Trong các vụ án hình sự tại Việt Nam, thông qua báo chí, truyền thông… khái niệm “phản cung” gần như đã không còn xa lạ đối với người dân. Tuy nhiên trong thực tế các quy định pháp luật hình sự, tố tụng hình sự có quy định về “phản cung” hay không thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác
Theo từ điển Hán – Việt, từ Phản cung được hiểu là việc một người tại một thời điểm nào đó (tham gia tố tụng) trong quá trình tố tụng đã thay đổi lời khai của mình trước đó. Trong đó từ “phản” được hiểu là “làm trái, làm ngược lại”, “cung” được hiểu là lời khai. Báo chí, truyền thông dung từ “phản cung” theo mình cũng là hợp lý và đầy đủ về nghĩa và có phần nào đó “sang” hơn, thật ra nếu dung từ “thay đổi lời khai” thì cũng không có gì sai. Chỉ là nghe có vẻ như không được “sang” cho lắm, không được hấp dẫn cho lắm và có vẻ cũng hơi dài.
Vậy pháp luật hình sự Việt Nam nói riêng, cũng như các quy định pháp luật nói chung quy định như thế nào về “phản cung”?
Pháp luật Việt Nam hiện hành không có quy định nào cụ thể nói về việc “phản cung” trong quá trình tố tụng. Tuy nhiên quyền được “phản cung” được các nhà làm luật lồng ghép xuyên suốt trong quá trình tố tụng dân sự, hình sự cũng như hành chính.
Cụ thể tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015, các lời khai của người làm chứng, bị hại… được quy định từ Điều 91 đến Điều 98 của Bộ luật này. Tại cụ thể từng điều, BLTTHS quy định về lời khai của các cá nhân này. Không có quy định nào đề cập riêng về việc thay đổi lời khai, cũng như toàn bộ quy định về TTHS cũng không có quy định nào về việc “phản cung”.
Tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015, cũng không có quy nào đề cập về việc thay đổi lời khai trong quá trình tố tụng. Điều tương tự cũng được thể hiện xuyên suốt trong Luật tố tụng hành chính 2015.
Mặc dù trong các quy định tố tụng không có quy định nào cụ thể về việc quyền được phản cung của các cá nhân, tổ chức tham gia tố tụng. Nhưng pháp luật hiện hành cũng không có quy định nào cấm hành vi này. Như vậy, các cá nhân, tổ chức tham gia trong quá trình tố tụng được quyền “phản cung” trong xuyên suốt quá trình tố tụng diễn ra.
Việc “phản cung” có dẫn đến hậu quả nào không?
Câu trả lời là có thể có. Bởi theo quy định tại Điểm S Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015, việc thành khẩn khai báo là tình tiết được xem xét để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Bị cáo trong tố tụng hình sự có sự “phản cung”, tức là có sự không nhất quán trong lời khai, dễ bị coi là “quanh co chối tội” và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự kể trên rất có thể sẽ không được Tòa xem xét trước khi đưa ra bản án cuối cùng.