Có bao giờ bạn thắc mắc, qua phà thì xếp hàng thế nào, xe nào được ưu tiên hay là lên xuống phà thế nào cho đúng luật không? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
(1) Quy định về việc qua phà, qua cầu phao
Đúng vậy, bạn không thấy nhầm đâu, thực sự trong Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định về việc qua phà, qua cầu phao.
Cụ thể, theo Điều 23 Luật Giao thông đường bộ 2008, các việc cần làm khi đến bến phà, khi xuống phà, đang ở trên phà và khi lên bến được quy định như sau:
- Khi đến bến phà, cầu phao, các xe phải xếp hàng trật tự, đúng nơi quy định, không làm cản trở giao thông
- Khi xuống phà, đang ở trên phà và khi lên bến, mọi người phải xuống xe, trừ người điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, người bệnh, người già yếu và người khuyết tật
- Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng phải xuống phà trước, xe thô sơ, người đi bộ xuống phà sau; khi lên bến, người đi bộ lên trước, các phương tiện giao thông lên sau theo hướng dẫn của người điều khiển giao thông
Việc quy định các việc cần làm khi đi phà và thứ tự lên xuống phà như vậy có ý nghĩa đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, phương tiện và góp phần tạo trật tự chung và bảo vệ tài sản. Theo đó, từng quy định có ý nghĩa như sau:
- Xếp hàng trật tự: Giúp kiểm soát lưu lượng phương tiện, tránh ùn tắc, chen lấn, xô đẩy, đặc biệt là trong trường hợp phà có tải trọng hạn chế. Ngoài ra việc xếp hàng trật tự còn thể hiện ý thức văn minh, trách nhiệm của mỗi cá nhân, góp phần xây dựng văn hóa giao thông đường thủy.
- Xuống xe khi di chuyển trên phà: Hạn chế nguy hiểm cho người ngồi trên xe khi phà gặp sự cố, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển và thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp.
- Xe lớn xuống trước, xe nhỏ xuống sau: Giúp cân bằng tải trọng phà, đảm bảo phà di chuyển ổn định, tránh mất cân bằng và nguy cơ chìm phà và hạn chế va chạm, trầy xước xe khi di chuyển trên phà do phà di chuyển hoặc do chen lấn, xô đẩy.
- Người đi bộ lên bến trước: Đảm bảo an toàn cho người đi bộ, tránh bị va chạm bởi các phương tiện giao thông khi lên bến.
Có thể thấy, nếu bạn tuân thủ theo quy định pháp luật là bạn đã giảm thiểu được rất nhiều rủi ro khi đi phà như đảm bảo an toàn về sức khỏe, tính mạng, tài sản của bản thân và người khác.
(2) Thứ tự xe ưu tiên khi qua phà, qua cầu phao
Theo quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật Giao thông đường bộ 2008, thứ tự ưu tiên khi qua phà, qua cầu phao được quy định như sau:
Đầu tiên, xe được ưu tiên qua trước là các xe được quyền ưu tiên quy định tại khoản 1 Điều 22 của Luật Giao thông đường bộ 2008 bao gồm: xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu; xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật và đoàn xe tang.
Thứ hai, xe được ưu tiên tiếp theo là xe chở thư báo.
Thứ ba là xe chở thực phẩm tươi sống.
Cuối cùng là xe chở khách công cộng.
Theo đó, trong trường hợp các xe cùng loại ưu tiên đến bến phà, cầu phao thì xe nào đến trước được qua trước.
Việc nhường đường các xe được ưu tiên lên phà, qua cầu phao thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự tương thân tương ái của mỗi cá nhân khi đặt sự ưu tiên cho các việc mang tính nguy cấp liên quan đến tính mạng và sức khỏe con người như việc nhường cho các xe cấp cứu, xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ, xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục thiên tai, dịch bệnh,...lên trên lợi ích của mình.
Ngoài ra, việc quy định các thứ tự ưu tiên nhằm hạn chế ùn tắc giao thông khi các xe ưu tiên thường cần được qua sớm để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Có thể thấy, việc quy định thứ tự ưu tiên khi qua phà, cầu phao là quy định hợp lý và cần thiết để đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế ùn tắc, bảo vệ môi trường và thể hiện tính công bằng, văn minh trong xã hội.
Hy vọng sau bài viết này, bạn sẽ hiểu rõ các quy định và biết cách qua phà sao cho đúng luật, góp phần xây dựng giao thông đường thủy an toàn, hiệu quả.