Áp dụng quản lý rủi ro trong thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; quyết định hình thức, mức độ kiểm tra được căn cứ vào:
- Khoản 2 Điều 16 Luật Hải quan 54/2014/QH13 ngày 23/06/2014 quy định:
"…2. Kiểm tra, giám sát hải quan được thực hiện trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro nhằm bảo đảm hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về hải quan và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.";
- Khoản 1 Điều 13 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan:
"1. Cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra, giám sát hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra và các biện pháp nghiệp vụ khác dựa trên việc tổng hợp, xử lý các kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật của người khai hải quan, phân loại mức độ rủi ro."
- Điều 14, 15 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính Quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành:
“Điều 14. Đánh giá tuân thủ pháp luật đối với người khai hải quan
1. Việc đánh giá mức độ tuân thủ của người khai hải quan được dựa trên hệ thống các chỉ tiêu, thông tin về:
a) Tần suất vi phạm pháp luật hải quan và pháp luật thuế;
b) Tính chất, mức độ vi phạm pháp luật hải quan và pháp luật thuế;
c) Việc hợp tác với cơ quan hải quan trong thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan và chấp hành các quyết định khác của cơ quan hải quan.
2. Cơ quan hải quan đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của người khai hải quan để áp dụng các biện pháp quản lý hải quan phù hợp theo từng mức độ tuân thủ.
Điều 15. Thực hiện phân loại mức độ rủi ro
1. Việc phân loại mức độ rủi ro trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh được thực hiện dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của người khai hải quan.
2. Trong quá trình phân loại mức độ rủi ro, cơ quan hải quan xem xét các yếu tố liên quan, gồm:
a) Chính sách quản lý, chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, hành lý của hành khách xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh;
b) Tính chất, đặc điểm của hàng hóa, hành lý, phương tiện vận tải;
c) Tần suất, tính chất, mức độ vi phạm liên quan đến hàng hóa, hành lý, phương tiện vận tải;
d) Xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh;
đ) Tuyến đường, phương thức vận chuyển hàng hóa, hành lý;
e) Các yếu tố khác liên quan đến quá trình hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
3. Cơ quan hải quan thực hiện đánh giá phân loại rủi ro đối với người khai hải quan, các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh theo các mức độ khác nhau để áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát hải quan, thanh tra phù hợp”.
Các tờ khai sẽ được hệ thống phân luồng căn cứ theo các quy định nêu trên và trên cơ sở tình hình chấp hành pháp luật về Hải quan, về thuế, về chính sách hàng hoá cùng các thông tin trước, trong, sau khi thông quan đối với các lô hàng liên quan.
Hiện tại không có khái niệm luồng xanh, luồng đỏ, luồng vàng trong văn bản pháp luật về thủ tục khai hải quan, đó chỉ là những khái niệm chuyên môn trên thực tế thôi chị nha.
Trong quy trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi thì có khái niệm này, chị xem Điều 3 Thông tư 15/2018/TT-BCT quy định về phân luồng trong quy trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành.