Nghỉ chờ hưu là gì? Trong thời gian nghỉ chờ hưu, đối tượng là quân nhân chuyên nghiệp có được hưởng phụ cấp khu vực nữa không? Cụ thể qua bài viết sau.
Nghỉ chờ hưu là gì?
Theo Điều 5 Nghị định 26/2015/NĐ-CP quy định, cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm còn dưới 2 năm (24 tháng) công tác sẽ đến tuổi nghỉ hưu theo quy định, nếu không bố trí được vị trí công tác phù hợp và không có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi thì được nghỉ công tác chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu.
Trong thời gian nghỉ công tác chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu, cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm vẫn thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan nơi công tác và được thực hiện các chế độ, chính sách như sau:
- Được hưởng nguyên mức lương chức vụ hoặc mức lương theo ngạch, bậc, phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, mức chênh lệch bảo lưu lương, phụ cấp công tác đảng (nếu có).
- Cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm và cơ quan nơi cán bộ công tác trước khi nghỉ chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu căn cứ vào mức lương, các khoản phụ cấp và mức chênh lệch bảo lưu lương (nếu có) được hưởng tại Khoản 1 Điều này thực hiện đóng BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Các chế độ khác như chế độ phục vụ, chế độ điện thoại (nếu có) thôi hưởng kể từ tháng liền kề sau tháng có quyết định nghỉ công tác chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu.
- Trường hợp cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm thuộc diện khi đang công tác được sử dụng thường xuyên xe ô tô con phục vụ công tác, nếu tham gia các cuộc họp, hội nghị hoặc đi khám chữa bệnh thì báo cơ quan nơi công tác để bố trí xe đưa đón. Trường hợp cơ quan nơi công tác không bố trí được xe đưa đón thì chủ động phương tiện đi lại và được thanh toán theo quy định hiện hành.
- Cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm thuộc diện nghỉ công tác chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu không tính vào biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Như vậy, nghỉ chờ hưu là việc cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm còn dưới 24 tháng công tác nữa là sẽ đến tuổi nghỉ hưu theo quy định, không bố trí được vị trí công tác phù hợp và không có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi được nghỉ công tác chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu.
Quân nhân chuyên nghiệp trong thời gian nghỉ chờ hưu có được hưởng phụ cấp khu vực?
Như đã đề cập ở phần trên, cán bộ nghỉ hưu được hưởng nguyên mức lương chức vụ hoặc mức lương theo ngạch, bậc, phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, mức chênh lệch bảo lưu lương, phụ cấp công tác đảng (nếu có).
Theo điểm a khoản 3 Mục II Thông tư 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp khu vực có quy định như sau:
- Phụ cấp khu vực được xác định, chi trả theo nơi làm việc đối với những người đang làm việc
- Trường hợp đi công tác, đi học, điều trị, điều dưỡng có thời hạn từ một tháng trở lên thì hưởng phụ cấp khu vực theo mức quy định ở nơi công tác, học tập, điều trị, điều dưỡng kể từ ngày đến nơi mới; nếu nơi mới đến không có phụ cấp khu vực thì thôi hưởng phụ cấp khu vực ở nơi trước khi đi.
Như vậy, vì phụ cấp khu vực được tính cho người đang làm việc nên trong thời gian nghỉ chờ hưu đối với phụ cấp khu vực sẽ thôi hưởng. Đồng thời, việc đối tượng là quân nhân chuyên nghiệp được hoặc không được hưởng phụ cấp còn phải căn cứ vào đối tượng, điều kiện, nguyên tắc hưởng, cách tính hưởng... của từng loại phụ cấp cụ thể.
Từ 01/7/2024 quân nhân chuyên nghiệp sẽ được hưởng những khoản phụ cấp nào?
Theo tiết 3.1 tiểu mục 3 Mục II Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 quy định về nội dung cải cách phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công) như sau:
- Sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương
- Tiếp tục áp dụng phụ cấp kiêm nhiệm; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp khu vực; phụ cấp trách nhiệm công việc; phụ cấp lưu động; phụ cấp phục vụ an ninh, quốc phòng và phụ cấp đặc thù đối với lực lượng vũ trang (quân đội, công an, cơ yếu).
- Gộp phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm (gọi chung là phụ cấp theo nghề) áp dụng đối với công chức, viên chức của những nghề, công việc có yếu tố điều kiện lao động cao hơn bình thường và có chính sách ưu đãi phù hợp của Nhà nước (giáo dục và đào tạo, y tế, toà án, kiểm sát, thi hành án dân sự, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, hải quan, kiểm lâm, quản lý thị trường,...). Gộp phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút và trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thành phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.
Như vậy, sau cải cách tiền lương và gộp các khoản phụ cấp, từ ngày 01/7/2024 quân nhân chuyên nghiệp có thể được hưởng những khoản phụ cấp như phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp khu vực, phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp đặc thù, phụ cấp thâm niên nghề và phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.