Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh việc triển khai thí điểm đô thị thông minh

Chủ đề   RSS   
  • #615431 20/08/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 19274
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 412 lần


    Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh việc triển khai thí điểm đô thị thông minh

    Dựa trên báo cáo của Bộ Xây dựng về tình hình triển khai đô thị thông minh bền vững năm 2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có những ý kiến chỉ đạo về việc triển khai đô thị thông minh trong thời gian sắp tới.

    Theo Công văn 5802/VPCP-CN, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Xây dựng tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương thực hiện triển khai thực chất, hiệu quả “Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030” tại Quyết định 950/QĐ-TTg năm 2018 theo đúng các mục tiêu phát triển đô thị bền vững theo hướng thông minh tại Nghị quyết 06-NQ/TW năm 2022. Bên cạnh đó cụ thể hóa các nội dung nhiệm vụ về xây dựng và phát triển đô thị thông minh theo đúng Nghị quyết 148/NQ-CP năm 2022 thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW.

    Theo đó, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Xây dựng ưu tiên tập trung thực hiện một số nhiệm vụ như sau:

    (1) Xây dựng, ban hành Bộ tiêu chí đô thị thông minh

    Trước tiên, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Xây dựng khẩn trương ban hành văn bản đôn đốc các cơ quan liên quan tăng cường thực hiện những nội dung đã được đề xuất trong báo cáo về tình hình triển khai đô thị thông minh bền vững năm 2023.

    Tiếp theo, Bộ Xây dựng sẽ xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí đô thị thông minh bền vững Việt Nam, kết hợp với quá trình chuyển đổi số; đồng thời nghiên cứu và đề xuất các nội dung phù hợp cho Luật Quản lý phát triển đô thị và Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đang được soạn thảo.

    Ngoài ra, Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo toàn quốc nhằm đánh giá kết quả thực hiện Đề án vào cuối năm 2024, cùng với việc lập báo cáo tổng kết Đề án vào năm 2025.

    Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng sẽ tiến hành nghiên cứu và tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ về Định hướng phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam cho giai đoạn 2025-2035, đảm bảo phù hợp với bối cảnh mới.

    Theo đó, có thể thấy, những chỉ đạo và nhiệm vụ được Phó Thủ tướng giao cho Bộ Xây dựng không chỉ thể hiện quyết tâm trong việc thúc đẩy phát triển đô thị thông minh bền vững tại Việt Nam, mà còn khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng một khung pháp lý và tiêu chí rõ ràng.

    Qua đó, các cơ quan liên quan sẽ có cơ sở vững chắc để triển khai hiệu quả các hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững trong bối cảnh mới.

    (2) Đẩy mạnh việc triển khai thí điểm đô thị thông minh

    Việc triển khai các nội dung thí điểm đô thị thông minh đang được đẩy mạnh với mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý và phục vụ người dân.

    Đầu tiên, cần tiến hành rà soát, đánh giá và lựa chọn các khu vực thí điểm cũng như xây dựng chương trình và kế hoạch thực hiện một cách cụ thể.

    Đồng thời, nghiên cứu và xử lý các đề xuất từ các bộ, ngành về những vướng mắc trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức là rất quan trọng, đặc biệt khi liên quan đến tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức khi thành lập Trung tâm kết nối công dân gắn với bộ phận một cửa liên thông.

    Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ mô hình hoạt động của Trung tâm kết nối công dân gắn với bộ phận một cửa liên thông này, phải xác định rõ nó là đơn vị sự nghiệp công lập hay tổ chức hành chính, nhằm đảm bảo tuân thủ, bám sát các quy định pháp luật về tổ chức bộ máy.

    Qua đó, việc thực hiện thí điểm sẽ diễn ra hiệu quả, góp phần tạo ra một môi trường đô thị thông minh, thân thiện và tiện lợi cho người dân.

    Tham khảo thêm: Đô thị thông minh là gì?

    Đô thị thông minh được giải thích tại tiểu mục 3.4 Mục 3 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 37122:2020 (ISO 37122:2019) như sau:

    “Đô thị thông minh (smart city) là đô thị gia tăng sự phát triển từ đó mang lại những kết quả mang tính bền vững về xã hội, kinh tế và môi trường. Các đô thị thông minh đáp ứng những thách thức như biến đổi khí hậu, gia tăng dân số và bất ổn chính trị và kinh tế bằng cách cải thiện về cơ bản cách thức thu hút xã hội, áp dụng các phương pháp lãnh đạo cộng tác, làm việc theo nguyên tắc và hệ thống của đô thị và sử dụng thông tin dữ liệu và công nghệ hiện đại để cung cấp dịch vụ tốt hơn và chất lượng cuộc sống cho mọi người trong đô thị (cư dân, doanh nghiệp, khách vãng lai), hiện tại và trong tương lai gần mà không gây ra sự không công bằng của những người khác hoặc sự suy thoái của môi trường tự nhiên.

    CHÚ THÍCH 1: Một đô thị thông minh cũng phải đối mặt với thách thức việc nhìn nhận các giới hạn và hạn chế mà các ranh giới này áp đặt.

    CHÚ THÍCH 2: Có rất nhiều định nghĩa về đô thị thông minh, tuy nhiên định nghĩa được sử dụng trong tiêu chuẩn này là định nghĩa chính thức”

    Như vậy, có thể hiểu, đô thị thông minh (smart city) là mô hình đô thị phát triển bền vững, mang lại lợi ích lâu dài cho xã hội, kinh tế và môi trường.

    Các đô thị thông minh đối phó với những thách thức như biến đổi khí hậu, gia tăng dân số và bất ổn chính trị, kinh tế bằng cách cải thiện cách thức thu hút cộng đồng, áp dụng các phương pháp lãnh đạo hợp tác, làm việc theo nguyên tắc và hệ thống đô thị.

    Đồng thời sử dụng dữ liệu và công nghệ hiện đại để cung cấp dịch vụ tốt hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân, doanh nghiệp và khách du lịch hiện tại cũng như trong tương lai gần, mà không gây ra sự bất công cho những người khác hoặc gây suy thoái cho môi trường tự nhiên.

     
    49 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận