Nuôi, bán, truyền bá Kuman Thong - Minh họa
Tưởng chừng độ “hot” của Kuman Thong đã qua đi thì mới đây, một Youtuber nổi tiếng lại bị dư luận bàn tán về việc sử dụng nó trong khi người xem của cô chủ yếu là các em nhỏ. Chưa biết rằng những con búp bê này linh nghiệm đến đâu, giúp đỡ được chủ nhân của nó như thế nào, nhưng nó hoàn toàn có thể họ đến thẳng vành móng ngựa!
Người ta tin rằng việc “nuôi” loại búp bê này một cách cẩn thận, chu đáo có thể giúp chủ của nó cầu được, ước thấy! Đằng sau rất nhiều video clip trên internet về phép màu của Kuman Thong như búp bê uống nước, búp bê ăn bánh kẹo chính là những chiêu trò, thủ thuật đã bị bóc mẽ. Tuy nhiên đối với những người ít hiểu biết, nhẹ dạ cả tin thì Kuman Thong trở thành “món hàng” được săn đón từ bắc chí nam, từ nông thôn đến thành thị.
1. Xử phạt hành chính
Tại Điểm a Khoản 2 Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP có quy định:
“2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi;”
Từ điều luật trên, có thể thấy đây là căn cứ để xử phạt hành chính những kẻ “buôn thần, bán thánh” thông qua việc tuyên truyền, quảng bá Kuman Thong rồi bán những món đồ này. Thêm vào đó, Khoản 4 của điều luật trên còn buộc người vi phạm phải nộp lại số tiền bất chính đã thu được.
Cần phân tích thêm rằng, ở quy định này, chưa cần xét đến người vi phạm là người bán hay người chỉ mua về sử dụng mà chỉ cần có hành vi lợi dụng - tức thông qua việc truyền bá hoặc sử dụng, hoặc chỉ đơn giản là làm cho người khác tin vào Kuma Thong để đạt lợi ích nào đó cho mình thì cũng bị coi là vi phạm.
Nếu hiểu theo cách giải thích ở trên, cô Youtuber sử dụng Kuman Thong để lôi kéo tương tác cho kênh của mình và kiếm tiền từ đó cũng có thể bị xử phạt hành chính!
2. Chịu trách nhiệm hình sự
Mức phạt trên chỉ là xử phạt hành chính, tức chưa bị truy cứu và chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật. Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về tội Hành nghề mê tín, dị đoan như sau:
“1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”
Đây là hình thức xử phạt nặng hơn của lỗi vi phạm hành chính đã phân tích ở mục 1. Quy định này được hiểu là: nếu bạn đã từng bị xử phạt hành chính (tức phạt tiền) về hành vi truyền bá Kuman Thong mà vẫn tái phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, ở Khoản 2 Điều luật này có quy định các trường hợp vi phạm mà thậm chí dù chưa bị phạt hành chính, bạn vẫn có thể bị phạt tù từ 3 đến 10 năm:
- Việc vi phạm dẫn đến hậu quả chết người
- Thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Nếu hành vi truyền bá, mua bán Kuman Thong làm một bộ phận người dân hoang mang hoặc xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào; phá vỡ quy tắc xử sự chung do nhà nước ban hành; xâm phạm những giá trị xã hội, chuẩn mực đạo đức được mọi người tôn trọng, thừa nhận, tuân thủ thì rất có thể bị xác định là “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự”.
Đây là cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự người vi phạm lên đến 10 năm tù!
Như vậy, hãy cẩn thận với việc tuyên truyền, quảng bá hay mua bán, sử dụng những chú búp bê "thần thánh" này. Rất có thể trước khi mang đến cho bạn tài lộc, nó đã kịp dắt tay bạn vào cơ quan chức năng để xử lý vi phạm!