Ngày nay, các nền tảng xã hội dường như đã trở thành một điều không thể thiếu trong chúng ta. Bên cạnh những mặt tích cực thì cũng có những mặt tiêu cực. Điển hình là việc quay lén người khác rồi đăng tràn lan trên mạng xã hội với mục đích xấu. Hành vi này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống riêng tư của cá nhân. Vậy pháp luật có quy định gì về việc quay lén người khác đăng lên các trang mạng xã hội khi chưa được sự cho phép?
Quay lén là hành vi một người sử dụng một hoặc nhiều phương tiện (camera, máy điện thoại, máy quay…) có công dụng ghi hình để quay một người khác khi chưa được sự cho phép của người bị quay.
Pháp luật có những quy định cụ thể để xác lập, bảo vệ cho quyền hình ảnh của cá nhân.
Tất cả hành vi xâm phạm đến quyền cá nhân đối với hình ảnh quay hình đều có các chế tài xử phạt đối với từng mức độ vi phạm..
Quyền của cá nhân đối với hình ảnh
Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình
Căn cứ tại Khoản 1 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
- Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
- Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Các trường hợp không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ
Căn cứ theo khoản 2 Điều 32 BLDS 2015
- Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
- Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
- Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm bồi thường
Căn cứ tại Khoản 1 Điều 592, BLDS 2015, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.
Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
- Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
- Thiệt hại khác do luật quy định.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định"
Xử lý hành vi xâm phạm hình ảnh cá nhân
Chế tài xử phạt đối với hành vi này rất nặng. Tùy thuộc vào mục đích, mức độ của hành vi mà người có hành vi quay lén có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự. Bởi mức độ tổn thất, tính chất tác động và gây ra ảnh hưởng có thể rất lớn.
Bên cạnh các quyền của người có hình ảnh bị xâm phạm, hành vi này còn có thể cấu thành các tội danh khác tùy thuộc vào mục đích sử dụng hình ảnh. Chế tài xử phạt đối với hành vi quay lén theo quy định của pháp luật như sau:
Xử lý hành chính đối với hành vi quay lén
Xử lý hành chính được xác định là phương thức xử lý khi tính chất, mức độ phạm tội chưa cao.
Theo quy định tại điểm e, Khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật.
Nghĩa là xác định trong mục đích quay lén, hành vi quay lén vi phạm quyền của cá nhân, tổ chức được pháp luật bảo vệ.
Các nội dung xử phạt hành chính nhằm cảnh cáo, răn đe người vi phạm. Bắt buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính vào ngân sách nhà nước.
Số tiền xử phạt này là phù hợp, từ đó giáo dục công dân không thực hiện các vi phạm. Bởi các nghĩa vụ phải thực hiện là rất lớn.
Trách nhiệm hình sự đối với hành vì quay lén
Để xem xét về trách nhiệm hình sự đối với hành vi quay lén người khác, cần căn cứ vào mục đích, tính chất, mức độ của hành vi.
- Nếu người có hành vi sử dụng hình ảnh, thông tin đã quay lén của người khác với mục đích làm nhục, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, làm giảm uy tín của cá nhân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi bởi điểm a Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.
Thông thường, người có hành vi quay lén hình ảnh, video mang tính chất đời tư cá nhân và phát tán thì sẽ được coi là xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác.
Theo đó, hình phạt được áp dụng sẽ là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù lên đến 02 năm.
- Nếu người có hành vi quay lén người khác, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy theo quy định tại Điều 326 BLHS 2015 được sửa đổi bởi Khoản 124 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017. Theo đó, hình phạt đối với tội này bao gồm phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù, trong đó, mức phạt tù cao nhất lên đến 15 năm.