Ông bà tặng bất động sản, cháu có được đứng tên sổ hồng, sổ đỏ không?

Chủ đề   RSS   
  • #610122 01/04/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 451 lần


    Ông bà tặng bất động sản, cháu có được đứng tên sổ hồng, sổ đỏ không?

    Một trẻ em được sinh ra đời là niềm vui và hạnh phúc của một gia đình. Nhiều gia đình yêu thương con, ông bà yêu thương cháu đã không tiếc khi tặng con cháu mình nhiều tài sản có giá như tiền, nhà cửa, quyền sử dụng đất,...Tiền thì còn có thể để dành ống heo, đưa ba mẹ giữ, còn đất đai, nhà cửa thể hiện quyền sở hữu trên sổ hồng, sổ đỏ thì thế nào? Trẻ em có được đứng tên sổ hồng, sổ đỏ không?

    (1) Trẻ em có được công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất không?

    Theo quy định tại Điều 134 Luật Đất đai 2024, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hay còn gọi là sổ đỏ, sổ hồng là:

    - Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất theo mẫu thống nhất trong cả nước.

    - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

    Cũng theo khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư 14/2023, quy định về thông tin của người sử dụng đất tại trang 1 của giấy chứng nhận là:

    - Cá nhân trong nước thì ghi “Ông” (hoặc “Bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân (nếu có), địa chỉ thường trú. Giấy tờ nhân thân là Giấy chứng minh nhân dân thì ghi “CMND số:…”; trường hợp Giấy chứng minh quân đội nhân dân thì ghi “CMQĐ số:…”; trường hợp thẻ Căn cước công dân thì ghi “CCCD số:…”; trường hợp chưa có Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân thì ghi “Giấy khai sinh số…” hoặc “số định danh cá nhân:…

    Ta có thêm quy định tại Điều 4 Luật Đất đai 2024 quy định về những người được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất tại Việt Nam là:

    - Tổ chức trong nước gồm:

    +Cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, đơn vị vũ trang nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật

    + Tổ chức kinh tế theo quy định của Luật Đầu tư (sau đây gọi là tổ chức kinh tế)

    - Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc

    - Cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam;

    - Cộng đồng dân cư

    - Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ;

    - Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài

    - Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài

    Như vậy, các quy định trên không có cái nào nhắc về độ tuổi của người sử dụng đất, người được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Ngoài ra, trong các thông tin ghi tại trang đầu tiên của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cũng có quy định khi chưa có Giấy chứng minh nhân dân hay thẻ CCCD thì sử dụng Giấy Khai sinh hoặc mã số định danh của cá nhân.

    Tất cả những điều trên cho thấy trẻ em hoàn toàn không bị cấm hoặc điều chỉnh trong việc được quyền sử dụng đất và sở hữu tài sản gắn liền với đất.

    (2) Trẻ em có được đứng tên trên sổ hồng, sổ đỏ không?

    Theo nhận định ở trên, trẻ em hoàn toàn được công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, tuy nhiên, việc đứng tên sổ hồng, sổ đỏ lại là chuyện khác.

    Việc chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở phải được xác lập bằng hợp đồng, vì vậy đây là một giao dịch dân sự. Theo khoản 1 Điều 117 Bộ Luật Dân sự 2015, điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực là:

    - Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

    - Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

    - Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

    Theo bài viết, đối tượng được nói đến là trẻ em, trẻ em theo quy định của pháp luật là những người dưới 16 tuổi, do đó, việc xác lập giao dịch dân sự trong trường hợp này là giao dịch dân sự với người chưa thành niên.

    Theo quy định Điều 21 Bộ Luật Dân sự 2015, người chưa thành niên là:

    - Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.

    - Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

    - Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi

    - Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

    Căn cứ vào quy định trên, trẻ em khi được nhận tặng cho động sản, bất động sản thì từ 0 đến chưa đủ 18 tuổi đều phải thông qua người đại diện theo pháp luật.

    Như vậy, trẻ em được đứng tên sổ đỏ, tuy nhiên khi làm thủ tục thì phải có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người đại diện.

    (3) Ông bà tặng đất, cháu có phải đóng thuế không?

    Quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 như sau

    “4. Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.”

    Và tại khoản 10 Điều 10 Nghị định 10/2022/NĐ-CP quy định về miễn lệ phí trước bạ như sau:

    “10. Nhà, đất nhận thừa kế hoặc là quà tặng giữa: Vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau nay được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.”

    Theo đó, trường hợp này sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ.

     
    891 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn motchutmoingay24 vì bài viết hữu ích
    admin (09/04/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận