Khoản 3 Điều 126 Luật Doanh nghiệp 2014 có quy định:
“3. Trường hợp cổ đông là cá nhân chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của cổ đông đó là cổ đông của công ty”.
Do đó, nếu muốn hưởng số cổ phần của người vợ để lại (di sản thừa kế) thì người chồng phải thực hiện thủ tục thừa kế theo đúng quy định pháp luật. Cụ thể:
Ðiều 660 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về việc phân chia di sản theo pháp luật như sau:
“Điều 660. Phân chia di sản theo pháp luật
…
2. Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia”.
Di sản để lại là số lượng cổ phần trong công ty, hoàn toàn có thể chia được theo từng phần. Nên những người thừa kế có thể yêu cầu công chứng việc phân chia di sản bằng hiện vật như quy định nêu trên.
Luật Công chứng cũng có quy định về việc công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản và công chứng văn bản khai nhận di sản như sau:
* Công chứng văn bản thoả thuận phân chia di sản (Điều 57 Luật Công chứng 2014): Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.
Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác.
* Công chứng văn bản khai nhận di sản (Điều 58 Luật Công chứng 2014): Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản.
Lưu ý: - Nếu không để lại di chúc, thì những người trong hàng thừa kế thứ nhất sẽ có quyền ngang nhau đối với di sản mà người chết để lại;
- Những người trong hàng thừa kế thứ nhất được quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự anh/chị nhé;
- Nếu những người trong hàng thừa kế thứ nhất đồng thuận, thì có thể thỏa thuận để lại toàn bộ di sản thừa kế là cổ phần trong công ty cho người chồng; hoặc có văn bản ủy quyền để người chồng thay mặt đại diện số cổ phần trên trong các hoạt động của công ty.