Đối với những người lao động đang nghỉ hưu thì có được cấp thẻ BHYT để thanh toán trong quá trình khám, chữa bệnh hay không? Những quyền lợi về BHYT mà người hưởng lương hưu có được là gì?
Người hưởng lương hưu có thuộc đối tượng tham gia BHYT không?
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế:
Nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng, bao gồm:
- Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng;
- Người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng;
- Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng;
- Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo đó, người hưởng lương hưu thuộc đối tượng người tham gia BHYT.
Ngoài ra, trong trường hợp đã được giải quyết để hưởng lương hưu thì bảo hiểm y tế sẽ được tổ chức bảo hiểm xã hội đóng.
Mức hưởng bảo hiểm y tế của người hưởng lương hưu là bao nhiêu?
Căn cứ tại Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 quy định về mức hưởng bảo hiểm y tế như sau:
Người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại các điều 26, 27 và 28 của Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức hưởng như sau:
Sẽ được hưởng 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 2, điểm k khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014.
Như vậy, khi có thẻ bảo hiểm y tế của người hưởng lương hưu thì khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến vẫn sẽ được hưởng mức cao nhất là 95% chi phí khám, chữa bệnh nằm trong phạm vi chi trả của bảo hiểm.