Mới đây, trên các diễn đàn hàng loạt đăng tin việc Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử yêu cầu Netflix gỡ một bộ phim của Hàn Quốc vì xuyên tạc lịch sử Việt Nam. Hành vi xuyên tạc sự thật lịch sử Việt Nam là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật. Vậy chiếu phim hay phổ biến phim xuyên tạc lịch sử trên không gian mạng sẽ bị xử lý như thế nào?
Nghiêm cấm phim có yếu tố xuyên tạc lịch sử Việt Nam
Hiện nay, nền tảng phim chiếu mạng đang được sự ưa chuộng của phần lớn khán giả Việt. Vì thế việc lựa chọn kỹ lưỡng và xem có chọn lọc là điều rất cần thiết, bên cạnh đó là trách nhiệm của người phổ biến phim cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật Việt Nam.
Trong khoảng thời gian trước và mới đây, nhiều khán giả và cơ quan thẩm quyền phát hiện được một số bộ phim mang những phân đoạn với nội dung liên quan đến chiến tranh, phản ánh sai lệch thông tin và xuyên tạc sự thật lịch sử Việt Nam.
Cụ thể, căn cứ quy định tại khoản 4 điều 9 Luật Báo chí 2016 như sau:
Hành vi xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
Đồng thời cũng vi phạm những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh quy định tại khoản 4 Điều 11 Luật Điện ảnh 2006 như: xuyên tạc sự thật lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, vĩ nhân, anh hùng dân tộc; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.
Xử lý hành vi phổ biến phim có yếu tố xuyên tạc lịch sử Việt Nam
Theo quy định của Luật Điện ảnh 2006 thì phổ biến phim là việc đưa phim đến công chúng thông qua chiếu phim, phát sóng trên truyền hình, đưa lên mạng Internet và phương tiện nghe nhìn khác.
Bên cạnh đó, phổ biến phim được Luật Điện ảnh 2022 (có hiệu lực từ 01/01/2023) giải thích là phổ biến phim là việc đưa phim đến người xem thông qua các hình thức chiếu phim trong rạp chiếu phim, tại địa điểm chiếu phim công cộng, tại trụ sở cơ quan ngoại giao, cơ sở văn hóa nước ngoài được thành lập tại Việt Nam, trên hệ thống truyền hình, không gian mạng và phương tiện nghe nhìn khác.
Theo đó, việc phổ biến phim trên Internet, khai thác phim từ vệ tinh để phổ biến phải thực hiện theo quy định của Luật Điện ảnh 2006 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động điện ảnh thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Đối với những bộ phim có quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu hủy, cấm phổ biến mà vẫn phổ biến phim thì căn cứ theo Khoản 5 Điều 8 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo về vi phạm quy định phổ biến phim như sau:
Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi phổ biến phim đã có quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu hủy, cấm phổ biến hoặc có nội dung khiêu dâm, đồi trụy nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có nội dung kích động bạo lực trên truyền hình, dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số.
Lưu ý: đây là mức phạt tiền áp dụng cho cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền của tổ chức gấp 02 lần cá nhân.
Ngoài ra còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo gỡ phim dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm.
Quy định này áp dụng đối với:
- Tổ chức, cá nhân Việt Nam có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo ở Việt Nam và ở nước ngoài;
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam;
- Người có thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP.
Tính đến ngày 01/01/2023, Luật Điện ảnh 2022 có hiệu lực thì quy định về việc phổ biến phim trên không gian mạng sẽ được áp dụng như sau:
Việc phổ biến phim xuyên tạc lịch sử dân tộc, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; thể hiện không đúng, xâm phạm chủ quyền quốc gia; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phải gỡ bỏ phim vi phạm quy định của Luật Điện ảnh 2022 và quy định khác của pháp luật có liên quan khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Quy định trên được áp dụng đối với các đối tượng:
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam tham gia hoạt động điện ảnh tại Việt Nam và ở nước ngoài.
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động điện ảnh tại Việt Nam.
- Cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động điện ảnh.
Như vậy, khi Luật Điện ảnh 2022 áp dụng sẽ có thêm những điểm mới về phổ biến phim trên không gian mạng cụ thể về chủ thể, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp có nền tảng truyền thông số để phổ biến phim tại Việt Nam.
Xem thêm Luật Điện ảnh 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.