Điều 19 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về việc không tố giác tội phạm:
1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm trong những trường hợp quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.
2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.
3. Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.
Lưu ý: Từ việc xử lý mối tương quan giữa nghĩa vụ công dân với truyền thống văn hoá và đạo đức của dân tộc cũng như yêu cầu nghề nghiệp của người bào chữa mà Bộ luật Hình sự 2015 quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với một số trường hợp không tố giác tội phạm ở khoản 2 Điều 19 BLHS, khoản 3 Điều 19BLHS Ngoài hai hành vi liên quan đến tội phạm cấu thành tội độc lập được quy định trong Phần chung bộ luật trên, Phần các tội phạm còn quy định tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có ở Điều 323 BLHS 2015. Về bản chất thì đây là một hành vi che giấu tội phạm nhưng được quy định thành một tội độc lập.
Cập nhật bởi Dodangquangnhch ngày 28/06/2020 12:16:44 SA