Chào bạn, về vấn đề này bạn có thể tham khảo giải đáp như sau:
1) Bộ Thông tin và truyền thông có gọi thông báo khoá thuê bao không?
Theo quy định tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP, các thuê bao di động cần phải cung cấp các thông tin cá nhân chính xác (họ và tên, CMND/CCCD, ngày cấp và nơi cấp,…) với các nhà mạng. Quy định nhằm giúp bảo vệ quyền lợi của khách hàng sử dụng dịch vụ và hạn chế tình trạng SIM rác trên thị trường.
Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản thông báo 174/TB-VPCP năm 2022 chỉ đạo kết nối đồng bộ thông tin thuê bao di động với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giải quyết triệt để tình trạng SIM rác, tình trạng giả mạo giấy tờ.
Theo đó, nhà mạng sẽ gửi tin nhắn liên tục trong ít nhất năm ngày, mỗi ngày ít nhất một lần để yêu cầu cập nhật dữ liệu. Thuê bao bị dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều nếu không thực hiện sau 15 ngày nhận thông báo, dừng hai chiều nếu không thực hiện sau 15 ngày tiếp theo. 30 ngày sau đó, thuê bao không cập nhật sẽ bị chấm dứt hợp đồng.
Như vậy, trách nhiệm thông báo khoá thuê bao là của nhà mạng chứ không phải của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Đồng thời, theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, kể từ ngày 27/10/2023, tất cả các số điện thoại gọi đến người dân của các đơn vị thuộc Bộ TT&TT là Văn phòng Bộ, Cục Báo chí, Cục An toàn thông tin, Cục Viễn thông, Cục Tần số Vô tuyến điện sẽ có hiển thị tên định danh “BO TTTT”. Việc này đã được các đơn vị thuộc Bộ TT&TT hoàn thành từ ngày 20/10.
Cũng từ ngày 27/10/2023, các số điện thoại của doanh nghiệp viễn thông khi gọi đến khách hàng sử dụng dịch vụ cũng đều hiển thị tên định danh. Chẳng hạn như VNPT, VinaPhone (nhà mạng Vinaphone), VIETTELCSKH (nhà mạng Viettel); FPT SHOP (nhà mạng FPT), LOCAL (nhà mạng ASIM)…
Do đó, các số điện thoại gọi đến người dân với xưng danh là đơn vị thuộc Bộ TT&TT gồm Văn phòng Bộ, Cục Báo chí, Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin, Cục Tần số Vô tuyến điện; xưng danh là doanh nghiệp viễn thông (Vinaphone, Viettel, FPT..), nhưng không hiển thị tên định danh kèm theo đều là các số điện thoại giả mạo, có dấu hiệu lừa đảo.
Bộ TT&TT khuyến cáo, khi nhận cuộc gọi từ các số điện thoại giả mạo, người dân cần phản ánh tới các đầu số tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo của Bộ TT&TT là 156, 5656 hoặc phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao của mình để yêu cầu xử lý.
2) Công an có được gọi điện cho người dân không?
Căn cứ Tiểu mục 1.4 Mục 1 Thông tư 01/2006/TT-BCA (C11) quy định về việc triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; lấy lời khai người bị tạm giữ. Trong đó có quy định:
Nghiêm cấm Điều tra viên gọi điện thoại hoặc thông qua người khác để yêu cầu người được triệu tập đến làm việc mà không có giấy triệu tập hoặc giấy mời.
Như vậy, khi muốn triệu tập bị can thì công an phải thông báo bằng giấy mời và nghiêm cấm gọi điện thoại để triệu tập.
Theo đó, trong trường hợp của bạn việc các đối tượng tự xưng là Bộ Thông tin và Truyền thông và công an để yêu cầu làm việc là có dấu hiệu lừa đảo.
Đồng thời, từ ngày 25/7/2022, Bộ Công an đã triển khai thực hiện gửi và tiếp nhận tin tố giác, tin báo tội phạm, tin phản ánh về ANTT qua ứng dụng VNeID. Theo đó, công dân khi có tài khoản VneID và thiết bị kết nối internet có thể thực hiện phản ánh tình hình tin an ninh trật tự hoặc tố giác tội phạm trực tuyến qua ứng dụng VNeID, tại bất cứ đâu, bất kể thời gian nào. Giúp cho lực lượng Công an có thể nhanh chóng nắm bắt tình hình, vụ việc xảy ra từ đó có phương án, biện pháp xử lý, kịp thời ngặn chặn tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.
Vậy, việc bạn phản ánh qua ứng dụng VNeID là hợp lý và không vi phạm pháp luật nhé!