|
Phủi tay
|
PHỦI TAY
Ngày 13 – 5 – 2013, báo Thanh niên có bài “Mặc áo phông, quần ngố, cầm gậy phân luồng giao thông”, theo đó phản ánh hiện tượng một nam thanh niên bị đánh giá là ăn mặc lôi thôi, luộm thuộm cầm gậy thổi còi điều khiển giao thông ở khu vực cầu Cống Mọc, Hà Nội.
Cuối bài viết, báo cho biết: “Thiếu tá Lê Hùng Vỹ - Phó trưởng Công an phường Nhân Chính cho biết, công an phường Nhân Chính đang xác minh, làm rõ danh tính của nam thanh niên này để cùng gia đình nhắc nhở về việc làm trên”
Không hiểu ý nghĩa của từ “Nhắc nhở” ở đây là gì? Ăn mặc cho nghiêm chỉnh hay không được phép tiếp tục hướng dẫn giao thông nữa?
Mà sao lại phải xác minh làm rõ khi mà ai cũng biết người thanh niên đó là ai vì việc làm của cậu này đã có cả hơn một năm nay.
“Thắng, 18 tuổi, nhà ở ngõ … phố Quan Nhân, học hết lớp 6 thì bỏ học, gậy điều khiển mua ở Lê Duẩn giá 50.000đ, còi được cho, bố không phản đối việc cậu làm nhưng mẹ lại không đồng ý”.
Thông tin này tôi có được, đơn giản hơn cả Maria, là trong một lần đạp xe sang nhà bố mẹ vợ ăn cơm (vì bị vợ đuổi ra khỏi nhà) thì thấy Thắng đang lang thang, mà theo cậu ta nói là vừa hướng dẫn ở phố Tôn Thất Tùng về.
Giọng cậu này tưng tửng khi nói chuyện, chả có thưa gửi dạ vâng gì, khiến tôi càng củng cố nhận thức từ nhiều tháng trước là cậu này hơi có vấn đề về thần kinh.
Nhưng việc làm của Thắng khiến tôi rất khâm phục, nhất là khi quá nhiều lần chứng kiến cảnh một mình Thắng dầm mưa dãi nắng phân luồng giao thông, và cũng không ít lần bị chửi, bị dọa đánh bởi những người thiếu ý thức nhưng thừa sự côn đồ.
Thắng làm thế chẳng phải để được ai cho cái gì, mà đơn giản là cậu ta muốn giúp đỡ mọi người, và cũng là có thể cậu thấy mình có chút oai.
Tuy nhiên dù là vì lý do gì đi nữa, thì người hưởng lợi không ai khác là những người tham gia giao thông, và cả những người thuộc lực lượng lẽ ra phải làm công việc của Thắng.
Họ nghiễm nhiên chấp nhận điều đó vì nó góp phần hạn chế điểm đen về giao thông ở khu vực, chứ không phải họ không biết cậu ta là ai.
Nhờ Thắng, lực lượng này cũng có thêm thời gian, sức lực để làm những công việc mà họ cho là quan trọng hơn, và (có lẽ) phát sinh nhiều lợi lộc hơn như phạt người vi phạm giao thông hay lấn chiếm lòng lề đường.
Tôi đã từng chứng kiến, ở đầu này một mình Thắng tả xung hữu đột, gậy vung mỏi tay.lời bay mỏi lưỡi phân luồng, thì cách đó không xa, cơ quan chức năng bố trí cả chục người giăng thiên la địa võng bắt ai đó không đội mũ bảo hiểm.
Vậy thì lực lượng mỏng chưa hẳn đã là lý do duy nhất và chính xác nhất để biện minh cho sự thiếu trách nhiệm của những người có trách nhiệm.
Còn với những công dân có ý thức tốt như Thắng, cơ quan chức năng cần phải biểu dương, khen thưởng để họ phát huy thêm sự nhiệt tình của bản thân nhằm giúp đỡ cộng đồng và xã hội chứ không phải ngoảnh mặt làm ngơ nhận vơ thành tích để rồi khi có sự phản ánh theo chiều hướng không tốt thì lại phủi tay cái xoẹt.
Sau bài báo nói trên, Thắng vẫn thực hiện công việc của mình như chưa có cán bộ nào từng đọc bài báo hoặc từng trả lời phỏng vấn về sự việc này cả.
T (26 – 5 – 2013)
|
Bài viết liên quan:
|
|