Xin chào bạn, vấn đề bạn thắc mắc cũng đã lâu nhưng chưa có thành viên nào trả lời; không biết bạn đã được tự tìm được câu trả lời hoặc đã nhận được sự tư vấn từ nơi khác hay chưa, nhưng mong là câu trả lời của tôi, dù muộn, nhưng vẫn giúp ích phần nào cho bạn và các thành viên khác.
Căn cứ xác định vi phạm và nguyên tắc bồi thường:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Luật đất đai 2013 có quy định:
“Điều 12. Những hành vi bị nghiêm cấm
1. Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai.
....”
Tại Điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ-CP Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có quy định như sau:
“Điều 10. Lấn, chiếm đất
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất ở.
[…]
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này;
b) Buộc trả lại đất đã lấn, chiếm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này.”
Theo các quy định trên, hành vi lấn chiếm đất, đào hố và xả nước thải sang đất nhà bạn của người hàng xóm là hành vi vi phạm pháp luật đất đai, và tùy theo hành vi và mức độ lấn chiếm, vi phạm thì sẽ bị áp dụng mức phạt tương ứng. Ngoài ra, hộ kinh doanh trên còn phải bồi thường những thiệt hại do hành vi lấn, chiếm đất và xử nước thải gây ra. Căn cứ, nguyên tắc và xác định thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định tại các điều 584,585,589 Bộ luật dân sự 2015. Đối với trường hợp của bạn, có nhiều phương án giải quyết, tôi xin đưa ra một số kiến nghị như sau:
1. Gửi đơn đề nghị xử phạt vi phạm hành chính.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 31 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định:
“Điều 31. Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc xử phạt vi phạm hành chính
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại Điểm b Khoản này;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.”
Như vậy, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh vi phạm là Chủ tịch UBND xã, bạn nên gửi đơn đề nghị xử phạt tới Chủ tịch UBND xã và yêu cầu giải quyết xử lý. Nếu đơn đề nghị của bạn không được chấp nhận hoặc kết quả giải quyết không thỏa đáng, bạn tiếp tục thực hiện thủ tục khiếu nại để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Trình tự thủ tục khiếu nại được quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật khiếu nại tố cáo 2011 như sau:
“Điều 7. Trình tự khiếu nại
1. Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.”
2. Ngoài ra bạn cũng có thể tham khảo các phương án giải quyết khác như sau:
- Hòa giải tại cấp cơ sở: Bạn gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai tới UBND xã nơi xảy ra tranh chấp để tiến hành hòa giải. Trình tự thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai được quy định cụ thể tại Điều 202 Luật đất đai 2013. Tuy nhiên, với phương án tiến hành hòa giải này, để đi đến kết quả hòa giải thành cần có sự tự thỏa thuận và tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của các bên. Tuy nhiên, với trường hợp của bạn, phía bên vi phạm đã bày tỏ thái độ không mong muốn hòa giải, thậm chí thách thức khởi kiện, do vậy, phương án hòa giải này khó có khả năng đi đến kết quả.
- Khởi kiện vụ án tranh chấp đất đai tại Tòa án: sau khi tiến hành hòa giải tại UBND xã không thành, bạn có thể làm đơn khởi kiện vụ án tranh chấp đất đai tới Tòa án để bảo về quyền và lợi ích của mình. Hình thức, nội dung của đơn khởi kiện; gửi đơn khởi kiện đến Tòa án được quy định cụ thể tại Điều 189, Điều 190 Bô luật tố tụng dân sự 2015.
- Tố cáo hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo điều 143 Bộ luật tố tụng hình sự 2003. Bạn có thể tố giác hành vi trên tới Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức khác theo quy định tại Điều 101 Bộ luật tố tụng hình sự 2003.
Hiện tại, với các thông tin bạn cung cấp, nên tôi chỉ có thể trả lời sơ bộ cho bạn như trên. Để có thể có được câu trả lời chính xác hơn, bạn nên liên hệ trực tiếp với luật sư để cung cấp thêm những thông tin cụ thể, cũng như trao đổi để tìm ra phương án giải quyết tốt nhất.
Chuyên viên tư vấn: Đỗ Thảo Quyên
BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT ĐẤT ĐAI - DỰ ÁN BĐS | CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM
M: (+84-4) 32.123.124; (+84-4) 32.899.888 - E: cle.vietkimlaw@gmail.com; luatvietkim@gmail.com - W: www.vietkimlaw.com
Ad: Trụ sở chính - Tầng 5, Tòa nhà SHB, 34 Giang Văn Minh, Ba Đình, HN | VPGD - Tầng 5, Nhà C, 236 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, HN.