Quy định biện pháp bảo lĩnh trong tố tụng hình sự

Chủ đề   RSS   
  • #613067 21/06/2024

    hirono
    Top 200
    Lớp 3

    Vietnam
    Tham gia:17/05/2022
    Tổng số bài viết (421)
    Số điểm: 4217
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 61 lần


    Quy định biện pháp bảo lĩnh trong tố tụng hình sự

    Trong Điều 121 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, sửa đổi 2017 thì có quy định về biện pháp bảo lĩnh có thể thay thế cho việc tạm giam. Vậy việc thay thế được thực hiện cụ thể như thế nào và trong giai đoạn nào thì được thực hiện biện pháp này?

    Về vấn đề giai đoạn thực hiện bảo lĩnh

    Theo quy định tại Điều 121 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS) thì Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh.

    Như vậy, biện pháp bảo lĩnh chỉ áp dụng đối với đối tượng là bị can hoặc bị cáo; chỉ áp dụng sau khi đã có quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can; đây là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam.

    Về vấn đề thực hiện biện pháp bảo lĩnh

    Đồng thời tại Điều 21 Thông tư liên tịch 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP thì trường hợp Cơ quan điều tra quyết định cho bị can được bảo lĩnh thì ngay sau khi ra quyết định áp dụng biện pháp bảo lĩnh, Cơ quan điều tra có văn bản nêu rõ lý do, kèm theo chứng cứ, tài liệu gửi Viện kiểm sát cùng cấp đề nghị xét phê chuẩn.

    Hồ sơ đề nghị xét phê chuẩn quyết định về việc bảo lĩnh gồm:

    - Văn bản đề nghị xét phê chuẩn và quyết định áp dụng biện pháp bảo lĩnh;

    - Giấy cam đoan có xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức nhận bảo lĩnh đối với trường hợp cơ quan, tổ chức nhận bảo lĩnh cho bị can;

    - Giấy cam đoan có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người nhận bảo lĩnh cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người nhận bảo lĩnh làm việc, học tập đối với trường hợp cá nhân nhận bảo lĩnh cho bị can (phải có giấy cam đoan của ít nhất 02 người bảo lĩnh);

    - Giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ của bị can được bảo lĩnh theo các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 121 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015;

    - Chứng cứ, tài liệu về hành vi phạm tội, nhân thân của bị can để xác định tính chất, mức độ hành vi của bị can không cần thiết phải áp dụng biện pháp tạm giam.

    Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cùng cấp phải ra quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn hoặc có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra bổ sung chứng cứ, tài liệu để xét phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp bảo lĩnh.

    Khi có căn cứ xác định bị can vi phạm nghĩa vụ cam đoan quy định tại khoản 3 Điều 121 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, thì Cơ quan điều tra có văn bản nêu rõ lý do, kèm theo các tài liệu xác định vi phạm của bị can và đề nghị Viện kiểm sát hủy bỏ biện pháp bảo lĩnh. Cơ quan điều tra phải ra lệnh bắt bị can để tạm giam và có văn bản đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn; thời hạn tạm giam trong trường hợp này không được quá thời hạn điều tra vụ án.

    Trường hợp Viện kiểm sát có căn cứ xác định bị can vi phạm nghĩa vụ cam đoan thì có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra thực hiện các thủ tục hủy bỏ biện pháp bảo lĩnh và áp dụng biện pháp tạm giam theo quy định nêu trên.

    Trường hợp đã kết thúc điều tra chuyển sang giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát thấy cần thiết tiếp tục áp dụng biện pháp bảo lĩnh đối với bị can thì Viện kiểm sát ra quyết định áp dụng biện pháp bảo lĩnh. Thời hạn bảo lĩnh không quá thời hạn quyết định việc truy tố, tính từ ngày kế tiếp của ngày cuối cùng ghi trong quyết định áp dụng biện pháp bảo lĩnh của Cơ quan điều tra.

    => Như vậy bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh.

     
    113 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận