Mặc dù thực thể mang trí tuệ nhân tạo AI bắt đầu được quan tâm tại Việt Nam chưa lâu nhưng với những tiềm lực sẵn có, quan điểm cá nhân người viết tin rằng thực thể mang trí tuệ nhân tạo AI sẽ phát triển rất nhanh tại Việt Nam trong tương lai. Để tận dụng được những lợi thế do AI mang lại cho sự phát triển của nền kinh tế thì việc dự báo những thách thức về xã hội và pháp lý cũng như đề ra những giải pháp giải quyết thách thức là điều tất yếu phải làm. Người viết xin có một vài đề xuất như sau:
Thứ nhất, cần nghiên cứu và xác định rõ tư cách pháp lý, bản chất pháp lý của AI hướng đến việc xây dựng khung pháp lý điều chỉnh các mối quan hệ pháp luật liên quan đến AI như quan hệ về tài sản, quyền sở hữu, sở hữu trí tuệ, quan hệ lao động, bồi thường thiệt hại, đặc biệt là trách nhiệm pháp lý của thực thể mang trí tuệ nhân tạo AI khi gây gại cho con người.
Thứ hai, về trách nhiệm bồi thường thiệt hại liên quan đến thực thể mang trí tuệ nhân tạo AI, ngoài áp dụng những quy định hiện hành để giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, các nhà lập pháp cần chuẩn bị những quy định về việc xác định chủ thể trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Cụ thể là quy định về trách nhiệm bồi thường của nhà sản xuất, chủ sở hữu AI, người chiếm hữu hợp pháp hoặc trái phép hệ thống AI và thực thể mang AI trong mối quan hệ không liên đới và liên đới.