Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 9445/VPCP-PL ngày 06 tháng 9 năm 2017 về văn bản tham gia ý kiến của Chính phủ đối với dự án Luật hành chính công. Theo đó, Chính phủ cho rằng “tuy đã được được chuẩn bị một cách nghiêm túc, công phu, nhưng về cơ bản, dự án Luật có nhiều vấn đề chưa hợp lý, rất khó có thể khắc phục, nhất là về phạm vi điều chỉnh; về bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật; về bảo đảm tính minh bạch và khả thi theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ thấy rằng việc xây dựng, ban hành Luật này sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cả về trình tự, thủ tục và nội dung; không bảo đảm tính khả thi. Do vậy, việc xây dựng, ban hành Luật này là chưa cần thiết”.
Như vậy, sáng kiến lập pháp đầu tiên của một Đại biểu được Quốc hội ủng hộ đã không nhận được sự đồng tình của Chính phủ. Trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng sẽ khó khăn trong khi Chính phủ chưa có quan điểm rõ về dự án luật này, bởi Chính phủ phải đồng tình mới đưa ra Quốc hội được.
Chưa bàn đến sự cần thiết của Luật hành chính công hiện nay, nhưng điều này cho thấy, quyền lập pháp vẫn chưa thực sự thuộc hoàn toàn vào Quốc hội. Trong khi Hiến pháp 2013 quy định Chính phủ “thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội”. Thực tế cho đến hiện nay thì hầu hết các dự án luật đều do Chính phủ mà cụ thể là các bộ ngành soạn thảo để trình Quốc hội thẩm tra, cho ý kiến và thông qua.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực tế trên được nhắc đến đó là do chất lượng đại biểu Quốc hội cũng như sự thiếu hụt số lượng đại biểu chuyên trách, các chuyên gia có thể thẩm tra và phản biện các dự án luật. Do đó, Quốc hội vẫn phải phụ thuộc vào Chính phủ để thực hiện quyền lập pháp của mình.
Tuy nhiên, với mục tiêu xây dựng một nhà nước kiến tạo, cải cách mạnh mẽ về thể chế, kinh tế, pháp luật thì việc tách rời quyền lập pháp và hành pháp đã trở nên rất cần thiết. Điều này sẽ giúp gia tăng sự hiệu quả của các đạo luật khi Quốc hội giữ vai trò soạn thảo, đánh giá và thông qua. Đã đến lúc Quốc hội phải giành lại quyền lập pháp từ Chính phủ. Đừng để tình trạng như hiện nay, Chính phủ phải “vừa đá bóng vừa thỏi còi”.