Theo quy định mới tại Bộ luật lao động 2019 và Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì không quy định về ngày công tối đa để tính tiền lương là 26 ngày như trước đây.
Về cách tính tiền lương này sẽ phụ thuộc vào quy chế của đơn vị có thể tính theo ngày công chuẩn hoặc tính theo ngày công thực tế.
** Nếu như đơn vị có quy định ngày công chuẩn thì sẽ áp dụng theo ngày công chuẩn của đơn vị:
Ví dụ: Trường hợp 1: Nếu đơn vị quy định công chuẩn là 25 ngày và tiền lương chi trả theo tháng thì:
- Nếu tháng đó người lao động không nghỉ ngày nào thì người lao động sẽ được hưởng trọn tiền lương tháng đó.
- Nếu tháng đó người lao động có nghỉ không hưởng lương thì cách tính tiền lương như sau:
+ Tiền lương một ngày làm việc = Tiền lương tháng/ ngày công chuẩn (25 ngày)
+ Tiền lương người lao động được nhận = Tiền lương tháng - (Tiền lương một ngày làm việc x Số ngày người lao động nghỉ không lương).
Trường hợp 2: Nếu đơn vị không quy định công chuẩn thì sẽ tính theo ngày làm việc tháng đó:
- Nếu tháng đó người lao động không nghỉ ngày nào thì người lao động sẽ được hưởng trọn tiền lương tháng đó.
- Nếu tháng đó người lao động có nghỉ không hưởng lương thì cách tính tiền lương như sau:
+ Tiền lương một ngày làm việc = Tiền lương tháng/ ngày công thực tế (có thể là 22 ngày, 25 ngày, 27 ngày,... tùy vào tháng đó)
+ Tiền lương người lao động được nhận = Tiền lương tháng - (Tiền lương một ngày làm việc x Số ngày người lao động nghỉ không lương).
"Điều 54. Hình thức trả lương
Hình thức trả lương theo Điều 96 của Bộ luật Lao động được quy định cụ thể như sau:
...
a3) Tiền lương ngày được trả cho một ngày làm việc. Trường hợp hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tháng thì tiền lương ngày được xác định bằng tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn. Trường hợp hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tuần thì tiền lương ngày được xác định bằng tiền lương tuần chia cho số ngày làm việc trong tuần theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động;"