Quân khu 1 gồm những địa bàn nào? Ai có thẩm quyền bổ nhiệm Tư lệnh Quân khu?

Chủ đề   RSS   
  • #617024 04/10/2024

    phucpham2205
    Top 50
    Trung cấp

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1346)
    Số điểm: 26230
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 534 lần
    SMod

    Quân khu 1 gồm những địa bàn nào? Ai có thẩm quyền bổ nhiệm Tư lệnh Quân khu?

    Quân khu 1 gồm những địa bàn nào? Ai có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tư lệnh, Chính ủy Quân khu? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

    (1) Quân khu 1 gồm những địa bàn nào?

    Ngày 16/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập các Chiến khu trong cả nước, trong đó có Chiến khu 1 bao gồm các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Ninh, Quảng Yên, Lai Châu, Sơn La và Châu Mai Đà (Hoà Bình). 

    Bộ Chỉ huy và cơ quan Chiến khu được bố trí tại Kép - Le xã Đồng Quang (nay thuộc phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên). 

    Theo đó, ngày 16/10 hằng năm đã trở thành ngày truyền thống của Lực lượng vũ trang Quân khu 1.

    Hiện nay, Quân khu 1 trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam, nằm ở vị trí địa - chính trị chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại trong thế bố trí chung của cả nước, có nhiệm vụ tổ chức, xây dựng, quản lý và chỉ huy lực lượng vũ trang 3 thứ quân.

    Quân khu 1 hiện bao gồm các tỉnh như sau:

    - Lạng Sơn.

    - Cao Bằng.

    - Bắc Giang.

    - Bắc Kạn.

    - Bắc Ninh.

    - Thái Nguyên.

    Tư lệnh kiêm Chính uỷ đầu tiên của Quân khu 1 là đồng chí Đàm Quang Trung. Hiện nay, Tư lệnh Quân khu 1 là đồng chí Nguyễn Hồng Thái.

    (2) Tư lệnh, Chính ủy Quân khu là chức vụ gì?

    Căn cứ khoản 1 Điều 11 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi 2014 có quy định về chức vụ của sĩ quan như sau:

    “1. Chức vụ cơ bản của sĩ quan gồm có:

    a) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;

    b) Tổng Tham mưu trưởng; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị;

    c) Chủ nhiệm Tổng cục, Tổng cục trưởng, Chính ủy Tổng cục;

    d) Tư lệnh Quân khu, Chính ủy Quân khu; Tư lệnh Quân chủng, Chính ủy Quân chủng; Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Chính ủy Bộ đội Biên phòng;

    …”

    Theo đó, hiện nay, Tư lệnh Quân khu, Chính ủy Quân khu là 02 chức vụ cơ bản của sĩ quan. 

    Ngoài ra, tại điểm c khoản 1 Điều 15 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 được sửa đổi bởi Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi 2014 thì cấp bậc quân hàm cao nhất đối với Tư lệnh, Chính ủy Quân khu là Trung tướng.

    (3) Ai có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tư lệnh, Chính ủy Quân khu?

    Hiện nay, thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tư lệnh, Chính ủy Quân khu được quy định cụ thể tại Điều 25 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 được sửa đổi bởi Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi 2014 như sau:

    - Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, Chuẩn Đô đốc, Phó Đô đốc, Đô đốc Hải quân;

    - Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thứ trưởng; Phó Tổng Tham mưu trưởng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Giám đốc, Chính ủy Học viện Quốc phòng; Chủ nhiệm Tổng cục, Tổng cục trưởng, Chính ủy Tổng cục; Tư lệnh, Chính ủy Quân khu; Tư lệnh, Chính ủy Quân chủng; Tư lệnh, Chính ủy Bộ đội Biên phòng; Tư lệnh, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam; Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ và các chức vụ khác theo quy định của cấp có thẩm quyền;

    - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức vụ và phong, thăng, giáng, tước các cấp bậc quân hàm còn lại và nâng lương sĩ quan;

    - Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức vụ thuộc ngành Kiểm sát, Toà án, Thi hành án trong quân đội được thực hiện theo quy định của pháp luật.

    Cấp có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm đến chức vụ nào thì có quyền miễn nhiệm, cách chức, giáng chức, quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ, điều động, biệt phái, giao chức vụ thấp hơn, cho thôi phục vụ tại ngũ, chuyển ngạch và giải ngạch sĩ quan dự bị đến chức vụ đó.

    Theo đó, có thể thấy, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ là người thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tư lệnh, Chính ủy Quân khu.

    Lưu ý: Cấp có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm đến chức vụ nào thì có quyền miễn nhiệm, cách chức, giáng chức, quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ, điều động, biệt phái, giao chức vụ thấp hơn, cho thôi phục vụ tại ngũ, chuyển ngạch và giải ngạch sĩ quan dự bị đến chức vụ đó.

     
    56 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận