Hiện tại, có hai cách tiếp cận về tư cách pháp lý của AI như sau:
(1) AI là một đối tượng của pháp luật, một số thực thể hữu hình có gắn AI như robot có thể được xem xét có quyền như con người, tuy nhiên số lượng quốc gia theo cách tiếp cận này rất ít;
(2) AI là một đối tượng riêng biệt trong pháp luật và được kiểm soát bởi những quy định đặc biệt, các thực thể mang AI không được công nhận có quyền như một con người, bản chất là một tài sản, công cụ, hay sản phẩm (pháp luật chỉ quy định AI là một đối tượng được kiểm soát đặc biệt và có những quy định dành riêng để điều chỉnh các vấn đề phát sinh liên quan đến AI)
Ở Việt Nam, chưa có một cách tiếp cận nào rõ ràng cho AI hay những thực thể mang AI. Việc này có thể là một thách thức trong quá trình vận dụng pháp luật điều chỉnh. Pháp luật Việt Nam quy định chủ thể phải là cá nhân hoặc tổ chức, do vậy sẽ là không thể nếu chúng ta xác định tư cách pháp lý của AI cũng như những thực thể mang AI là những chủ thể trong pháp luật, có quyền như một con người. Theo người viết, khi xây dựng quy định pháp luật để điều chỉnh các vấn đề pháp lý phát sinh liên quan đến AI, chúng ta có thể tiếp cận theo cách thứ (2), không cố gắng xác định tư cách pháp lý của AI, mà tập trung định nghĩa của AI và các vấn đề phát sinh. Còn đối với thực thể mang AI cần có quy định rõ đến việc xác định bản chất của những thực thể đó.