Phân biệt tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả

Chủ đề   RSS   
  • #515799 27/03/2019

    lanbkd
    Top 150
    Female
    Lớp 6

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:23/08/2017
    Tổng số bài viết (518)
    Số điểm: 8260
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 490 lần


    Phân biệt tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả

    Tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả đều là chủ thể được bảo hộ quyền tác giả theo pháp luật sở hữu trí tuệ. Song, hai chủ thể này lại có nhiều điểm khác biệt trên các tiêu chí sau:

    TIÊU CHÍ

    TÁC GIẢ

    CHỦ SỞ HỮU QUYỀN TÁC GIẢ

    KHÁI NIỆM

    Tác giả người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học.

    Ngoài ra, đồng tác giả là những tác giả cùng trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học.

    Cần lưu ý: Người hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm không được công nhận là tác giả hoặc đồng tác giả. (Điều 6 Nghị định 22/2018/NĐ-CP)

    Chủ sở hữu quyền tác giảtổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản theo quy định tại Điều 20 Luật sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung 2009.

    Như vậy, tác giả là cá nhân, không phải là tổ chức. Chủ sở hữu quyền tác giả có thể là cá nhân hoặc tổ chức.

    ĐỐI TƯỢNG

    Gồm 04 (bốn) đối tượng:

    (1) Cá nhân Việt Nam có tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả;

    (2) Cá nhân nước ngoài có tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định tại Việt Nam;

    (3) Cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam;

    (4) Cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo Điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Việt Nam là thành viên.

    (Nghị định 22/2018/NĐ-CP không có quy định ghi nhận cụ thể tác giả bao gồm những đối tượng nào. Tuy nhiên, xét về mặt nội hàm, vấn đề này không phải là quy định mới nên chúng ta có thể tham khảo Nghị định đã bị thay thế là Nghị định 100/2006/NĐ-CP. Theo đó, tại Nghị định 100/2006/NĐ-CP, pháp luật ghi nhận tác giả bao gồm 04 đối tượng nêu trên.)

     

    Gồm 04 (bốn) đối tượng:

    (1) Tổ chức, cá nhân Việt Nam.

    (2) Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định tại Việt Nam.

    (3) Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam.

    (4) Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

    (Điều 25 Nghị định 22/2018/NĐ-CP)

    PHÂN LOẠI

    Gồm 02 dạng chủ thể:

    (1) Tác giả có thể đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả;

    (2) Tác giả không phải là chủ sở hữu quyền tác giả, trong một số trường hợp như: Tác phẩm được hình thành do có tổ chức, cá nhân thuê, giao nhiệm vụ cho tác giả thì các tổ chức, cá nhân này sẽ là chủ sở hữu quyền tác giả / Người được chuyển giao quyền tác giả, hay người thừa kế của tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả cũng là chủ sở hữu quyền tác giả /….

     

    Gồm 06 dạng chủ thể:

    (1) Chủ sở hữu quyền tác giả là tác giả;

    (2) Chủ sở hữu quyền tác giả là các đồng tác giả;

    (3) Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả;

    (4) Chủ sở hữu quyền tác giả là người thừa kế;

    (5) Chủ sở hữu quyền tác giả là người nhận chuyển nhượng quyền tác giả;

    (6) Chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước.

     

    QUYỀN ĐƯỢC BẢO HỘ

    - Tác giả là người nắm giữ các quyền nhân thân theo quy định pháp luật bao gồm:

    ( 1) Đặt tên cho tác phẩm;

    (2) Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;

    (3) Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; (Tác giả có thể chuyển giao quyền công bố tác phẩm cho cá nhân khác theo quy định pháp luật)

    (4) Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

    - Trường hợp tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả thì còn có các quyền tài sản sau đây:

    (1) Làm tác phẩm phái sinh;

    (2) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;

    (3) Sao chép tác phẩm;

    (4) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;

    (5) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;

    (6) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

     

    - Chủ sở hữu quyền tác giả có các quyền tài sản sau đây:

    (1) Làm tác phẩm phái sinh;

    (2) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;

    (3) Sao chép tác phẩm;

    (4) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;

    (5) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;

    (6) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

    - Chủ sở hữu có quyền nhân thân “Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm" nếu được tác giả chuyển giao quyền.

    - Trường hợp chủ sở hữu quyền tác giả là tác giả, thì họ còn được sử dụng các quyền nhân thân theo quy định pháp luật:

    ( 1) Đặt tên cho tác phẩm;

    (2) Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;

    (3) Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm ;

    (4) Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

    Đặc biệt: Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản và quyền nhân thân về “công bố tác phẩm” phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.

     

     

    Cập nhật bởi lanbkd ngày 27/03/2019 02:55:35 SA
     
    2151 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận