“Phong sát” là gì? Ở Việt Nam, “phong sát” được quy định như thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #606839 15/11/2023

    xuanuyenle
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam
    Tham gia:02/08/2022
    Tổng số bài viết (2349)
    Số điểm: 81119
    Cảm ơn: 84
    Được cảm ơn 1703 lần
    ContentAdministrators
    SMod

    “Phong sát” là gì? Ở Việt Nam, “phong sát” được quy định như thế nào?

    Nếu là người theo dõi các idol Cbiz hay các bộ phim Hoa ngữ thì chắc chắn bạn biết được sức mạnh của hai từ “phong sát” ở Trung Quốc mạnh như thế nào? Vậy ở Việt Nam, có quy định về phong sát hay không? Phong sát là gì? Cùng nhau tìm hiểu nhé!

    Phong sát là gì?

    Phong sát là từ Hán Việt, phiên âm từ chữ 封杀/ 封 殺(fēng shā) trong tiếng Trung Quốc. Phong (封) có nghĩa là đóng kín, cấm không cho sử dụng; sát (杀) là sát hại, giết chết. Thuật ngữ này áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, không chỉ riêng phạm vi nghệ thuật biểu diễn.

    Trong từ điển, "phong sát là lệnh cấm hoặc phong tỏa để ngăn cản người hay vật tồn tại trong một lĩnh vực nhất định" (Hiện đại Hán ngữ từ điển, tái bản lần thứ sáu). Tùy trường hợp, lệnh phong sát có thể áp dụng vĩnh viễn hoặc tạm thời.

    Điển hình là ở Trung Quốc, trong thể thao, phong sát có nghĩa là "chặn" (phạm lỗi kỹ thuật trong môn bóng chày và bóng mềm) hoặc cấm thi đấu có thời hạn hoặc suốt đời do vi phạm pháp luật (đánh bạc, cá độ, dàn xếp kết quả trận đấu…);

    Trong lĩnh vực báo chí, truyền hình và điện ảnh, phong sát là cấm tham gia công việc nhất định, cấm phổ biến ấn phẩm, một phần tin tức hay phát sóng chương trình hoặc cấm nghệ sĩ phạm pháp, không cho xuất hiện trên truyền hình. 

    Ở một số quốc gia, chương trình truyền hình nào bị xem là "không phù hợp", có nội dung nhạy cảm về chính trị, liên quan đến chính phủ cũng sẽ bị phong sát.

    Ví dụ: Ở Trung Quốc, một số nghệ sĩ bị phong sát như Trịnh Sảng (thuê người đẻ mướn vi phạm pháp luật Trung Quốc, trốn thuế), Ngô Diệc Phàm (tội cưỡng hiếp, dâm ô tập thể), Triệu Vy (trốn thuế)...

    Còn ở Việt Nam, “phong sát” có thể hiểu như các biện pháp xử lý: "cấm sóng", "cấm mạng", "cấm diễn" nhằm mục đích từng bước làm lành mạnh không gian mạng, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, nhất là đối với giới trẻ.

    Cấm sóng, cấm diễn đối với những nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm pháp luật, đạo đức

    Bộ Thông tin và Truyền thông đã thông qua Quyết định 512/QĐ-BTTTT năm 2023 về việc cập nhật Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021 - 2025.

    Theo đó, từ tháng 10/2023, nghệ sĩ và người có tầm ảnh hưởng (KOLs) vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng không tốt đến xã hội sẽ bị hạn chế các hoạt động: phát sóng, biểu diễn, quảng cáo.

    Cụ thể, hiện tại chưa có quy định pháp luật nên trước mắt sẽ sử dụng phương thức "khuyến nghị" hạn chế phát sóng, đưa tin, biểu diễn đối với đối tượng vi phạm.

    Thời gian qua có không ít những nghệ sĩ, người nổi tiếng có hành vi vi phạm trong hoạt động biểu diễn, phát ngôn trên mạng xã hội. Những hành vi như đưa tin sai sự thật, quảng cáo tiền ảo, mê tín, thổi phồng công dụng của thực phẩm bảo vệ sức khỏe… đã gây ảnh hưởng không tốt tới xã hội, đặc biệt là giới trẻ.

    Trước đó, tại Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động thông tin điện tử năm 2022, định hướng nhiệm vụ năm 2023 do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử tổ chức cuối năm 2022, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, trong năm 2022, nhằm ngăn chặn gỡ bỏ thông tin xấu, độc, tin sai sự thật, tin giả trên mạng internet, Trung tâm xử lý tin giả và Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đã tăng cường năng lực rà quét 300 triệu tin/ngày.

    Bên cạnh đó tiếp tục nâng cao tỷ lệ chặn gỡ bỏ thông tin xấu, độc, tin giả, sai sự thật trên các nền tảng xuyên biên giới (Facebook, Youtube, Tiktok) đạt tỷ lệ trên 92%.

    Để xử lý tình trạng quảng cáo tràn lan vi phạm pháp luật trên các trang tin điện tử, trang mạng xã hội, Bộ TT&TT đã lập các đoàn kiểm tra đột xuất các doanh nghiệp quảng cáo xuyên biên giới và đã xử phạt 15 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền 210 triệu đồng; đàm phán với Goolge gỡ bỏ hơn 2.000 quảng cáo vi phạm liên quan đến thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe... trong 6 tháng cuối năm

    Hiện tại, đối với những nghệ sĩ, người nổi tiếng, KOLs mà có hành vi tung tin giả; xúc phạm danh dự, nhân phẩm; quảng cáo sai sự thật,… chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chỉ từ 5 - 10 triệu đồng hoặc 10 - 15 triệu đồng tùy hành vi.

    Theo đó, cần có các giải pháp khác, ví dụ như khóa kênh, cắt nguồn tiền quảng cáo và tới đây nữa sẽ là cấm sóng, cấm biểu diễn.

    Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật

    Trước đó, cuối năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật tại Quyết định 3196/QĐ-BVHTTDL.

    Trong đó, quy tắc ứng xử chung đối với nghệ sĩ là:

    - Đặt lợi ích của dân tộc, quốc gia lên trên hết, trước hết, trọng danh dự, đề cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người hoạt động nghệ thuật.

    - Gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật theo tinh thần “thượng tôn pháp luật”, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; không làm tổn hại uy tín của tập thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác.

    - Giữ gìn phẩm chất đạo đức, uy tín, danh dự của người hoạt động nghệ thuật phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa Việt Nam.

    Ngoài ra, còn quy định về Quy tắc ứng xử trong hoạt động nghề nghiệp, Quy tắc ứng xử đối với đồng nghiệp, Quy tắc ứng xử đối với công chúng, khán giả,  Quy tắc ứng xử trên báo chí, truyền thông và không gian mạng, Quy tắc ứng xử khi tham gia các hoạt động xã hội khác

    Xem thêm tại Quyết định 3196/QĐ-BVHTTDL ngày 13/12/2021.

     
    10471 | Báo quản trị |  
    2 thành viên cảm ơn xuanuyenle vì bài viết hữu ích
    Nghia003 (07/12/2024) admin (03/01/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận