Quy định về ngay tình của bên thứ ba trong các văn bản pháp luật

Chủ đề   RSS   
  • #504471 12/10/2018

    dutiepkhac
    Top 150
    Male
    Dân Luật bậc 1

    Long An, Việt Nam
    Tham gia:21/08/2018
    Tổng số bài viết (543)
    Số điểm: 77128
    Cảm ơn: 13
    Được cảm ơn 178 lần


    Quy định về ngay tình của bên thứ ba trong các văn bản pháp luật

    Người thứ ba ngay tình là người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật đối với tài sản nhưng ngay tình. Do vậy, việc bảo vệ quyền lợi của đối tượng này trong giao dịch dân sự đã được quy định cụ thể trong Bộ luật Dân sự 2015. Bên cạnh đó, cũng có nhiều văn bản pháp luật có liên quan quy định về bảo vệ sự ngay tình của bên thứ ba.

    1. Luật Đấu giá tài sản 2016

    Về nguyên tắc, đối với bất động sản hoặc động sản có đăng ký quyền sở hữu, người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản mới có quyền thực hiện các giao dịch đối với các tài sản này. Vì vậy, chỉ được coi là ngay tình khi người thứ ba nhận được tài sản này thông qua trình tự bán đấu giá tài sản.

    Theo Luật Đấu giá tài sản 2016 tại khoản 2 Điều 7 quy định: Trường hợp có người thứ ba tranh chấp về quyền sở hữu đối với tài sản đấu giá thì quyền sở hữu vẫn thuộc về người mua được tài sản đấu giá ngay tình. Cũng theo khoản 3 Điều 7: Trường hợp có bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sửa đổi một phần hoặc hủy bỏ toàn bộ các quyết định liên quan đến tài sản đấu giá trước khi tài sản được đưa ra đấu giá nhưng trình tự, thủ tục đấu giá tài sản bảo đảm tuân theo quy định của Luật này thì tài sản đó vẫn thuộc quyền sở hữu của người mua được tài sản đấu giá ngay tình. Vì vậy, văn bản mua được tài sản bán đấu giá là cơ sở để người mua xác định quyền sở hữu tài sản của mình là hợp pháp.

    2. Luật Đất đai 2013

    Luật Đất đai 2013 quy định 02 vấn đề sau:

    Một là, điểm d khoản 2 Điều 106 quy định: Nhà nước thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trong các trường hợp sau đây: Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai”.

    Việc quy định bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền là phù hợp với nguyên tắc đăng ký bất động sản góp phần bảo đảm tính ổn định của quan hệ dân sự.

    Hai là, khoản 1 Điều 168 quy định: hợp đồng chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất phải có giấy chứng nhận. Như vậy, những giao dịch với người thứ ba nêu trên đã vi phạm điều kiện chưa có giấy chứng nhận, nếu căn cứ vào Điều 129 BLDS năm 2015 có thể không công nhận giao dịch với người thứ ba ngay tình.

    3. Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

    Bản án, quyết định của Tòa án là cơ sở để xác định quyền sở hữu hợp pháp của người thứ ba khi thực hiện giao dịch dân sự với người mà theo bản án hay quyết định của Tòa án là họ có quyền sở hữu thì coi là hoàn toàn hợp pháp.

    Trường hợp một người được công nhận là chủ sở hữu tài sản theo bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền, sau đó người này không đăng ký quyền sở hữu tài sản mà chỉ căn cứ trên bản án, quyết định đó xác lập giao dịch với người thứ ba thì giao dịch với người thứ ba vẫn có hiệu lực mặc dù sau đó bản án, quyết định đó bị hủy, sửa.

    4. Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2017

    Khoản 4 Điều 4 quy định: “Nhà nước giải quyết yêu cầu bồi thường sau khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường [..] đối với yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự”.

    Như vậy, Luật này đã có sự ghi nhận trách nhiệm bồi thường nhà nước đối với các chủ thể có lỗi là người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, thi hành án… các giao dịch trong BLDS 2015. Từ đó, bảo vệ quyền lợi bên thứ ba ngay tình chịu thiệt hại trong các giao dịch do lỗi của người thi hành công vụ gây ra.

    5. Nghị định 43/2014/NĐ-CP

    Khoản 5 Điều 87: “Nhà nước không thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trái pháp luật trong các trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 106 của Luật Đất đai, nếu người được cấp Giấy chứng nhận đã thực hiện thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất và đã được giải quyết theo quy định của pháp luật". Đây là quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của bên thứ ba ngay tình khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không biết nó thuộc trường hợp có thể bị thu hồi.

    Mặc dù được quy định trong nhiều văn bản khác nhau nhưng chung quy lại, các quy định trên cũng nhằm chung một mục đích là bảo vệ bên thứ ba ngay tình trong các giao dịch dân sự.

    Bài viết còn sơ khai, các bạn quan tâm đến vấn đề này thì bổ sung giúp mình nhé!

    Cập nhật bởi DuTiepKhac ngày 12/10/2018 10:23:16 SA

    Pháp luật vô hình, tuy không thể thấy nhưng phải biết!

     
    6530 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận