy định. Thời gian sớm hơn áp dụng một lần tính theo hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua cao nhất như sau:
     
    + Được công nhận đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc hoặc được tặng thưởng Huân chương Lao động trở lên được đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương sớm hơn 05 năm.
     
    + Được công nhận đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ hoặc được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ được đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương sớm hơn 03 năm.
     
    + Được công nhận đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở hoặc được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao được đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương sớm hơn 02 năm.
     
    - Các trường hợp khác theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
     
    Đối với cá nhân không công tác trong ngành Ngoại giao
     
    Tiêu chuẩn xét tặng đối với cá nhân không công tác trong ngành Ngoại giao:
     
    - Lãnh đạo Đảng, Nhà nước không tính thâm niên công tác khi xét tặng Kỷ niệm chương.
     
    - Lãnh đạo các ban, bộ, ngành, tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị có thời gian giữ chức vụ lãnh đạo ban, bộ, ngành, tỉnh, tổ chức ít nhất một nhiệm kỳ 05 năm; có đóng góp tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Bộ Ngoại giao, xây dựng và phát triển ngành Ngoại giao.
     
    - Lãnh đạo cấp Vụ và tương đương của các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; Lãnh đạo Sở Ngoại vụ, Lãnh đạo Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh đối với các địa phương không thành lập Sở Ngoại vụ thực hiện công tác đối ngoại có thời gian giữ các chức vụ này ít nhất 01 nhiệm kỳ trở lên; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian giữ chức vụ; có đóng góp tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Bộ Ngoại giao, xây dựng và phát triển ngành Ngoại giao.
     
    - Cán bộ, công chức, viên chức công tác trong các cơ quan đối ngoại, hợp tác quốc tế thuộc các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện công tác đối ngoại có thời gian công tác trong lĩnh vực đối ngoại, hội nhập quốc tế từ 20 năm trở lên đối với nam và 15 năm trở lên đối với nữ (thời gian công tác theo diện hợp đồng ngắn hạn không tính vào thâm niên công tác); có đóng góp tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Bộ Ngoại giao, xây dựng và phát triển ngành Ngoại giao.
     
    - Cá nhân được bổ nhiệm làm Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có ít nhất đủ một nhiệm kỳ Trưởng Cơ quan đại diện.
     
    - Cá nhân trong nước, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài, cá nhân là người nước ngoài có đóng góp nổi bật vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Bộ Ngoại giao, xây dựng và phát triển ngành Ngoại giao hoặc củng cố, phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước, các đối tác quốc tế hoặc quan hệ hợp tác giữa Bộ Ngoại giao với các đối tác quốc tế.
     
    Ngoài ra lưu ý không xét tặng Kỷ niệm chương nhiều lần cho cá nhân cùng một chức vụ.
     
    Theo đó hiện nay tiêu chuẩn để được xét tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Ngoại giao Việt Nam” được quy định bao gồm cả đối với với cá nhân công tác hoặc không công tác trong ngành Ngoại giao theo quy định nêu trên.
     
    196 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận