Trường hợp nào cá nhân bị phong tỏa tài khoản ngân hàng? Khi phong tỏa tài khoản thì phải thông báo cho những đối tượng nào? Điều kiện chấm dứt phong tỏa tài khoản thanh toán?
Trường hợp nào cá nhân bị phong tỏa tài khoản ngân hàng?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 17
Thông tư 23/2014/TT-NHNN, được sửa đổi bổ sung bởi
Thông tư 02/2019/TT-NHNN thì tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản thanh toán của khách hàng trong các trường hợp sau:
Có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật
Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện thấy có nhầm lẫn, sai sót khi ghi Có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của người chuyển tiền. Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót
Có thông báo bằng văn bản của một trong các chủ tài khoản về việc phát sinh tranh chấp về tài khoản thanh toán chung giữa các chủ tài khoản thanh toán chung.
Như vậy, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản thanh toán của khách hàng đối với trường hợp có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền; Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện thấy có nhầm lẫn, sai sót khi ghi Có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của người chuyển tiền và số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót; Có thông báo bằng văn bản của một trong các chủ tài khoản về việc phát sinh tranh chấp về tài khoản thanh toán chung giữa các chủ tài khoản thanh toán chung.
Khi phong tỏa tài khoản thì phải thông báo cho những đối tượng nào?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 17
Thông tư 23/2014/TT-NHNN, được sửa đổi bổ sung bởi
Thông tư 02/2019/TT-NHNN quy định thì Ngay sau khi phong tỏa tài khoản thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải thông báo (bằng văn bản hoặc theo hình thức thông báo đã thỏa thuận tại hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và khách hàng mở tài khoản thanh toán) cho chủ tài khoản hoặc người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của chủ tài khoản biết về lý do và phạm vi phong tỏa tài khoản thanh toán; số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán phải được bảo toàn và kiểm soát chặt chẽ theo nội dung phong tỏa. Trường hợp tài khoản bị phong tỏa một phần thì phần không bị phong tỏa vẫn được sử dụng bình thường.
Như vậy, ngay sau khi phong tỏa tài khoản thanh toán thì tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải thông báo bằng văn bản hoặc theo hình thức thông báo đã thỏa thuận tại hợp đồng giữa 2 bên cho chủ tài khoản hoặc người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của chủ tài khoản biết về lý do và phạm vi phong tỏa tài khoản thanh toán; số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán phải được bảo toàn và kiểm soát chặt chẽ theo nội dung phong tỏa. Trường hợp tài khoản chỉ bị phong tỏa một phần thì phần không bị phong tỏa vẫn được sử dụng bình thường.
Điều kiện chấm dứt phong tỏa tài khoản thanh toán?
- Kết thúc thời hạn phong tỏa
- Có văn bản yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về việc chấm dứt phong tỏa tài khoản thanh toán
- Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đã xử lý xong sai sót, nhầm lẫn về chuyển tiền
- Có thông báo bằng văn bản của tất cả các chủ tài khoản thanh toán chung về việc tranh chấp về tài khoản thanh toán chung giữa các chủ tài khoản thanh toán chung đã được giải quyết
Như vậy, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chấm dứt phong tỏa tài khoản thanh toán khi có một trong các điều kiện bên trên. Hết thời hạn phong tỏa, ngân hàng phải hủy bỏ việc phong tỏa tài khoản và thực hiện các giao dịch của khách hàng như bình thường, không được cản trở gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của khách hàng.