Để trả lời câu hỏi này, theo mình, cần làm rõ một vài vấn đề sau:
Trước hết, khẳng định rằng: Lời chào hàng được coi là một đề nghị giao kết hợp đồng. Theo khoản 1 Điều 404 BLDS 2005: "Hợp đồng dân sự được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết". Nếu căn cứ quy định này, thì, khi công ty B gửi thông báo chấp nhận chào hàng cho công ty A mà công ty A không có hồi đáp thì coi như đã hình thanh quan hệ hợp đồng giữa 2 bên. Tuy nhiên, khi công ty A đã thay đổi nội dung của thư chào hàng thì đó được coi là một lời đề nghị mới (theo khoản 2 Điều 392 BLDS 2005). Do đó, việc công ty B trả lời chấp nhận đề gnhị giao kết cũ sẽ không được coi là có giá trị. Để làm rõ về khẳng định này, chúng ta xem xét việc thay đổi nọi dung chào hàng của công ty A có hợp lý hay không?
- Ở đây, công ty A đã gọi điện thoại đến văn phòng của công ty B để thông báo về việc thay đổi nội dung về giá cả trong lời chào hàng trước khi công ty B nhận được thư chào hàng. Điều này là phù hợp với quy định của pháp luật, tại điểm a khoản 1 Điều 392 BLDS 2005: bên đề nghị giao kết được thay đổi đề nghị giao kết nếu "bên được đề nghị nhận được thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị trước hoặc cùng thời điểm với thời điểm nhận được đề nghị".
- Viẹc thông báo thực hiện thông qua thư kí chứ không phải trực tiếp với Giám đốc có được chấp nhận hay không? Câu trả lời là có, bởi: Theo điểm b khoản 2 Điều 391 BLDS 2005 thì được coi là đã nhận được lời đề nghị giao kết khi "đề nghị được đưa vào hệ thống thông tin chính thức của bên được đề nghị".
Như vậy, từ những phân tích trên đây khẳng định rằng: công ty A đã đưa ra một lời đề nghị mới, và công ty B chưa có trả lời cho đề nghị mới này, nên quan hệ hợp đồng chưa được hình thành. Và do đó, công ty A không có trách nhiệm phải bồi thường.