Việc bảo trì công trình hàng không và đánh giá an toàn công trình hàng không được quy định tại Thông tư 24/2021/TT-BGTVT.
1. Quy định về công trình hàng không
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 24/2021/TT-BGTVT, công trình hàng không là công trình phục vụ cho hoạt động hàng không dân dụng theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng, bao gồm:
- Công trình kết cấu hạ tầng cảng hàng không theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 05/2021/NĐ-CP, cụ thể:
+ Kết cấu hạ tầng sân bay;
+ Công trình, hạ tầng kỹ thuật bảo đảm hoạt động bay;
+ Công trình phục vụ bảo đảm an ninh hàng không, khẩn nguy sân bay ngoài sân bay;
+ Công trình hàng rào cảng hàng không; đường giao thông nội cảng ngoài sân bay; công trình cấp điện; công trình cấp, thoát nước; công trình chiếu sáng; công trình thông tin liên lạc;
+ Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường ngoài sân bay;
+ Công trình nhà ga hành khách, nhà khách phục vụ ngoại giao, khu logistics hàng không, nhà ga hàng hóa, kho hàng hóa kèm khu tập kết hàng hóa;
+ Công trình dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay; dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không; dịch vụ kỹ thuật hàng không; dịch vụ suất ăn hàng không; dịch vụ xăng dầu hàng không.
- Công trình, hạ tầng kỹ thuật bảo đảm hoạt động bay nằm ngoài phạm vi ranh giới cảng hàng không, sân bay;
- Công trình cơ sở hạ tầng của các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không nằm ngoài phạm vi ranh giới cảng hàng không, sân bay.
Như vậy, những công trình nêu trên được xem là công trình hàng không phục vụ cho hoạt động hàng không dân dụng.
2. Nội dung bảo trì công trình hàng không
Tại Điều 9 Thông tư 24/2021/TT-BGTVT quy định nội dung bảo trì công trình hàng không bao gồm một, một số hoặc toàn bộ các công việc sau:
- Kiểm tra công trình hàng không:
+ Việc kiểm tra có thể bằng trực quan, bằng các số liệu quan trắc thường xuyên (nếu có) hoặc bằng thiết bị kiểm tra chuyên dụng;
+ Bao gồm kiểm tra theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình bảo trì được duyệt; kiểm tra thường xuyên, định kỳ và đột xuất nhằm phát hiện các dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng của công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình làm cơ sở cho việc bảo dưỡng công trình.
- Bảo dưỡng công trình hàng không bao gồm các công việc được thực hiện theo tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo dưỡng công trình hàng không và quy trình bảo trì.
- Sửa chữa công trình hàng không:
+ Sửa chữa định kỳ: bao gồm hoạt động sửa chữa, khắc phục hư hỏng của công trình hoặc thay thế bộ phận công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình được phát hiện trong quá trình khai thác, sử dụng nhằm khôi phục, cải thiện tình trạng kỹ thuật của công trình và đảm bảo sự làm việc bình thường, an toàn của công trình, hạng mục công trình;
+ Sửa chữa đột xuất: bao gồm hoạt động sửa chữa, khắc phục hư hỏng của công trình hoặc thay thế bộ phận công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình do chịu tác động đột xuất của bão, lũ lụt, động đất, va đập, cháy, sự cố tàu bay và phương tiện hoạt động trên khu bay và những tác động đột xuất khác hoặc khi công trình, công trình bộ phận có biểu hiện xuống cấp ảnh hưởng đến an toàn sử dụng, vận hành, khai thác công trình.
- Kiểm định chất lượng công trình hàng không phục vụ công tác bảo trì được thực hiện theo khoản 5 Điều 33 Nghị định 06/2021/NĐ-CP.
- Quan trắc công trình hàng không theo quy định tại Điều 14 Thông tư 24/2021/TT-BGTVT.
- Đánh giá an toàn công trình hàng không theo quy định tại Điều 16 Thông tư 24/2021/TT-BGTVT.
- Các công việc khác.
Như vậy, nội dung bảo trì công trình hàng không bao gồm các công việc nêu trên. Việc lập, phê duyệt và điều chỉnh kế hoạch bảo trì công trình hàng không được thực hiện theo quy định tại Điều 12 Thông tư này.
3. Quy định việc đánh giá an toàn công trình hàng không
- Trong quá trình khai thác, sử dụng, các công trình hàng không cấp đặc biệt và cấp I sau đây phải được tổ chức đánh giá định kỳ về an toàn công trình theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư 24/2021/TT-BGTVT:
+ Nhà ga hành khách;
+ Đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay: xác định chỉ số phân cấp mặt đường, chỉ số trạng thái mặt đường, hệ số ma sát mặt đường và các công việc khác theo quy trình bảo trì.
+ Đài kiểm soát không lưu; trung tâm kiểm soát đường dài.
- Trình tự thực hiện, nội dung đánh giá an toàn công trình hàng không thực hiện theo quy định tại Điều 36, 37 Nghị định 06/2021/NĐ-CP. Trách nhiệm tổ chức thực hiện đánh giá an toàn công trình hàng không thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 38 Nghị định 06/2021/NĐ-CP.
Như vậy, việc đánh giá an toàn công trình hàng không thực hiện theo quy định nêu trên. Đối với công trình hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý, người được giao quản lý, sử dụng và khai thác có trách nhiệm tổ chức đánh giá an toàn công trình trong quá trình khai thác, sử dụng; báo cáo Bộ Giao thông vận tải kết quả đánh giá an toàn công trình.