Thông tư liên tịch 13 của Bộ Giáo dục đào tạo cùng với Bộ Quốc phòng phối hợp ban hành ngày 22/01/2013 đã có những sửa đổi, bổ sung mớivề nghĩa vụ quân sự.
Theo đó, đối với chỉ có những công dân đã làm xong thủ tục nhập học và đang học tập tại trường mới được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự. Trường hợp công dân nhận được lệnh gọi nhập ngũ và giấy báo nhập học vào các trường trong cùng một thời điểm thì phải chấp hành lệnh gọi nhập ngũ và không thuộc đối tượng được xét tạm hoãn nhập ngũ. Việc hiểu như thế nào là nhận được lệnh gọi nhập ngũ và giấy báo nhập học trong cùng một thời điểm vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều: nhận trong cùng một ngày, hay một tuần, hay một tháng…?Về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Minh Diệp, Cục Quân lực (Bộ Quốc phòng) đã có lời giải đáp như sau: “Nếu trong tháng ấy, các em vừa nhận được giấy báo nhập học, vừa nhận được giấy gọi nhập ngũ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.”.
Tuy nhiên không phải công dân nhận đã làm xong thủ tục nhập học và đang học tại bất kì trường nào cũng được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự. Thông tư 13 xác định rõ: nếu công dân không theo học các loại hình đào tạo: trường quân đội, trường ngoài quân đội, các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo hình thức giáo dục chính quy tập trung, chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở hoặc cấp trung học phổ thông tại các cơ sở giáo dục, các trường ở nước ngoài có thời gian đào tạo mười hai tháng trở lên thì không được tạm hoãn lệnh gọi nhập ngũ trong thời bình. Trong đó các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo hình thức giáo dục chính quy tập trung bao gồm: Trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường chuyên, trường năng khiếu, dự bị đại học; Trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề; Các trường đại học, cao đẳng; Học viện, viện nghiên cứu có nhiệm vụ đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và tương đương; Các trường của tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam.
Ngoài ra, công dân thuộc các trường hợp sau đây cũng không thuộc diện được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình: các công dân đang học nhưng bị buộc thôi học; tự ý bỏ học hoặc ngừng học tập một thời gian liên tục từ 6 tháng trở lên mà không có lý do chính đáng; hết thời hạn học tập tại trường một khóa học; chỉ ghi danh đóng học phí nhưng thực tế không học tại trường hoặc đang theo học khóa đào tạo tập trung đầu tiên nhưng bỏ học để chuyển sang học khóa đào tạo của trường khác.
Mỗi năm có hai đợt tuyển quân là vào tháng 1 và tháng 8. Đợt tuyển quân tháng 8 được coi là đợt tuyển quân vô cùng nhạy cảm bởi lẽ tháng 8 cũng là thời điểm các trường đại học thông báo kết quả tuyển sinh. Khi đó, các “tân sinh viên” đủ tuổi và điều kiện nhập ngũ sẽ đối mặt với nguy cơ tạm hoãn việc học để lên đường nhập ngủ.
Độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự là từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi. “đủ” ở đây có nghĩa là tuổi nhập ngũ của công dân được xem xét chi tiết đến ngày – tháng – năm sinh. Việc xác định đúng độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự mang tính quyết định đối với việc có nhập ngũ hay không của thanh niên. Ví dụ:
Công dân Nguyễn Văn A sinh ngày 31/12/1995, công dân Nguyễn Văn B sinh ngày 1/1/1995, cả A và B đều nhận được giấy báo nhập học Đại học. Tuy nhiên, chỉ có B mới có giấy gọi nhập ngũ vào tháng 8 năm 2013. Tính đến 8/2013, Nguyễn Văn A chỉ mới 17 tuổi 8 tháng, trong khi Nguyễn Văn B lúc này đã 18 tuổi 4 tháng.
Thông tư liên tịch số 13 ra đời đã góp phần củng cố thêm quan điểm mà Luật Nghĩa vụ quân sự đã đề ra từ lâu bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Công dân có bổn phận làm nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân. Việc sửa đổi này vừa tăng số lượng, chất lượng bộ đội vừa giải quyết công bằng xã hội.
Nguồn:http://plf.vn/tin-tuc/42/quy-dinh-moi-ve-nghia-vu-quan-su-thoi-binh
Cập nhật bởi lsbuicongthanh ngày 27/06/2013 04:25:03 CH