Điều kiện và tiêu chuẩn tuyển chọn người vào lực lượng Cảnh vệ; Chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ; và một số quy định khác liên quan đến lực lượng Cảnh vệ được quy định tại Luật Cảnh vệ 2017.
1. Quy định về lực lượng Cảnh vệ, điều kiện và tiêu chuẩn tuyển chọn người vào lực lượng Cảnh vệ
Lực lượng Cảnh vệ được tổ chức tại Bộ Công an và Bộ Quốc phòng theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Cảnh vệ 2017 bao gồm:
- Cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ thuộc Bộ Công an;
- Cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ của Cục Bảo vệ an ninh Quân đội thuộc Bộ Quốc phòng.
Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định tổ chức, biên chế, chức danh, trang bị của lực lượng Cảnh vệ.
Để được tuyển chọn vào lực lượng Cảnh vệ thì cá nhân phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 17 Luật Cảnh vệ 2017, cụ thể:
- Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam, nữ, có phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe, lý lịch rõ ràng và tự nguyện phục vụ lâu dài trong lực lượng Cảnh vệ.
- Có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, có năng khiếu, kỹ năng phù hợp với tính chất đặc thù công tác cảnh vệ.
- Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể tiêu chuẩn tuyển chọn người vào lực lượng Cảnh vệ.
Như vậy, để có thể tham gia vào lực lượng cảnh vệ thì phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn chung trên. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng còn quy định các tiêu chuẩn cụ thể khi tuyển chọn.
2. Quy định về nhiệm vụ của lực lượng Cảnh vệ
Theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Cảnh vệ 2017 thì lực lượng Cảnh vệ thuộc Bộ Công an phải thực hiện những nhiệm vụ sau:
- Chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ trong mọi tình huống;
- Chủ động thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình liên quan đến việc bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ;
- Tham mưu, đề xuất với Bộ trưởng Bộ Công an ban hành văn bản để thực hiện công tác cảnh vệ; tổ chức phối hợp, hiệp đồng triển khai phương án, kế hoạch bảo vệ;
- Hướng dẫn các lực lượng liên quan thực hiện công tác cảnh vệ;
- Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào công tác cảnh vệ;
- Thực hiện hợp tác quốc tế về công tác cảnh vệ.
Còn đối với lực lượng Cảnh vệ thuộc Bộ Quốc phòng sẽ thực hiện những nhiệm vụ sau theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật này:
- Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ do Quân đội đảm nhiệm trong mọi tình huống;
- Chủ động thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình liên quan đến việc bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ;
- Tham mưu, đề xuất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về công tác cảnh vệ trong Quân đội; chủ trì, phối hợp, hiệp đồng với đơn vị có liên quan triển khai phương án, kế hoạch bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ khi đến thăm, làm việc trong khu vực do Quân đội quản lý;
- Phối hợp với lực lượng Cảnh vệ thuộc Bộ Công an và các lực lượng liên quan để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ do Quân đội đảm nhiệm.
3. Quy định về nổ súng khi thi hành nhiệm vụ trong công tác cảnh vệ
Tại Điều 21 Luật Cảnh vệ 2017 quy định cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ trong khi thi hành nhiệm vụ chỉ được nổ súng trong các trường hợp sau đây nhưng phải tuân thủ các nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017:
- Cảnh báo đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ;
- Nổ súng vào đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn chỉ thiên nhưng không hiệu quả;
- Vô hiệu hóa đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ;
- Trường hợp nổ súng khác quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
4. Quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ
- Cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ được hưởng chế độ, chính sách theo quy định và được hưởng phụ cấp đặc thù, trợ cấp, hỗ trợ được trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.
- Các chế độ, chính sách khác đối với cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ không được quy định tại Nghị định 90/2018/NĐ-CP được thực hiện theo Luật Công an nhân dân, Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Đồng thời, việc áp dụng chế độ, chính sách phải bảo đảm kịp thời và đúng đối tượng được hưởng.
- Khi thay đổi vị trí công tác hoặc thay đổi mức lương cấp bậc hàm, phụ cấp cấp bậc hàm thì áp dụng mức phụ cấp tương ứng kể từ tháng đó; khi thôi làm công tác cảnh vệ thì thôi hưởng phụ cấp kể từ tháng sau liền kề với tháng có quyết định.
- Cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ được hưởng phụ cấp đặc thù từ 15% đến 30% tính trên mức lương cấp bậc hàm hoặc phụ cấp cấp bậc hàm hiện hưởng ngoài các chế độ phụ cấp khác (nếu có) cụ thể theo quy định tại Điều 3 Nghị định 90/2018/NĐ-CP.
- Cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ được hưởng phụ cấp nhà ở, chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội và được bảo đảm nhà ở công vụ theo quy định của Luật Công an nhân dân và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
- Đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ khi hết thời hạn phục vụ tại ngũ trong lực lượng cảnh vệ được trợ cấp học nghề hoặc trợ cấp tạo việc làm và được ưu tiên thi tuyển vào các trường Công an nhân dân, Quân đội nhân dân và các chế độ, chính sách khác theo quy định của Luật Công an nhân dân, Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Xem thêm quy định chi tiết về chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ cũng như kinh phí bảo đảm thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ được quy định tại Nghị định 90/2018/NĐ-CP.