Chào bạn
Trong đời sống xã hội hiện nay, con người luôn luôn tham gia vào
những quan hệ rất đa dạng và phong phú. Ví dụ: Quan hệ hôn nhân và gia
đình; quan hệ lao động; quan hệ tài sản; quan hệ chính trị, … Các quan hệ đa
dạng ấy có thể phát sinh trong hoạt động sản xuất, công tác, học tập, sinh hoạt
đời thường, hoạt động đối ngoại,… Đó là những quan hệ xã hội. Quan
hệ xã hội có thể tồn tại giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tập thể, tổ
chức, với nhà nước, giữa tổ chức với nhau hoặc với nhà nước, … Các quan hệ xã
hội được điều chỉnh bởi một tổng thể phức tạp các quy phạm xã hội. Ví dụ như:
quy phạm pháp luật; quy phạm đạo đức, phong tục tập quán, quy tắc của các tổ
chức xã hội, nội quy của trường học, tín điều tôn giáo … Trong xã hội có
nhà nước, các quan hệ xã hội quan trọng nhất được quy phạm pháp luật điều
chỉnh. Vì quan hệ xã hội vốn đa dạng nên trong thực tế quy phạm
pháp luật không thể điều chỉnh hết mọi quan hệ xã hội. Ví dụ như: “quan hệ “sư đệ” (thầy với học trò) chưa có văn bản quy phạm
riêng nào điều chỉnh. Tuy hiện nay, nhà nước ta đã có Luật Giáo dục nhưng luật
này không phải chủ yếu nhằm để quy định quan hệ thầy trò. Luật Dạy nghề, Luật
Thanh niên... đều vậy. Trong tình hình ấy, quan hệ thầy trò đã được đồng
hóa chung với mọi quan hệ dân sự bình thường khác; khi có hành vi xâm phạm thì
bị xử lý theo luật hành chính và luật hình sự như quan hệ giữa công dân bình
thường với nhau. Bộ luật Hình sự hiện hành tuy có quy định tình tiết tăng nặng
đối với hành vi trò giết thầy, đánh thầy nhưng lúc áp dụng vì luật không rõ
ràng minh bạch nên sau khi cãi lý với nhau về việc học hệ tại chức, chuyên tu,
từ xa hay hệ chính quy, còn học hay đã nghỉ học, thời gian thầy dạy bao lâu...
rốt cuộc thì số phận “ông thầy” cũng chỉ được xử lý như “mọi người”.
Các quy phạm pháp luật quy định cho các bên tham gia quan hệ xã
hội các quyền và nghĩa vụ pháp lý, trách nhiệm cho các bên nếu không thực hiện các
quyền và nghĩa vụ đó hoặc vi phạm quyền của bên kia, có nghĩa là các bên tham
gia quan hệ xã hội sẽ trở thành người đại diện của các quyền và nghĩa vụ mà quy
phạm pháp luật đã xác lập.
Nhưng các quyền và nghĩa vụ ấy trong tuyệt đại bộ phận các trường hợp
được thực hiện trong đời sống chỉ khi xuất hiện những sự kiện pháp lý cụ thể và
chủ thể tương ứng do phần giả định của quy phạm pháp luật dự kiến trước.
Khi đó, giữa các bên tham gia quan hệ xã hội tương ứng sẽ xuất hiện mối liên hệ
đặc biệt – đó là quan hệ pháp luật.
Ví dụ: Trong quan hệ lao động, pháp luật lao động quy định những trách nhiệm
và nghĩa vụ (sự kiện pháp lý) của người sử dụng lao động và người lao
động (chủ thể) phải thực hiện khi tham gia vào mối quan hệ lao động. Những
trách nhiệm và nghĩa vụ đó đã được pháp luật lao động quy định trước, dự kiến
trước. Như vậy, quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động là
quan hệ pháp luật.
Pháp luật là những quy tắc xử sự chung thể hiện ý chí của giai cấp, do
Nhà nước ban hành theo trình tự, thủ tục luật định nhằm điều chỉnh các quan hệ
xã hội và được bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh của Nhà nước. Pháp luật một mặt
hướng dẫn, điều chỉnh hành vi của các chủ thể tham gia quan hệ xã hội phù hợp
với nhu cầu của xã hội, mặt khác, hướng đến ý thức tình cảm làm cho mô hình
hành vi đọng lại trong ý thức của con người. Pháp luật mang tính bắt buộc chung
cho tất cả mọi người, mọi cơ quan, tổ chức nhằm mục đích ngăn ngừa, răn đe,
trừng phạt những hành vi sai trái, giáo dục, cảm hoá những người có hành vi
này, bồi dưỡng cho mọi người tinh thần, ý thức làm chủ xã hội, ý thức tuân thủ
pháp luật bảo đảm cho xã hội phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững… Pháp luật
điều chỉnh những mối quan hệ xã hội chủ yếu, cơ bản mang tính ổn định và được
lặp đi lặp lại.
Thân