Phân loại luồng và thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng luồng đường thủy nội địa

Chủ đề   RSS   
  • #617332 10/10/2024

    nguyenduy303
    Top 500
    Male
    Lớp 1

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:19/10/2016
    Tổng số bài viết (348)
    Số điểm: 2977
    Cảm ơn: 37
    Được cảm ơn 61 lần


    Phân loại luồng và thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng luồng đường thủy nội địa

    Phân loại luồng đường thủy nội địa, thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng luồng đường thủy nội địa và việc khảo sát luồng đường thủy nội địa quy định tại Nghị định 08/2021/NĐ-CP.

    1. Quy định phân loại luồng đường thủy nội địa

    Luồng đường thủy nội địa hay luồng chạy tàu thuyền theo định nghĩa tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 08/2021/NĐ-CP là vùng nước được giới hạn bằng hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa để phương tiện đi lại thông suốt, an toàn.

    Tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này quy định luồng đường thủy nội địa được phân thành ba loại, gồm:

    + Luồng đường thủy nội địa quốc gia (gọi tắt là luồng quốc gia);

    + Luồng đường thủy nội địa địa phương (gọi tắt là luồng địa phương);

    + Luồng đường thủy nội địa chuyên dùng (gọi tắt là luồng chuyên dùng).

    - Luồng quốc gia là luồng đáp ứng một trong các điều kiện sau theo quy định tại khoản 2 Điều 7:

    + Đi qua hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên có vai trò quan trọng phục vụ kinh tế, quốc phòng, an ninh quốc gia;

    + Luồng trong địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nối trực tiếp với tuyến vận tải ven biển hoặc nối trực tiếp với hai luồng quốc gia;

    + Luồng qua biên giới hoặc trên biên giới.

    - Luồng địa phương là luồng thuộc phạm vi địa bàn của một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trừ các trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 7 (trường hợp thuộc luồng quốc gia).

    - Luồng chuyên dùng là luồng nối vùng nước cảng, bến thủy nội địa chuyên dùng với luồng quốc gia hoặc luồng địa phương.

    Như vậy, luồng đường thủy nội địa được phân thành luồng quốc gia, luồng địa phương và luồng chuyên dùng. Đồng thời luồng đường thủy nội địa được phân thành các cấp kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định (có thể tham khảo Thông tư 46/2016/TT-BGTVT, một số nội dung được sửa đổi bởi Thông tư 10/2021/TT-BGTVT).

    2. Thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng luồng đường thủy nội địa

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 08/2021/NĐ-CP, trước khi phê duyệt dự án đầu tư xây dựng luồng đường thủy nội địa chủ đầu tư phải thỏa thuận về thông số kỹ thuật của luồng với cơ quan có thẩm quyền sau:

    + Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thỏa thuận về thông số kỹ thuật luồng quốc gia, luồng chuyên dùng nối với luồng quốc gia;

    + Sở Giao thông vận tải thỏa thuận về thông số kỹ thuật luồng địa phương, luồng chuyên dùng nối với luồng địa phương.

    Nội dung thỏa thuận giữa chủ đầu tư và cơ quan có thẩm quyền bao gồm sự phù hợp với quy hoạch và quy mô, thông số kỹ thuật.

    Hồ sơ thỏa thuận theo quy định tại khoản 4 Điều 8 bao gồm:

    + Đơn đề nghị thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng luồng đường thủy nội địa theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 08/2021/NĐ-CP;

    + Bản sao văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án của cơ quan có thẩm quyền (nếu có);

    + Hồ sơ thiết kế sơ bộ luồng đường thủy nội địa.

    Trình tự thực hiện thỏa thuận như sau:

    + Chủ đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến cơ quan có thẩm quyền để thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng luồng đường thủy nội địa.

    + Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng luồng đường thủy nội địa gửi chủ đầu tư.

    Như vậy trình tự, thủ tục thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng luồng đường thủy nội địa thực hiện theo quy định trên. Thẩm quyền thỏa thuận sẽ do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải tùy thuộc vào loại luồng đường thủy nội địa.

    3. Quy định về khảo sát luồng đường thủy nội địa

    Tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 08/2021/NĐ-CP quy định luồng đường thủy nội địa trong quá trình khai thác phải được khảo sát thường xuyên, khảo sát định kỳ và khảo sát đột xuất.

    Kinh phí phục vụ khảo sát, lập bình đồ luồng đường thủy nội địa quy định như sau:

    + Kinh phí khảo sát phục vụ quản lý và thông báo luồng quốc gia, luồng địa phương theo quy định tại Nghị định này do ngân sách nhà nước đảm bảo từ nguồn chi thường xuyên theo phân cấp ngân sách;

    + Tổ chức, cá nhân quản lý luồng chuyên dùng có trách nhiệm bố trí kinh phí để khảo sát phục vụ quản lý và thông báo luồng theo quy định tại Nghị định này.

    Như vậy, việc khảo sát luồng đường thủy nội địa thực hiện theo quy định trên, trách nhiệm khảo sát, lập bình đồ được quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 08/2021/NĐ-CP và công tác khảo sát luồng đường thủy nội địa được Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết tại Thông tư 36/2021/TT-BGTVT.

     
    22 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận