Chào bạn!
Vấn đề của bạn tôi xin được giải đáp như sau.
Theo quy định tại Điều 233 của Bộ luật dân sự năm 1995 quy định về sở hữu chung của vợ chồng như sau:
“1- Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất.
2- Vợ, chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung bằng công sức của mỗi người; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
3- Vợ chồng cùng bàn bạc, thoả thuận hoặc uỷ quyền cho nhau chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
4- Tài sản chung của vợ chồng có thể phân chia theo thoả thuận hoặc theo quyết định của Toà án.”
Mẹ bạn chết 1968 nên phần tài sản thuộc sở hữu của mẹ bạn trong khối tài sản thuộc sở hữu chung của cha và mẹ bạn trở thành di sản thừa kế.
Do đó, di chúc của cha bạn chỉ có hiệu lực đối với phần sở hữu của cha bạn trong khối tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 233 nêu trên.
Hai phần này giải quyết như sau:
Thứ nhất: Phần của mẹ bạn.
Theo quy định tại Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì đối với các trường hợp người để lại di sản chết trước ngày 01/7/1996 thì thời hiệu khởi kiện về thừa kế áp dụng Điều 36 Pháp lệnh thừa kế năm 1990 ngày 30-8-1990. Tức là đến hết ngày 30-8-2000 thì hết thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế.
Phần này đã hết thời hiệu yêu cầu chia thừa kế thì giải quyết như sau:
- Nếu hàng thừa kế thứ nhất có thỏa thuận thống nhất đây là di sản thừa kế chưa chia thì phần của mẹ bạn trở thành sở hữu chung của hàng thừa kế thứ nhất (các anh chị em, ông bà ngoại của bạn). Nếu có yêu cầu chia thì hàng thừa kế thứ nhất cùng thỏa thuận phần được chia, nếu không thỏa thuận được phần được chia thì yêu cầu Tòa án chia.
- Nếu không thỏa thuận thống nhất thì bạn tiếp tục quản lý phần này cho đến khi xác lập quyền sử hữu của bạn (Điều 247 của Bộ luật dân sự 2005).
“Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn mười năm đối với động sản, ba mươi năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này » (Khoản 2 là tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước”
Thứ hai: Phần của cha bạn.
Nếu di chúc hợp pháp thì bạn được quyền sở hữu phần này. Tuy nhiên, việc xác định phần của cha bạn trong khối tài sản chung không hề dễ dàng. Theo nguyên tắc tại Điều 233 Bộ luật dân sự nêu trên thì là một phần hai. Tuy nhiên, trên thực tế còn xem xét công sức trong việc đóng góp, tạo dựng và chỉ có Tòa án mới có thẩm quyền xác định phần này nếu bạn hoặc người thừa kế khác có yêu cầu.
Thứ ba: Tổng hợp hai phần trên theo yêu cầu của bạn.
Nếu bạn muốn được quyền sở hữu căn nhà và quyền sử dụng đất thì thực tế trước hết, bạn nên cũng thỏa thuận với người anh còn lại. Nếu không có tranh chấp thì bạn cùng với người anh còn lại thực hiện thủ tục để sang chủ quyền sở hữu cho bạ.
Lưu ý: Pháp luật về thừa kế trong trường hợp người anh chết sau cha và mẹ bạn thì những người thừa kế của anh bạn không có quyền gì trong việc thừa kế tài sản của cha mẹ bạn nên tôi mới nói như trên. Tuy nhiên, về tình cảm truyền thống gia đình bạn cũng nên trao đổi, thỏa thuận với vợ và con người anh đã chết (hoặc những người cùng hàng thừa kế khác nếu có) để giữ hòa khí trong gia đình.
Mong rằng các thông tin trên có thể giải đáp được tốt nhất cho bạn.
Chào bạn!
Luật gia Võ Quốc Trị - Email: voquoctri84@gmail.com. Phone: 0903621658