Quốc hội Việt Nam – sự hình thành từ những "Lá phiếu máu"

Chủ đề   RSS   
  • #412210 05/01/2016

    duongtran.18
    Top 500
    Female
    Lớp 1

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:04/01/2016
    Tổng số bài viết (128)
    Số điểm: 2514
    Cảm ơn: 37
    Được cảm ơn 138 lần


    Quốc hội Việt Nam – sự hình thành từ những "Lá phiếu máu"

    Vào ngày 06-01-1946, sự kiện Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã diễn ra, tạo nên dấu mốc lịch sử và pháp lý quan trọng trong hành trình xây dựng nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng như là tiền đề tạo nên Hiến pháp năm 1946.

    Tổng tuyển cử đồng thời đã khẳng định người dân Việt Nam, trong thời điểm đó, đã mang một thân phận khác – công dân tự do của một quốc gia độc lâp, lần đầu được thực hiện quyền bầu cử. Họ đã có thể tự quyết định vận mệnh của bản thân bằng lá phiều bầu cử thành lập Quốc hội, một trong ba nhánh cơ quan quyết định của thuyết Tam quyền phân lập – Lập pháp.

    Có thể nhận xét rằng, hoàn cảnh lịch sử thời điểm bấy giờ là vô cùng nhạy cảm và khó khăn khi chúng ta phải đối mặt với thù trong - giặc ngoài. Miền bắc, hơn 200.000 quân Tưởng đã tiến vào Việt Nam; trong khi tại miền nam, thực dân Pháp đã sẵn sàng trở lại, tạo nên thế gọng kìm với chính quyền còn non trẻ. Trong nước, các tổ chức Việt quốc, Việt cách ra sức phá hoại, đòi xóa bỏ ủy ban nhân dân, đòi 2/3 ghế Quốc hội không thông qua bầu cử.

    Trước tình thế cấp bách đó, chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức phiên họp Chính phủ lâm thời vào ngày 03/9/1945, đề ra phương án đẩy nhanh tiến độ tổ chức tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội trên toàn quốc.

    Cử tri Hà Nội bỏ phiếu ngày 6/1/1946. Ảnh tư liệu.

    Với tinh thần đề cao tính dân chủ và công bằng, tổng tuyển cử năm 1945 đã được tiến hành theo các nguyên tắc bầu cử phổ thông đầu phiều, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 89%. Không phân biệt đảng phái, tôn giáo, nam nữ, già trẻ nếu muốn lo việc nước đều có quyền ứng cử và thông qua bầu cử để trở thành đại biểu Quốc hội. Với những người không biết chữ thì ủy ban bỏ phiếu cử ra 3 người. Cử tri muốn bỏ phiếu cho ai thì nói tên người đó, nhờ một người viết vào phiếu, hai người bên cạnh kiểm tra rồi đọc lên cho cử tri nghe lại lần nữa rồi mới bỏ lá phiếu vào hòm.

    Nhiều cử tri yêu cầu Chủ tịch Hồ Chí Minh miễn ứng cử và bầu làm Chủ tịch nước vĩnh viễn, nhưng Người từ chối với lý do không thể vượt khỏi quy tắc bầu cử đã định.

     

    Sáng 06/01/1946, người dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, đã đồng loạt xuống đường đi bầu cử; nhiều địa điểm bỏ phiếu thậm chí đã đổ máu bở sự phá hoại của các lực lượng thù địch.

    Trong hồi ký của cố đại biểu Quốc hội khóa I Lâm Quang Thự đã viết: “Ở miền Bắc, phần tử Quốc dân đảng chĩa súng về nhân dân đi bầu cử. Tại Hà Nội, chúng mang tiểu liên đến làng Ngũ Xã không cho dân đặt hòm phiếu. Ở Phú Thọ, chúng sai người tháo khẩu hiệu, thu thẻ cử tri. Nhân dân miền Trung, miền Nam đi bầu cử trong vòng vây của súng đạn thực dân Pháp. Máy bay Pháp ném bom khu vực Mỹ Tho, Khánh Hòa, có nơi cách hòm phiếu chỉ vài trăm mét. Tại Sài Gòn, hơn 40 cán bộ trong ban tuyên truyền bầu cử hy sinh. Lá phiếu của nhân dân miền Nam lúc ấy được ví như những lá phiếu máu.”

    Cố đại biểu Quốc hội khóa I Lâm Quang Thự. Ảnh tư liệu.

    Quốc hội khóa I đã chính thức ra đời trên bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và máu của người dân Việt Nam. Thông qua tổng tuyển cử, nhân dân bầu ra 333 đại biểu Quốc hội, trong đó Bắc Bộ 152 người, Trung Bộ 108 và Nam Bộ 73 đại diện. Đặc biệt, đây cũng là nhiệm kỳ Quốc hội duy nhất trong lịch sử 70 năm qua có sự tham gia của hai đảng đối lập trong Chính phủ là Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc) và Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội (Việt Cách) không tham gia bầu cử. Tuy nhiên trong kỳ họp thứ nhất Quốc hội đã đồng ý công nhận thêm 70 ghế thuộc các đảng phái này theo thỏa thuận ngày 24 tháng 12 năm 1945 giữa Việt Minh và hai đảng này.

     

    Đoàn đại biểu Quốc hội miền Nam khóa 1. Ảnh tư liệu.

    Ngày 02/03/1946, phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa I diễn ra tại Nhà hát lớn (Hà Nội) với vỏn vẹn 04 giờ, nhưng Quốc hội đã bắt đầu tiến hành nhiệm vụ được giao, nghe Chính phủ báo cáo, thành lập và công nhận Chính phủ liên hiệp kháng chiến thay cho Chính phủ lâm thời.

    Quốc hội khóa I đã có nhiệm kỳ 14 năm (1946-1960), là nhiệm kỳ Quốc hội dài nhất đến nay với tổng cộng 12 kỳ họp do tình hình lịch sử đặc thù, đất nước chiến tranh, hai miền chia cắt nên không thể tổ chức cuộc bầu cử trên cả nước. và các vấn đề quan trọng của đất nước đã được ủy quyền cho Ban Thường vụ Quốc hội giải quyết.

     

    Ngày nay, Quốc hội Việt Nam đã có những thay đổi nhất đinh, tổ chức theo mô hình một viện với tổng số đại biểu Quốc hội không quá 500 người và xây dựng Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013 được kế thừa và phát huy tinh thần, tư tưởng từ Hiến pháp 1946 được Quốc hội Khóa I thông qua ngày 09/11/1946.

    Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành một phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Ảnh tư liệu.

    Đại biểu Quốc hội được bầu với nhiệm kỳ 5 năm, thay mặt Nhân dân quyết định các vấn đề liên quan đến lợi ích của cả đất nước và mỗi cá nhân. Bổn phận cao cả của đại biểu Quốc hội là đại diện và bảo vệ lợi ích của cử tri, liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo, trả lời yêu cầu và kiến nghị của cử tri; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

    Đã 70 năm trôi qua, với vị thế là cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đại diện cho hơn 93 triệu nhân dân Việt Nam, Quốc hội đã có những bước tiến, thể hiện tốt hơn vai trò, chức năng lập Hiến, lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước, đưa Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế.

    Cập nhật bởi duongtran.18 ngày 05/01/2016 02:35:41 CH Cập nhật bởi duongtran.18 ngày 05/01/2016 02:02:32 CH Cập nhật bởi duongtran.18 ngày 05/01/2016 02:01:43 CH
     
    11202 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn duongtran.18 vì bài viết hữu ích
    nguyenkhanhchinh (05/01/2016)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận