Quy định đấu nối đường nhánh vào đường quốc lộ

Chủ đề   RSS   
  • #608611 05/02/2024

    Quy định đấu nối đường nhánh vào đường quốc lộ

    Một dự án giao thông đường bộ khi muốn xin thủ tục đấu nối vào đường quốc lộ thì cần làm quy trình các bước như thế nào? Hồ sơ được quy định ra sao để được đấu nối vào đường quốc lộ?

    Quy định về đấu nội vào quốc lộ

    Việc đấu nối vào đường quốc lộ được quy định tại Điều 20 Thông tư 50/2015/TT-BGTVT được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Thông tư 39/2021/TT-BGTVT như sau:

    - Nguyên tắc đấu nối vào quốc lộ

    + Việc đấu nối vào quốc lộ phải phù hợp với các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

    + Không đấu nối vào đường cao tốc, đường dẫn thuộc phạm vi nút giao của đường cao tốc, đường cao tốc đã được xây dựng phân kỳ đầu tư;

    + Không đấu nối vào tuyến, đoạn tuyến quốc lộ đã được quy hoạch là đường cao tốc trừ trường hợp đặc biệt bao gồm: dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án thuộc lĩnh vực giao thông nhóm B và nhóm C (theo quy định của Luật Đầu tư công); các trường hợp này sẽ được kết nối vào đường gom, đường bên khi tuyến, đoạn tuyến quốc lộ được xây dựng, hoàn thiện theo tiêu chuẩn đường cao tốc;

    + Không đấu nối trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của cầu, hầm đường bộ, cầu phao đường bộ, bến phà đường bộ;

    + Không đấu nối, sử dụng chung nút giao đường sắt với quốc lộ.

    - Yêu cầu đấu nối vào quốc lộ

    + Đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đấu nối theo quy định tại Điều 21 của Thông tư này;

    + Có đủ quỹ đất để thiết kế, xây dựng làn chuyển tốc, làn dừng xe chờ rẽ trái và các yêu cầu kỹ thuật khác của nút giao theo yêu cầu của tiêu chuẩn thiết kế đường ô tô hiện hành;

    + Không đấu nối vào bụng đường cong nằm có bán kính đường cong nhỏ hơn bán kính đường cong tối thiểu thông thường theo cấp đường quy hoạch; lưng đường cong có bố trí siêu cao; trong đoạn đường dốc có độ dốc dọc lớn hơn độ dốc dọc lớn nhất theo cấp đường đang khai thác; trong khu vực địa hình không bảo đảm tầm nhìn lái xe.

    - Thiết kế nút giao đấu nối vào quốc lộ phải tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành về yêu cầu thiết kế đường ô tô, đảm bảo an toàn giao thông và khả năng thông hành của quốc lộ.

    - Tổ chức, cá nhân được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao sử dụng điểm đấu nối vào quốc lộ phải lập hồ sơ, gửi cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền xem xét, chấp thuận thiết kế, phương án tổ chức giao thông và cấp phép thi công theo quy định tại Điều 26, Điều 27 của Thông tư này.

    - Trường hợp sử dụng chung điểm đấu nối, chỉ áp dụng cho một công trình, dự án cùng phía tiếp giáp trực tiếp với đường nhánh của nút giao điểm đấu nối hiện hữu, không làm phát sinh điểm đấu nối mới. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc sử dụng chung điểm đấu nối hiện hữu vào quốc lộ. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng chung điểm đấu nối phải thực hiện cải tạo nút giao sau khi được cơ quan đường bộ có thẩm quyền chấp thuận thiết kế kỹ thuật và cấp phép thi công theo quy định.

    -. Đối với điểm đấu nối vào quốc lộ của dự án, công trình do Bộ Giao vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam là người quyết định đầu tư hoặc chủ đầu tư, thực hiện theo thiết kế kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không phải thực hiện thủ tục đấu nối vào quốc lộ.

    Hồ sơ đề nghị chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức giao thông của nút giao

    Căn cứ khoản 3 Điều 26 Thông tư 50/2015/TT-BGTVT quy định như sau:

    Hồ sơ đề nghị chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức giao thông của nút giao gồm:

    - Đơn đề nghị chấp thuận thiết kế kỹ thuật và phương án tổ chức giao thông của nút giao theo mẫu tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 50/2015/TT-BGTVT;

    - Quyết định các điểm đấu nối vào quốc lộ đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu)

    - Văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu) giao tổ chức, cá nhân làm chủ đầu tư hoặc chủ sử dụng nút giao;

    - Thiết kế kỹ thuật và phương án tổ chức giao thông của nút giao (có biện pháp tổ chức thi công bảo đảm an toàn giao thông) do tổ chức tư vấn được phép hành nghề trong lĩnh vực công trình đường bộ lập (bản chính).

    - Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

    Trình tự, cách thức thực hiện

    Theo quy định tại  Điều 19 Thông tư 50/2015/TT-BGTVT quy định về trình tự thực hiện như sau:

    - Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp, qua hệ thống bưu chính hoặc bằng các hình thức phù hợp đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính.

    - Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ.

    + Đối với trường hợp nộp trực tiếp: sau khi kiểm tra thành phần hồ sơ, nếu đúng quy định thì tiếp nhận hồ sơ; nếu không đúng quy định, hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ.

    + Đối với trường hợp nộp gián tiếp (qua hệ thống bưu chính hoặc bằng các hình thức phù hợp khác), cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, chậm nhất sau 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ phải có văn bản hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân hoàn thiện.

    + Cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính tiến hành thẩm định hồ sơ, nếu đủ điều kiện thì có văn bản chấp thuận xây dựng công trình thiết yếu, cấp giấy phép thi công công trình thiết yếu, chấp thuận xây dựng cùng thời điểm với cấp giấy phép thi công xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trường hợp không chấp thuận, không cấp giấy phép, không chấp thuận xây dựng cùng thời điểm với cấp giấy phép thi công thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

     

     
    224 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận