Giống cây trồng là một quần thể cây trồng có thể phân biệt được với quần thể cây trồng khác thông qua sự biểu hiện của ít nhất là một đặc tính và di truyền được cho đời sau; đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống; có giá trị canh tác, giá trị sử dụng; bao gồm giống cây nông nghiệp, giống cây dược liệu, giống cây cảnh và giống nấm ăn.
Mẫu giống cây trồng khi đăng ký công nhận lưu hành giống cây trồng phải được lưu trong suốt quá trình khảo nghiệm và lưu hành giống cây trồng do cơ quan quản lý chuyên ngành về trồng trọt quản lý.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 20 Luật Trồng trọt 2018 thì mẫu lưu giống cây trồng được sử dụng trong trường hợp sau đây:
- Làm giống khảo nghiệm, giống đối chứng, giống tương tự, giống điển hình trong khảo nghiệm;
- Thử nghiệm, kiểm tra chất lượng giống cây trồng;
- Thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp về giống cây trồng.
1. Lưu mẫu giống cây trồng nhân giống bằng phương pháp hữu tính
Việc lưu mẫu giống cây trồng nhân giống bằng phương pháp hữu tính được thực hiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư 26/2019/TT-BNNPTNT cụ thể như sau:
- Trước khi khảo nghiệm để đăng ký công nhận lưu hành hoặc đăng ký công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng, tổ chức, cá nhân nộp mẫu lưu, Tờ khai kỹ thuật mẫu giống cây trồng quy định tại Phụ lục I, khối lượng mẫu lưu theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 26/2019/TT-BNNPTNT cho tổ chức khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định được công nhận.
- Khi tiếp nhận mẫu lưu, tổ chức lưu mẫu lập Biên bản giao nộp mẫu lưu theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 26/2019/TT-BNNPTNT;
- Kiểm tra chất lượng theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng hạt giống trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được mẫu giống;
- Gửi thông tin về tên giống, tổ chức, cá nhân có mẫu lưu, tổ chức lưu mẫu tới Cục Trồng trọt để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Cục khi giống đạt chất lượng.
Trường hợp chất lượng mẫu giống không đạt, đề nghị tổ chức, cá nhân có giống nộp lại mẫu giống.
- Hằng năm, tổ chức lưu mẫu kiểm tra chất lượng mẫu lưu.
Tổ chức lưu mẫu đề nghị tổ chức, cá nhân có giống nộp bổ sung mẫu hạt giống trong trường hợp chất lượng không đảm bảo theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng hạt giống hoặc khối lượng mẫu lưu còn lại dưới 50% theo quy định tại phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 26/2019/TT-BNNPTNT.
Mẫu hạt giống nộp bổ sung phải đảm bảo chất lượng theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng hạt giống và tính đúng giống.
2. Lưu mẫu giống cây trồng nhân giống bằng phương pháp vô tính
Điều 4 Thông tư 26/2019/TT-BNNPTNT quy định việc lưu mẫu giống cây trồng nhân giống bằng phương pháp vô tính như sau:
- Giống cây trồng nhân giống bằng phương pháp vô tính được lưu mẫu tại tổ chức, cá nhân có giống đăng ký công nhận lưu hành, đăng ký công nhận lưu hành đặc cách.
- Số lượng tối thiểu cây giống của mẫu lưu theo quy định tại Tiêu chuẩn Quốc gia về khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định giống cây trồng.
3. Chấm dứt lưu mẫu giống cây trồng
Chấm dứt lưu mẫu giống cây trồng trong các trường hợp sau (Theo Điều 5 Thông tư 26/2019/TT-BNNPTNT):
- Không được cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng; Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng hoặc Quyết định công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng bị huỷ bỏ;
- Tổ chức, cá nhân có giống không nộp bổ sung mẫu lưu trong thời gian tối đa 06 tháng kể từ ngày tổ chức lưu mẫu đề nghị.
Cục Trồng trọt thông báo chấm dứt việc lưu mẫu trên Cổng thông tin điện tử của Cục.