Xin chào các anh chị, các bạn!
Tôi là một cựu sinh viên ngành Luật, hiện đang làm công tác pháp chế cho Doanh nghiệp (tư nhân). Nhận thấy đây là một công việc có sử dụng kiến thức, kỹ năng pháp luật nhưng không phải tất cả, thậm chí còn phải kết hợp các kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để làm tốt công việc của mình, tôi đăng bài này lên diễn đàn để cùng các anh chị đi trước, các bạn, các em sinh viên Luật chia sẻ các trải nghiệm và quan điểm.
Trước hết tôi xin nêu một vài ý kiến cá nhân:
Thứ nhất, nếu nghề Bác sỹ là nghề chung "đa khoa", rồi có người theo chuyên khoa Răng Hàm Mặt, Tai Mũi Họng, Nội tiết, Nhi... thì nghề Luật cũng là nghề chung, rồi có người theo Luật Đất đai, Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Doanh nghiệp... Tuy chuyên môn hay là cách phân chia chuyên môn mỗi ngành có khác, nhưng cũng tương đồng nhau ở tính chung rộng của nghề và tính chuyên của từng lĩnh vực.
Thứ hai, nếu như Luật sư hành nghề bên ngoài (tại một tổ chức hành nghề Luật sư) thì có thể nói số lượng "mảng" mà Luật sư cần nghiên cứu, áp dụng thực tiễn là rất rộng; trong khi đó, pháp chế đòi hỏi người làm việc phải có kiến thức chuyên sâu, không chỉ về Luật mà còn về lĩnh vực mà Doanh nghiệp nơi họ công tác đang tiến hành sản xuất, kinh doanh.
Thứ ba, tuy là điều thứ ba, mà lại là điều cơ bản đầu tiên, đó chính là: Pháp chế là gì? Đây không phải là khái niệm mới, cũng không phải thiên về khái niệm lý thuyết, mà quan trọng hơn là người làm pháp chế cần hiểu được bản chất, để từ đó có định hướng rõ ràng công việc, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của Doanh nghiệp khi thuê mình làm pháp chế và đạt được mục tiêu nghề nghiệp của mình.
Còn rất nhiều điều thú vị về công việc Pháp chế nữa mà tôi chưa có dịp đúc kết hoặc chưa tìm hiểu được hết. Các anh chị, các bạn có đam mê hay là có liên quan đến công việc này chúng ta hãy cùng chia sẻ thêm để cho "nghề" Pháp chế đến được với nhiều người làm Luật hơn nữa nhé.
Trân quý!
Phạm Văn Minh - Luật sư
Số thẻ: 13975/LS - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội