Trong Luật doanh nghiệp có rất nhiều khái niệm dể gây nhầm lẫn cho người học cũng như người đang nghiên cứu về luật. Vì vậy hãy phân biệt các khái niệm dể gây nhầm lẫn trong luật doanh nghiệp.
Hình minh họa: các khái niệm dể gây nhầm lẫn trong luật doanh nghiệp
1. Cổ phần và cổ phiếu.
- Cổ phần là phần vốn góp nhỏ trong công ty cổ phần, cổ phần được chia thành nhiều phần bằng nhau trong vốn điều lệ của công ty cổ phần
- Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó.
2. Chi nhánh- văn phòng đại diện- địa điểm kinh doanh là.
- Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
- Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó.
- Địa điểm kinh doanh là nơi mà doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể.
3. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và giấy phép kinh doanh.
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là văn bản hoặc bản điện tử mà Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp ghi lại những thông tin về đăng ký doanh nghiệp.
- Giấy phép kinh doanh là Văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho các chủ thể kinh doanh xác nhận chủ thể đó đáp ứng các điều kiện để kinh doanh trong ngành, nghề nhất định.
4. Vốn điều lệ và vốn pháp định
- Vốn điều lệ là là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần.
- Vốn pháp định là mức vốn tối thiểu phải có theo quy định của pháp luật để thành lập doanh nghiệp
5. Chủ thể kinh doanh và người thành lập doanh nghiệp.
- Chủ thể kinh doanh là các cá nhân,tổ chức tham gia hoạt động kinh doanh nhằm mục đích thu lợi nhuận.
- Người thành lập doanh nghiệp là tổ chức, cá nhân thành lập hoặc góp vốn để thành lập doanh nghiệp.
6. Hội đồng quản trị và đại hội đồng cổ đông.
- Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty không thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông
- Đại hội đồng cổ đông là cơ quan có quyền quyết định cao nhất của công ty cổ phần, bao gồm tất cả các cổ đông có quyền biểu quyết (cổ đông phổ thông, cổ đông ưu đãi biểu quyết và cổ đông khác theo quy định của Điều lệ công ty.
7. Người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền của doanh nghiệp.
- Người đại diện theo pháp luật là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
- Người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty là tổ chức phải là cá nhân được ủy quyền bằng văn bản nhân danh chủ sở hữu, thành viên, cổ đông đó thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014.
8. Mã số doanh nghiệp và mã số thuế
- Mã số doanh nghiệp là dãy số được tạo bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, được cấp cho doanh nghiệp khi thành lập và được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp có một mã số duy nhất và không được sử dụng lại để cấp cho doanh nghiệp khác.
- Mã số thuế doanh nghiệp là một dãy số gồm 10 chữ số hoặc 13 chữ số và ký tự khác do cơ quan thuế cấp cho doanh nghiệp dùng để quản lý thuế.
Cập nhật bởi huynhvanda ngày 04/07/2020 04:04:00 CH